TP HCM vừa xác định giá đất năm 2010 tại hàng nghìn con đường. Theo đó, giá cao nhất là 81 triệu đồng ở Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, thấp nhất là 1,2 triệu đồng một m2 ở huyện Cần Giờ.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài vừa có tờ trình HĐND TP HCM về điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn, dự kiến công bố ngày 1/1/2010.
Bảng giá đất 2010 trên địa bàn TP HCM về cơ bản vẫn giữ nguyên so với bảng giá đất 2009. UBND Thành phố chủ trương không dùng bảng giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà sẽ căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế.
Cao nhất: 81 triệu đồng một m2
Cụ thể, năm 2010, TP HCM xác định giá đất tại 2.890 con đường. Trong đó, giá đất cao nhất ở Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi (81 triệu đồng một m2), thấp nhất ở huyện Cần Giờ (1,2 triệu đồng một m2).
Về giá đất nông nghiệp: đất trồng cây lâu năm có mức giá cao nhất 162.000 đồng một m², đất rừng sản xuất 72.000 đồng một m², đất làm muối 74.400 đồng một m²... Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sẽ giữ nguyên tỉ lệ 60% so với giá đất ở.
Theo đề xuất của UBND TP HCM, giá đất được giữ nguyên ở 2.719 tuyến đường, trong đó giá đất ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) hầu như không thay đổi. Chỉ có 12 tuyến đường đề xuất điều chỉnh tăng giá, gồm ba tuyến trên địa bàn quận 1, 6, 8, bốn tuyến đã hoàn thành cơ sở hạ tầng tại quận 12 và Bình Tân; năm tuyến trên địa bàn quận 5 do sơ suất khi giữ nguyên bảng giá đất từ năm 2008 nên không còn phù hợp.
Các quận 4, 8 và huyện Củ Chi mặc dù có đề nghị điều chỉnh tăng giá cho một số tuyến đường, song UBND TP HCM quyết định vẫn giữ nguyên giá đất như năm 2009.
Theo UBND TP HCM, các quận 2 và 4 đang còn nhiều khu vực nhà trên kênh rạch, do vậy việc tăng giá đất sẽ gây khó khăn cho việc đầu tư chỉnh trang, cải thiện cơ sở hạ tầng. Còn huyện Củ Chi, do Ban chỉ đạo xây dựng bảng giá đất đề xuất mức tăng giá thấp hơn giá thị trường nên thống nhất không điều chỉnh tăng.
Thị trường bất động sản sẽ không “sốc”
Ngoài ra, trong tờ trình bảng giá đất 2010, TP HCM chỉ dùng để áp dụng cho 4 nhóm mục đích, như tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất, tính lệ phí trước bạ và tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước, thay vì 7 nhóm mục đích theo quy định tại Luật Đất đai 2003.
Như vậy, bảng giá đất mới sẽ không còn áp dụng cho ba nhóm mục đích trước đây là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua hình thức đấu giá hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, cho thuê đất; doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất và đặc biệt quan trọng là không áp dụng để bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi.
Theo đó, trong điều kiện người dân bị giải tỏa, di dời, sẽ được căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế để nhận tiền bồi thường mà không bị giới hạn bởi khung giá đất quy định.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc TP HCM đề xuất ban hành bảng giá đất không tăng nhiều so với năm 2009 sẽ giúp thị trường bất động sản không phải chịu thêm bất kỳ cú “sốc” nào, nhất là trong lúc thị trường đang khá ảm đạm như hiện nay. Không những thế, giá đất ổn định sẽ giúp cho việc kêu gọi đầu tư của TP HCM hiệu quả hơn.
(Báo Đất Việt)