Diện mạo của thị trường bất động sản Đà Nẵng đã có những thay đổi đáng kể trong mắt Michael Piro, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị khu vực miền Bắc và miền Trung của Công ty Bất động sản Indochina Land.
Bốn năm trước, Đà Nẵng đã được các nhà đầu tư đánh giá như một Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) tương lai. Lúc đó, các nhà đầu tư đã đổ xô đến Đà Nẵng với những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các tổ hợp bất động sản đồ sộ dọc theo bãi biển cũng như ở trung tâm thành phố. Chỉ có điều, những gì mà Piro chứng kiến 3 năm sau đó khác xa với các bản vẽ hoành tráng của nhà đầu tư: Hầu hết các dự án vẫn chỉ là những bãi đất trống, hoặc xây dựng dở dang. Cơn bão tài chính toàn cầu quét qua càng làm cho nhà đầu tư lao đao, khiến không ít người phải bỏ dở những dự án đầy tham vọng.
Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, các nhà đầu tư bất động sản đã chứng kiến những thay đổi đáng kinh ngạc của thị trường bất động sản Đà Nẵng.
Có thể thấy bãi biển Đà Nẵng như một đại công trường đang hối hả thi công. Ba khối nhà căn hộ cao tầng của dự án Hyatt Regency đã xây dựng xong phần khung. Xa hơn, về phía Nam bãi biển Non Nước, công trường của dự án Vinpearl Đà Nẵng Luxury Resort & Residences cũng tấp nập không kém khi những căn biệt thự ven biển đầu tiên đang dần hiện hữu.
Thị trường của các đại gia mới
Tuy nhiên, để đi đến được giai đoạn này, những dự án như Vinpearl Đà Nẵng, Luxury Resort & Residences (mua lại của Raffles trước đây) đã trải qua con đường đầy chông gai do chủ đầu tư ban đầu không đủ năng lực tài chính để triển khai.
Bảy năm trước, khu đất rộng 12 ha cạnh núi Ngũ Hành Sơn được cấp phép cho Tập đoàn Magnum Investment (Mỹ) nhằm xây dựng một khu nghỉ dưỡng 450 phòng có tên gọi Vegas Beach Club Resort. Mặc dù chủ đầu tư dự kiến sẽ khai trương khu nghỉ 3 năm sau khi cấp phép, nhưng những gì họ xây dựng được chỉ là 2 khung nhà biệt thự. Thiếu vốn, chủ đầu tư buộc phải bán lại dự án cho Tập đoàn Kingdom Hotels Investment của một ông hoàng Ả Rập Saudi. Những tưởng, số phận dự án sẽ hết lận đận khi tập đoàn này tuyên bố đầu tư thêm 110 triệu USD và tiến hành lễ khởi công rầm rộ vào đầu năm 2008. Nhưng những gì mà Kingdom Hotels Investment làm được chỉ là xây bức tường rào bao quanh dự án rồi... án binh bất động. Dự án chỉ chính thức được tiếp sức khi Vingroup mua lại và tiến hành khởi công vào cuối năm 2009.
Giống như Vingroup, một tập đoàn được thành lập bởi các doanh nhân Việt Nam đã kinh doanh thành công ở Nga và Uckaine, Tập đoàn Thái Dương (Sun Group - Hà Nội) cũng đang thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường bất động sản Đà Nẵng. Dù bước chân vào thị trường chưa lâu nhưng các công ty con của Sun Group đang khẩn trương xây dựng một loạt các dự án bất động sản du lịch lớn như khu nghỉ mát Bà Nà Hills Resort trên đỉnh núi Bà Nà, khu biệt thự nghỉ dưỡng Sunrise ở bãi biển Bắc Mỹ An và khu nghỉ dưỡng InterContinental ở bán đảo Sơn Trà. Ông Đỗ Quang Hải, Giám đốc điều hành Bà Nà Hills Resort, cho biết, khu nghỉ dưỡng đang khẩn trương thi công khu vui chơi giải trí trong nhà rộng 25.000 m2; việc trùng tu 240 biệt thự Pháp cổ và khu phố Pháp trên đỉnh núi Bà Nà cũng đã bắt đầu. Khu nghỉ dưỡng InterContinental dự kiến cũng có thể mở cửa vào giữa năm tới.
