Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường bất động sản: DN vẫn kỳ vọng vào cơ chế (Phần 1)

Quang canh buổi hội thảo

 
Quang canh buổi hội thảo

 Sau giai đoạn chìm lắng do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường bất động sản Việt Nam đang phát đi những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường này vẫn là một câu hỏi lớn mà nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này quan tâm.

 
Vì thế, nhằm đưa ra những phân tích và dự báo về tiềm năng, xu hướng vận động của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, dưới báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Bộ Xây dựng) tổ chức Hội thảo: “Thị trường bất động sản Việt Nam: Những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm".  
 
Hội thảo sẽ là diễn đàn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các khuyến nghị góp phần định hướng thị trường bất động sản vận động một cách tích cực. Chương trình của Hội thảo được chia thành 2 phiên với những tham luận cụ thể của các chuyên gia, các nhà quản lý, các Hiệp hội và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Cụ thể:  
 
Phiên I: Các vấn đề chính sách với các tham luận: “Định hướng về quản lý thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới” của ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng. “Bình luận về tác động của những chính sách mới với sự phát triển của thị trường bất động sản”  của ông Vũ Văn Phấn - Vụ trưởng, Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản. “Tình hình thị trường bất động sản Việt Nam và những kiến nghị của doanh nghiệp”  của ông Tống Văn Nga – Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. 

Phiên II: Những vấn đề của thị trường với các tham luận: “Cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập thấp” của ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng). “Tạo quỹ đất cho phát triển nhà ở” của ông Đặng Quang Phán – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường). “Tình hình giao dịch bất động sản thông qua các sàn giao dịch trong thời gian qua và những kiến nghị” của ông Phan Thành Mai – Trưởng ban điều hành miền Bắc, Sàn Giao dịch bất động sản Việt Nam. 

Các doanh nghiệp tham gia kiến nghị, đóng góp ý kiến: Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng; Công ty CP Vincom,…
 
Đúng 8h30 Hội thảo bắt đầu. Tới dự buổi hội thảo có ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Tống Văn Nga – Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Bất động sản VN cùng đông đảo các doanh nghiệp tham gia.
 
Ông Phạm Gia Túc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phát biểu khai mạc
 
Phát biểu mở đầu buổi hội thảo, ông Phạm Gia Túc cho biết: Trong hai năm gần đây ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng có những ảnh hưởng nhất định và thị trường bất động sản cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng  của thị trường này có độ trễ nhất định so với các nước khác trên thế giới.
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế các nước lớn trên thế giới đã có bước ổn định, nhiều dấu hiệu cho rằng nền kinh tế VN đã chạm đáy. Đây cũng là cơ hội để phát triển thị trường bất động sản, nếu phát triển tốt sẽ là kênh thu hút đầu tư lớn trên thế giới. Với mong muốn như vậy chúng tôi đã tổ chức hội thảo để có thêm kênh thông tin tới doanh nghiệp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản trao đổi về những nội dung đã nêu. 
 
Ông Túc nhấn mạnh: " Các vị lãnh đạo sẽ có những chia sẻ đối với doanh nghiệp, và chúng tôi sẽ lắng nghe những kiến nghị đó và có những yêu cầu kiến nghị lên Đảng và Chính phủ giúp doanh nghiệp".  
 
Tiếp đến ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo về "Định hướng quản lý thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới".
 
Ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựngphát biểu tại hội thảo
 
"Thị trường bất động sản là một thị trường mang tính tổng hợp rất cao, nó mang tính nhạy cảm cao và liên quan tới các vấn đề xã hội. Do đó, cần phải có bàn tay lãnh đạo của nhà nước sâu sắc hơn. Vì thế, tôi đánh giá ở các điểm như sau:
 
Theo tôi, thị trường bất động sản Việt Nam là có rồi và có tổng lượng giao dịch, lượng tiền trong nước và ngoài nước. Các chính sách của chúng ta cũng đã có, và nhu cầu người dân rất là lớn…Thị trường mới hình thành và mức đóng góp còn khiêm tốn, nhưng trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh vì rất có tiềm năng .
 
Hệ thống cơ chế chính sách còn thiếu và chưa tốt, còn nhiều điểm mang tính chất ràng buộc và gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Cái này được chúng tôi đánh giá là chưa mang tính chuyên nghiệp từ cơ quan Nhà nước đến các doanh nghiệp liên quan tới các vấn đề này. Như vậy cần phải đòi hỏi một cơ chế chính sách đồng bộ.
 

