Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xây bến du thuyền: Chiêu PR mới của BĐS?

Giữa khó khăn, hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) bỗng công bố sẽ bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng bến du thuyền.

Các dự án BĐS cao cấp đã không ngần ngại cộng thêm hàng trăm tỷ đồng xây dựng bến du thuyền, với kỳ vọng hạng mục mới lạ này sẽ làm tăng giá trị của dự án, cũng như kinh doanh thu lợi nhuận trực tiếp từ dịch vụ cao cấp này.

Chạy đua xin phép xây bến

Điển hình như chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp Đảo Kim Cương (quận 2, TP.HCM) là Công ty CP BĐS Bình Thiên An đã đầu tư một bến du thuyền với 30 chỗ đậu. Hay Công ty CP Tập đoàn SSG, chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp Saigon Pearl (quận Bình Thạnh), cũng đã lên kế hoạch xây dựng câu lạc bộ và bến du thuyền với tổng vốn đầu tư lên đến 400 tỷ đồng làm nơi neo đậu cho 130 ca nô và du thuyền.

"Khi được Sở GTVT TP HCM cấp phép, chúng tôi sẽ làm ngay", bà Nguyễn Thị Tường Giang, Phó tổng giám đốc công ty SSG, tuyên bố.

Dự án Kenton Residences do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư ở huyện Nhà Bè cũng đã được cấp phép xây dựng bến du thuyền. Chủ đầu tư cho biết, sẽ xây dựng bến du thuyền đáp ứng cho những du thuyền 20 - 30 chỗ.

Dự án Oceanami Luxury Home & Resort ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa công bố tại dự án sẽ xây dựng bến du thuyền và là mô hình kết hợp giữa BĐS du lịch nghỉ dưỡng với các hoạt động kinh doanh bến du thuyền...

Đánh bóng dự án?

Việc xây dựng bến du thuyền tại các dự án ven sông được nói đến khá nhiều trong thời gian qua, một phần nhắm vào phân khúc khách hàng thuộc giới thượng lưu, một phần dùng để tô điểm cho dự án. Tuy nhiên, các bến du thuyền được rầm rộ chào mới hiện mới chỉ nằm trên "giấy". Theo số liệu thống kê, hiện số lượng du thuyền tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, với 6 chiếc, trong khi đó các công ty BĐS đang ra sức xây dựng loại hình kinh doanh xa xỉ này. Liệu sẽ mấy ai dám chơi ngông bỏ tiền thuê một chỗ đậu hàng chục tỉ đồng, hay đây chỉ là chiêu đánh bóng thương hiệu dự án của các chủ đầu tư địa ốc?

Lãnh đạo một công ty địa ốc có tiếng tại TP HCM nói rằng, việc xây dựng bến du thuyền thực chất chỉ là chiêu "PR" cho dự án, chứ nhu cầu rất ít. Không những thế, với số tiền thuê một chỗ đậu như ở Đảo Kim Cương hơn 10 tỷ đồng - hơn một căn biệt thự ở Phú Mỹ, quận 7, liệu có ai dám thuê?

Hơn 10 tỷ đồng một chỗ đậu
Đại diện công ty Bình Thiên An cho hay, mục đích của xây dựng bến du thuyền là phục vụ chung cho Marina Club, thuộc dự án, số còn lại khoảng 15 chỗ công ty đang chào bán với giá cao nhất khoảng 500.000 USD, cho du thuyền loại dài 25 - 27m, tức khoảng hơn 10 tỷ đồng. Để "câu khách", Công ty Bình Thiên An cũng đã "tậu" một du thuyền 2 triệu USD từ Anh.

(Theo Đất Việt)

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!