Thế mạnh bất động sản du lịch
Thực tế, Hyatt Regency không phải là dự án bất động sản du lịch chào bán đầu tiên ở Đà Nẵng. Thị trường bất động sản du lịch ở Đà Nẵng được nhem nhóm cách đây 6 năm, khi dự án Vegas Beach Club Resort chào bán biệt thự với giá thấp nhất 175.000 USD/căn. Nhưng Vegas Beach Club Resort đã thất bại vì lúc đó sản phẩm này quá mới ở Việt Nam và không được người mua hưởng ứng. Hai năm trước đây, Raffles Residences (hiện nay chính là Vinpearl Đà Nẵng Luxury Resort & Residences) cũng chào bán 138 căn hộ nghỉ dưỡng nhưng không có người mua.
Mô tả ảnh.
Thị trường bất động sản du lịch ở Đà Nẵng chỉ được tái lập trở lại khi Indochina Land và VinaCapital chào bán các dự án mới từ giữa năm 2009. Theo công bố của các chru đầu tư, đến nay, Hyatt Regency đã bán được 115 căn hộ trong tổng số 150 căn hộ và 18 biệt thự trong tổng số 27 biệt thự với giá hiện tại thấp nhất là 200.000 USD/căn hộ và 1,4 triệu USD/căn hộ.
Dự án Danang Beach Resort của VinaCapital cũng đã bán được 90% trong tổng số 115 căn biệt thự thuộc hạng mục Ocean Villas, với giá từ 400.000 - 2 triệu USD/căn. Một hạng mục khác là khu căn hộ The Cham cũng đang chào mời khách hàng đăng ký giữ chỗ, với giá bán 150.000 - 200.000 USD/căn. Những hạng mục khác như khu nghỉ dưỡng JW Marriott sẽ được triển khai muộn hơn.
Nhờ nguồn tiền thu được từ việc bán căn hộ và biệt thự nên Hyatt Regency và Ocean Villas là 2 dự án đang có tốc độ xây dựng rất nhanh ở Đà Nẵng. Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc VinaCapital tại miền Trung, cho biết, khi phát triển dự án, nhà đầu tư phải tính toán rất kỹ nguồn lực tài chính và triển vọng kinh doanh để quyết định tiến độ xây dựng. Trước đây, các dự án bất động sản du lịch ở Đà Nẵng thường không triển khai được hoặc triển khai rất chậm do nhà đầu tư thiếu vốn hoặc không bán được sản phẩm. Còn hiện nay, các chủ đầu tư bán được đến đâu thì triển khai đến đó. Nếu bán nhanh thì tốc độ xây dựng cũng nhanh.
Bên cạnh yếu tố kinh doanh, ông Piro, Công ty Indochina Land, cho rằng, tốc độ xây dựng nhanh hơn của các dự án bất động sản du lịch ở Đà Nẵng còn nhờ lòng tin của nhà đầu tư. Với Vinpearl Đà Nẵng, mặc dù chưa chào bán chính thức nhưng dự án đã được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, nên chỉ sau 7 tháng thi công, dự án đã hoàn tất toàn bộ phần khung của khu biệt thự. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, chủ đầu tư của Vinpearl Đà Nẵng cũng đã khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng dự án này sẽ được triển khai thành công vì chúng tôi hiểu rõ thị trường bất động sản Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án này sẽ được hoàn thành xây dựng và chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6/2011 – đây chính là thời điểm mà các chuyên gia bất động sản đều dự báo rằng thị trường bất động sản sẽ được phục hồi và tăng giá mạnh”.
Dự án Khu khách sạn và biệt thự cao cấp Vinpearl Đà Nẵng có tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD có một vị trí “vàng” ven bờ biển Non Nước thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Đây là bãi biển được tạp chí hàng đầu thế giới Forbes (Hoa Kỳ) bình chọn là một trong những bãi biển đẹp và hấp dẫn nhất hành tinh năm 2005. Với các tố chất có được từ độ sóng, khí hậu, thời tiết, độ mặn..., bãi biển Non Nước phù hợp với các loại hình thể thao trên biển, nhất là môn trượt sóng. Nơi đây hiện cũng đang được thành phố xúc tiến đầu tư thành một khu du lịch liên hoàn bao gồm các loại hình khách sạn, nhà hàng ven biển, các sân tennis, khu biệt thự, nghỉ dưỡng và sân golf… với tiêu chuẩn quốc tế.