Hiện nay, chúng tôi đang soạn thảo quản lý thị trường bất động sản và đất đai để trình Bộ Chính trị và hy vọng sẽ có cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp còn mới và kiến thức thì chưa nhiều. Do đó, chúng tôi thấy rằng cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo doanh nghiệp làm bất động sản. Lĩnh vực không chuyên nghiệp còn thể hiện ở người dân, còn mang tính bao cấp và ỷ lại rất lớn. Đầu tư vào bất động sản cũng mang tính chất phong trào và tin đồn. Các nhận định về thị trường bất động sản còn mang cảm tính. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, về phía Nhà nước chưa đưa ra được những thông tin đầy đủ để cho các cơ quan truyền thông, các chuyên gia có thể nhận định được xác thực cho thị trường bất động sản.
 
Định hướng thị trường bất động sản trong thời gian tới : Về phía cơ quan nhà nước, trên cơ sở đề án trình Bộ Chính trị và trên cơ sở cơ quan nhà nước để thể chế hóa luật này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn là sẽ đào tạo được đội ngũ doanh nghiệp bất động sản tốt hơn. Báo chí cũng cần phải đưa tin nhanh nhưng đúng và chính xác sự việc.
 
Một trong những định hướng thị trường bất động sản là quyền tiếp cận nhà ở của chính quyền với nhân dân. Nhà nước cũng cần tạo ra cơ chế chính sách để tạo cho doanh nghiệp bất động sản hướng tới các đối tượng như người có thu nhập trung bình và thấp…
 
Chúng tôi cũng mong rằng, Nhà nước ngoài việc kích cầu thì cũng nên làm công tác dân sinh. Tôi cũng lưu ý các doanh nghiệp bất động sản là thị trường nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình là thị trường tiềm năng lớn, dù lợi nhuận không cao".

 
Ông Vũ Văn Phấn - Trưởng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về c/s nhà ở và TT BĐS tham gia hội thảo chủ đề “Tác động của những chính sách mới tới sự phát triển của thị trường bất động sản” 

Thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ có tác động tích cực đến nhiều thị trường khác liên quan như thị trường tài chính - tiền tệ, ngân hàng - chứng khoán, thị trường lao động, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng,…và góp phần không nhỏ vào chủ trương kích cầu đầu tư, chống suy giảm kinh tế hiện nay của nước ta, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao điều kiện sống – sinh hoạt của nhân dân, tạo ra diện mạo mới về kiến trúc, cảnh quan cho đô thị, điểm dân cư nông thôn,…

Ông đề cập tới 3 vấn đề của các cơ chế chính sách mới đối với thị trường bất động sản: (1) Tác động đến sự phát triển chung của Thị trường bất động sản, (2) Tác động đến “cung - cầu” và giá cả hàng hoá bất động sản, (3) Những cải cách thủ tục hành chính tác động đến hoạt động kinh doanh bất động sản:
 
Ông Vũ Văn Phấn - Trưởng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về c/s nhà ở và TT BĐS

1. Tác động tới sự phát triển chung của Thị trường bất động sản:

Thực tế cho thấy đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, không chỉ thu hút nguồn lực trong nước mà cả nguồn vốn đầu tư nước ngoài; Thị trường bất động sản dần đi vào ổn định, công khai, lành mạnh; từng bước góp phần giải quyết hiệu quả nhu cầu bức thiết của xã hội, đặc biệt là về vấn đề nhà ở. Đóng góp quan trọng vào kết quả nêu trên, có thể nói những cơ chế, chính sách liên quan đến Thị trường bất động sản được ban hành trong vài năm trở lại đây ngày một thông thoáng và đồng bộ theo xu hướng cởi mở, hội nhập quốc tế, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

2. Tác động đến “cung - cầu” và giá cả hàng hoá bất động sản:

Tính cho đến thời điểm hiện nay, “cung - cầu” hàng hoá bất động sản nói chung vẫn đang ở trong tình trạng mất cân đối, “cung” thiếu so với “cầu”, đặc biệt là “cung - cầu” nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Điều này dẫn tới trong một thời gian dài giá cả bất động sản, nhất là đối với giá nhà ở luôn đứng ở mức cao so với giá trị thực của nó, vượt quá khả năng chi trả của người dân, đôi khi dẫn tới các cơn sốt của thị trường, điều này luôn gây bất lợi, thiệt thòi cho người có nhu cầu thực sự về bất động sản để sử dụng, đặc biệt là đối với người có thu nhập thấp hầu như không thể có đủ điều kiện để cải thiện được nhà ở. Kể cả trong thời kỳ gọi là thị trường “đóng băng” nhưng thực chất nhu cầu trong xã hội vẫn rất lớn, giá bất động sản có giảm nhưng vẫn là quá cao so với giá trị thực của nó và sức mua của người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm điều tiết thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thực của xã hội, vấn đề tăng “cung” để thoả mãn “cầu” có thể nói là mấu chốt mang tính quyết định. Các chính sách được ban hành trong thời gian gần đây đã thực sự đi vào giải quyết vấn đề này, đó là khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở nhằm tạo ra nhiều bất động sản để giải quyết vấn đề mất cân đối “cung - cầu” hiện nay, góp phần điều tiết giá cả bất động sản về với giá trị thực của nó, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, mức thu nhập của đai đa số người dân có nhu cầu, đặc biệt là giải quyết nhu cầu về nhà ở cho một số đối tượng chính sách xã hội. Đây là những chính sách có thể nói “một mũi tên trúng nhiều đích”, vừa góp phần kích cầu đầu tư, giảm suy thoái kinh tế, giải quyết nhu cầu bức xúc hiện nay về nhà ở của xã hội, đồng thời góp phần bình ổn thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng. 

