Thị trường BĐS đang có những dấu hiệu ấm lên, giao dịch tại các sàn có dấu hiệu sôi động. Nhiều người đã quay trở lại mua nhà đất dù tâm lý vẫn dò xét. Liệu thị trường đã khởi sắc thật hay chỉ là chiêu kích thị trường giá của giới đầu tư.
Cơn “bĩ cực” của thị trường nhà đất đã qua.
Nhận định chung của giới đầu tư nhà đất, giai đoạn bi đát nhất của thị trường này đã trôi qua. Thị trường bây giờ chỉ đứng giá hoặc lên chứ không thể xuống nữa. Tuy nhiên tình hình giao dịch vẫn chậm và chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong khi đó, thị trường căn hộ chung cư đang ổn định với mức giá điều hòa và dần thiết lập một mặt bằng giá mới. Quá trình điều chỉnh này chỉ mới bắt đầu và tiếp tục vào cuối năm 2009.
Hiện nay, các nhà đầu tư đã chia thị trường căn hộ chung cư thành 6 nhóm phân khúc khác nhau: Nhóm 1 giá thấp, dưới 10 triệu đ/m2, nhóm 2 trung bình 11 - 15 triệu đ/m2; nhóm 3 từ 16 - 20 triệu đ/m2; nhóm 4 từ 21 - 30 triệu đ/m2; nhóm 5 từ 31 - 40 triệu đ/m2 và nhóm 6 từ 40 - 80 triệu đ/m2.
Trong tháng 7, những căn hộ giá trung bình từ 0,6 - 1,5 tỷ đồng là tâm điểm của sự chú ý đối với khách hàng. Hàng loạt dự án đã và đang hoàn thiện, kết nối hạ tầng hoàn chỉnh có diện tích nhỏ và vừa như E.Home (Q.9), An Viên (Q.7), Phú Lợi (Q.8) được giao dịch khá sôi động.
Riêng với thị trường căn hộ cao cấp vẫn không thay đổi trong hai tháng qua, và có thể giảm nhẹ trong thời gian tới khi thị trường có nhiều nguồn cung đi kèm với nhiều chiêu khuyến mãi giảm giá.
Dù vậy một số DN phát triển BĐS uy tín như: Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Sunrise... vẫn tiếp tục tung ra nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp trong thời gian tới. Đặc biệt là 247 căn hộ Riverpark Risidence của Phú Mỹ Hưng với giá thấp nhất không dưới 5 tỷ đ/căn đã bán hết trong hai lần mở bán. Điều này cũng khá hợp lý với nhận định của ông Richard Leech, Giám đốc điều hành của CBRE, các công trình căn hộ có chất lượng, nhất là các dự án được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế và có chiến lược tiếp thị cụ thể vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài cạnh tranh xây dựng các dự án với chất lượng cao.
Trái với những đợt tăng giá 20 - 30% cách đây hai tháng, thị trường đất nền đột ngột chững lại, đặc biệt là khu vực Q.2, đất nền tại khu An Phú, An Khánh, Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông đều đứng giá, lượng hàng bán ra nhiều hơn người mua. Lý giải điều này, các nhà đầu tư cho rằng, đất nền trong thời gian vừa qua tăng quá nhanh, thiếu cơ sở để giữ vững tốc độ tăng trưởng.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc giá đất ấm lên giữa các khu vực sẽ hình thành một mặt bằng giá mới. Sôi động thị trường nhà đất không phải chờ đến khi xuất hiện làn sóng chuyển dòng đầu tư từ chứng khoán, mà nó đã xuất hiện khi có chính sách kích cầu. Cụ thể làn sóng tăng giá đất ở 2 khu vực Nam Sài Gòn và Đông Sài Gòn bắt đầu hình thành trong tháng 3/2009.
Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định: “Những dấu hiệu khởi sắc của thị trường BĐS trong thời gian qua cho thấy cơn “bĩ cực” của thị trường nhà đất đã qua. Không phải vì các dự án đất nền tăng giá mà chúng tôi nhận thấy tại các sàn giao dịch sự hứng khởi mua bán đã nhộn nhịp hẳn lên. Tại một số dự án trước đây chỉ mua đi bán lại của giới đầu cơ thì giờ đây người mua đã xây nhà nhiều hơn, sắp hình thành những KĐT nhờ cơ sở hạ tầng giao thông được liên thông”.
Dù thị trường BĐS đang có những tín hiệu vui, nhưng vẫn chưa thật sự tạo được sự tin tưởng của giới đầu tư. Nguyên nhân là sự thiếu minh bạch trong cơ chế chính sách dẫn đến mất cân đối giữa các thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp; đặc biệt là phân khúc thị trường thu nhập trung bình. Nhu cầu của đối tượng này chiếm tỷ trọng khá cao nhưng lại không được chú trọng.
Lượng vốn đầu tư đổ vào thị trường BĐS hiện nay rất cao, gồm cả vốn của chủ đầu tư dự án, vốn vay ngân hàng, vốn huy động trước của người mua, vốn đầu cơ và tích trữ trong nhà đất. Sự thu hút vốn đầu tư vào thị trường BĐS đang dẫn tới những biểu hiện mất cân đối trong định hướng luồng vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế. Điều nguy hiểm là nguồn vốn đã chôn quá nhiều vào BĐS không chỉ làm thị trường này thiếu lành mạnh mà còn gây bất lợi cho nền kinh tế.
(Theo Báo xây dựng )