Điểm thu hút đặc biệt của Vinpearl Đà Nẵng Luxury Resort & Residences là toàn bộ khu biệt thự sẽ được xây dựng thành khu biệt thự “sở hữu riêng biệt” hoàn hảo nhất với hệ thống dịch vụ và tiện nghi cao cấp, ưu việt hơn các khu biệt thự hiện có. Để mang lại bản sắc riêng, chủ đầu tư đã phối hợp với hãng thiết kế quốc tế Wimberley Allison Tong & Goo Limited (đơn vị từng thiết khách sạn 5 sao Claridge ở London và khách sạn sang trọng nhất thế giới Mansion at the MGM Grand ở Las Vegas). Thiết kế nội thất là Công ty Hirsch Bedner Associates Pte Ltd, đơn vị đã nhiều năm liên tiếp đứng vị trí số 1 của tạp chí Interior Design, được vinh danh là nhà thiết kế nội thất khách sạn quốc tế hàng đầu. Thiết kế cảnh quan là công ty Belt Collins International Pte Ltd, đơn vị tham gia vào nhiều dự án khách sạn siêu sang như Regent Bali, Jumeirah Phuket, Marriott Waikoloa ở Hawaii. Sự tham gia của những công ty thiết kế danh tiếng này đảm bảo đưa Vinpearl Đà Nẵng đến một đẳng cấp mới để có những thiết kế riêng biệt thật sự đẳng cấp theo đúng kỳ vọng của khách hàng mong đợi.
Thị trường căn hộ chuyển hướng
Lòng tin cũng đang lan tỏa sang thị trường căn hộ để bán ở trung tâm thành phố khi các nhà đầu tư quyết định tiếp tục xây dựng và chào bán căn hộ ra thị trường. Cuối năm 2009, tòa tháp đôi 37 tầng Blooming Tower Danang chào bán 671 căn hộ với giá 1.400 - 1.750 USD/m2. Mới đây, VinaCapital cũng khai trương nhà mẫu và bắt đầu chào bán 225 căn hộ Azura với giá thấp nhất 1.500 USD/m2. Dự án Golden Square của Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á cũng đã bắt đầu chào bán căn hộ thông qua đơn vị tiếp thị là CB Richard Ellis.
Nguồn cầu căn hộ ở Đà Nẵng đã có những chuyển động đầu tiên. Một trong những giao dịch lớn nhất ở phân khúc này là Tập đoàn The Ascott (Singapore) giữ chỗ mua 121 căn hộ của dự án Blooming Tower để cho người nước ngoài thuê dưới thương hiệu Somerset. Sau thời gian dài đứng ngoài cuộc chơi, người Đà Nẵng cũng bắt đầu quen với việc sống trong chung cư cao cấp. Bằng chứng là có hơn 40 khách hàng đặt mua căn hộ tại Blooming Tower là người địa phương.
Còn theo ông Phúc, Công ty VinaCapital, việc tung ra thị trường dự án Azura vào lúc này có tính chất thăm dò, nếu thị trường phản ứng tích cực thì sẽ xem xét đầu tư tiếp các cao ốc khác. Ông cũng cho rằng, nhiều dự án căn hộ cao cấp được chào bán sẽ tạo tiếng vang trên thị trường để thu hút người mua, nhất là giới trẻ Đà Nẵng.
Mặc dù vẫn tiếp thị đến khách hàng địa phương nhưng thành công của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển đang khuyến khích các nhà phát triển bất động sản ở trung tâm thành phố chuyển hướng tiếp thị vào đối tượng người mua nhà để nghỉ dưỡng, đa phần là người Hà Nội. Ông Thi cho biết, khách hàng mua nhà nghỉ dưỡng từ TP. HCM có nhiều sự lựa chọn ở Nha Trang, Phan Thiết và Vũng Tàu, trong khi người Hà Nội có ít sự lựa chọn vì các dự án kiểu này ở phía Bắc chưa nhiều. Theo ông, đa số người mua căn hộ Blooming đến từ Hà Nội. Điều này cũng được ông Phúc của VinaCapital và ông Piro, Công ty Indochina Land, xác nhận đối với các dự án của họ là Hyatt Regency và Ocean Villas.
Theo ông Thi, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng mới bắt đầu phát triển nên tiềm năng còn rất lớn, đặc biệt là khi nhiều dự án ở trung tâm bắt đầu chào bán theo hình thức căn hộ nghỉ dưỡng.
(VietNamNet)