Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vẫn đua nhau xây mặt bằng bán lẻ

Mặt bằng bán lẻ ngoại thành Hà Nội tiếp đà giảm giá còn tại TP HCM tỷ lệ mặt bằng trống gia tăng, nhiều nơi vắng khách. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục ra mắt hoặc xây thêm các trung tâm thương mại mới.

 Theo khảo sát , ngoài khu vực trung tâm TP Hà Nội, giá thuê tiếp tục xu hướng giảm thêm so với quý trước. Đơn cử hai dự án Grand Plaza và The Garden đang giảm giá 15-18% để thu hút khách thuê. Tương tự, ở TP HCM, khu vực thương mại của tòa nhà Kumho Asiana, quận 1 có nhiều gian hàng đóng cửa. Trong khi đó, nhiều sạp, cửa hàng ở trung tâm thương mại An Đông Plaza, quận 5 có vị trí khuất vào trong có giá thuê mặt bằng giảm giá ít nhất 10-15%.

Trong khi đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội vẫn dồi dào. Trong quý một, thị trường bán lẻ đón nhận hai dự án là Savico MegaMall (quận Long Biên) và trung tâm thương mại chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng). Melinh Plaza cũng thông báo kế hoạch mở rộng mặt bằng tại Hà Đông. Mới đây, Vincom tiết lộ kế hoạch sẽ đưa vào hoạt động 10 trung tâm thương mại trên toàn quốc với tổng diện tích sàn lên tới trên một triệu m2 trong vòng 5 năm tới.

Không chịu kém cạnh, TP HCM cũng liên tục giới thiệu mặt bằng bán lẻ mới. Chỉ tính riêng tại quận 7, ba trung tâm thương mại Parkson Paragon, The Crescent, Thiên Sơn Plaza Hai chỉ cách nhau khoảng 500 mét đang thi nhau công bố cho thuê. Hầu hết các mặt bằng này vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm khách hàng chứ chưa lấp đầy.

Theo hãng Savills, tại TP HCM dự kiến có ít nhất 3 trung tâm bán lẻ sẽ đi vào hoạt động trong quý II, cung cấp khoảng 42.000 m2 diện tích bán lẻ cho thị trường. Trong vài năm tới, nguồn cung tại đây thậm chí còn tăng thêm 960.000 m2, chủ yếu tập trung tại quận 1, quận 2 và quận 7 chiếm khoảng 70% thị phần. Giá thuê trung bình trong toàn thị trường tăng 1% so với quý trước, đạt 75 USD mỗi m2 một tháng, riêng khu trung tâm tăng giá trung bình 4% và mức thuê mặt bằng bán lẻ cao nhất ở TP HCM xấp xỉ 120 USD mỗi m2 một tháng.

Còn CBRE phân tích, do có nhiều nguồn cung nên tỷ lệ mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại tổng hợp của TP HCM hiện là 3,1%. Theo đó, thị trường mặt bằng bán lẻ trong quý I đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm nhu cầu mở rộng mặt bằng. Người tiêu dùng đã và đang cảm nhận các điều kiện kinh tế khó khăn hơn, đồng thời sau giai đoạn mua sắm nhiều vào cuối năm, khách hàng có chiều hướng thờ ơ với tiêu dùng trong vào cuối quý I. Cũng theo đơn vị tư vấn này, trong 3 tháng đầu năm, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung bình khu vực trung tâm TP HCM khoảng 50 USD còn ở khu ngoài trung tâm giá khoảng 35 USD mỗi m2 một tháng.

Nhận định về thị trường bán lẻ Hà Nội, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, Marc Townsend phân tích: “Một số trung tâm thương mại được nâng cấp, nhiều dự án khai trương, khiến mặt bằng bán lẻ sẽ xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt. Trong cuộc đua này, nhiều chủ đầu tư sẽ phải đua với những cửa hàng mặt phố”.

Savills Việt Nam cũng nhận định, thị trường bán lẻ còn nhỏ bé hơn so với tiềm năng trong tương lai. Một số trung tâm thương mại như Chợ Mơ, Keangnam và Hà Đông Mê Linh Plaza có xu hướng bán sàn thương mại dưới dạng thuê dài hạn trong khoảng 50 năm.

Theo Cục thống kê Hà Nội, quý một năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 22,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó, bán lẻ tăng 26%. Điều đó cho thấy doanh số bán lẻ tại quý I là khả quan. Sức nóng từ việc chạy đua cung cấp các trung tâm bán lẻ còn đến từ nhiều dự án lớn đang và sẽ triển khai trong vài năm tới như Royal City (230.000 m2), Ciputra Shoping Mall (120.000 m2), U-Silk City (146.896m2)...

Thị trường hàng kỹ thuật tiêu dùng tăng trưởng 28% so với năm 2009 do đó, nhu cầu về diện tích bán lẻ từ các hãng điện máy sẽ cao. Trong 4 năm tới, dự kiến sẽ có gần 1,2 triệu m2 diện tích bán lẻ từ khoảng 100 dự án gia nhập thị trường Hà Nội.

Các chuyên gia cho rằng, dù Hà Nội và TP HCM được đánh giá là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng do dân số trẻ, thế nhưng giá thuê mặt bằng quá cao ở Việt Nam là thách thức lớn cho cả các nhà bán lẻ hiện tại và tương lai.

(VnExpress)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!