3. Những cải cách thủ tục hành chính tác động đến hoạt động kinh doanh bất động sản:

Có thể nói các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành vừa qua đã có những tác động mạnh mẽ tới việc đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng các dự án bất động sản để đưa sản phẩm ra thị trường và yêu cầu ngày càng phải công khai, minh bạch về các giao dịch bất động sản để tạo điều kiện thuận lợi, tránh rủi ro cho các bên tham gia. Những quy định này trực tiếp tác động đến cung - cầu, giá cả thị bất động sản và góp phần quan trọng vào việc phát triển lành mạnh, bền vững, ổn định thị trường bất động sản, cụ thể là:

- Do một số quy định của pháp luật trước đây còn nhiều bất cập về thủ tục hành chính dẫn đến thời gian chuẩn bị cho một dự án đầu tư bất động sản (dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp) thường mất nhiều thời gian, gây phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp (theo khảo sát của Bộ Xây dựng cuối năm 2008 cho thấy thời gian chuẩn bị cho một dự án loại này thường mất từ 2 đến 3 năm, cá biệt có dự án mất tới 6-7 năm chuẩn bị và thường phải trải qua tới 33 bước thủ tục). Ngày 31/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP cho phép thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng các dự án này.
 
 
- Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vừa mới được Quốc hội thông qua tháng 6/2009, có một số nội dung về thủ tục trong đầu tư xây dựng rất quan trọng, cần được quan tâm, như về quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình: thay vì quy định trước đây trong Luật Xây dựng (Điều 43) là việc quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng nguồn vốn nhà nước phải căn cứ vào các định mức kinh tế - kỹ thuật và các quy định có liên quan khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, thì nay cơ quan nhà nước về xây dựng chỉ công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và các thông tin liên quan để chủ đầu tư tham khảo xác định chi phí đầu tư; hay về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình: thay vì quy định trước đây trong Luật Xây dựng (Điều 59) là thiết kế cơ sở phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về xây dựng tổ chức thẩm định khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình, thì nay người quyết định đầu tư tự chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế cơ sở và các nội dung khác của dự án khi thẩm định để phê duyệt, trong trường hợp cần thiết thì người quyết định đầu tư mới lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về thiết kế cơ sở; hay về gói thầu được chỉ định thầu: thay vì quy định trước đây trong Luật đấu thầu (Điều 20) là chỉ gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển mới được, thì nay không quy định “cứng” như vậy nữa mà giao Chính phủ quy định giá trị hạn mức của gói thầu để được chỉ định thầu, theo đó ngày 16/2/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 229/TTg-KTN gửi các Bộ ngành Trung ương, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét quyết định việc chỉ định thầu đối với các dự án có mức vốn đầu tư tối đa không quá 5 tỷ đồng. Đồng thời đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên theo Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở sinh viên được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các hợp đồng tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị.

 

Một nội dung quan trọng nữa trong Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư xây dựng cơ bản là thống nhất 1 mẫu giấy chứng nhận để cấp cho bất động sản, đó là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, thống nhất trình tự, thủ tục, cơ quan thụ lý hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi làm thủ tục cấp giấy, khắc phục được sự chồng chéo, mâu thuẫn, phức tạp trước đây giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở.
 
- Về các giao dịch liên quan đến bất động sản: Luật Nhà ở (Điều 36) đã quy định tổ chức, cá nhân phát triển nhà ở thương mại có trách nhiệm công khai tại trụ sở Ban quản lý dự án, địa điểm có dự án và trên phương tiện thông tin đại chúng về quy hoạch chi tiết của dự án, số lượng nhà ở bán, cho thuê; số lượng nhà ở đã bán, cho thuê; số lượng nhà ở còn lại; giá bán, giá cho thuê; phương thức thanh toán; thủ tục đăng ký mua, thuê nhà ở, điều kiện được mua, thuê nhà ở để mọi tổ chức, các nhân có nhu cầu đều biết. Cũng liên quan đến việc công khai minh bạch này, Luật Kinh doanh bất động sản (Điều 22, 28, 33) quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. 

Đồng thời Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đều quy định chủ đầu tư dự án (tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS) phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua.

Có thể nói, các chính sách mới trong thời gian vừa qua đã tác động rất tích cực, hiệu quả đến sự phát triển của Thị trường bất động sản như đã trình bày ở các phần trên. Tuy nhiên, để Thị trường bất động sản thực sự phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững và hiệu quả thì trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách đã có, cần phải tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến Thị trường bất động sản cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế là hết sức cần thiết, bên cạnh đó vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, từng người dân đồng tình ủng hộ, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, tham gia nhiệt tình, tích cực vào việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách là hết sức quan trọng và có tính quyết định vào sự thành công của Thị trường bất động sản của đất nước ta.
 
“Thị trường bất động sản Việt Nam 2009: Một số vấn đề về đầu tư kinh doanh trong thời gian tới” là bài tham luận của ông Tống Văn Nga - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
 
 Ông Tống Văn Nga - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
 
Theo nhận định của những chuyên gia kinh tế hàng đầu về khủng hoảng, thì điểm tồi tệ nhất của khủng hoảng này còn đang đến, và suy thoái trên thế giới có nhiều khả năng còn kéo dài quá 2011. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế của Việt Nam sẽ còn gặp khó khăn. Năm 2008, thị trường bất động sản Việt Nam đã có dấu hiệu bất ổn, gặp nhiều khó khăn. Tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới tiếp tục làm thị trường bất động sản giảm sút, giao dịch diễn ra cầm chừng trong bối cảnh thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
 
Năm 2009, các nhà đầu tư bất động sản đang đứng trước những thách thức lớn bởi sự suy thoái kinh tế đã và đang trực tiếp tác động vào Việt Nam; thị trường bất động sản có xu hướng giảm hẳn các giao dịch và đi xuống. Mặc dù vậy, thị trường bất động sản vẫn đầy tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội tốt. Việc mở rộng các đô thị cũng như tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cùng với nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương sẽ làm tăng nhu cầu về bất động sản: nhà ở, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và các khu công nghiệp...
  
Một yếu tố khác có thể tác động tích cực vào thị trường bất động sản là từ ngày 1/1/2009, chúng ta bắt đầu thực hiện Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam (trong 80.000 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có 10.000 người có nhu cầu). 

Thời gian qua có rất nhiều ý kiến, đề xuất với các cơ quan quản lý nên có các cơ chế chính sách phù hợp để thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững. Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng ba nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. 
 
Một trong những vấn đề cơ bản hiện nay của thị trường bất động sản vẫn là vốn, là mối quan hệ giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Vừa qua, chính phủ đã công bố gói đầu tư về nhà ở xã hội cho thị trường bất động sản “hy vọng gói đầu tư vào thị trường nhà ở xã hội sẽ có tác động như một cú hích lớn của Nhà nước làm cho thị trường này lành mạnh hơn.”
 
Trên thực tế, chênh lệch cung cầu của thị trường bất động sản vẫn còn rất lớn. Cho nên tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định mạnh dạn đầu tư cho những dự án có tính khả thi cao. Dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng nền kinh tế VN đang trong quá trình phát triển khiến thị trường bất động sản vẫn có những cơ hội tốt cho các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay cần tiếp tục có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của chính phủ như về thuế, cải cách thủ tục hành chính, chính sách lãi suất cho vay...
 
Giao dịch qua sàn cũng là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm. Nhưng đến nay, vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng cho vấn đề này ngoài việc từ 1/1/2009, các sàn bắt buộc phải đạt yêu cầu chuyên môn theo Luật Kinh doanh BĐS và Nghị định 153/2007/NĐ-CP, đặc biệt là vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề định giá, môi giới BĐS. 
 
 
 

(Theo Doãn Hiền, Nam Phương, Hồ Hường, Lưu Vân, Đình Quân // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Thị trường địa ốc: Hai mặt của sự bùng nổ
  • Vincom Galleries - Hà Nội dự kiến mở cửa vào tháng 8/2009
  • Cần cơ chế mới cho doanh nghiệp bất động sản
  • Cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải chịu thuế 25% trên thu nhập chịu thuế
  • Thủ tướng chỉ đạo đấu thầu lại khu 'tam giác vàng'
  • Thị trường khu nghỉ dưỡng bắt đầu nhộn nhịp
  • Vốn FDI vào xây dựng và BĐS tăng
  • Sàn giao dịch BĐS Vietcomreal (của Cty CP Thương mại Địa ốc Việt -Vietcomreal)
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!