Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xử lý sai phạm tại các sàn giao dịch bất động sản: Mới chỉ là “rung chuông”

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, Đoàn thanh tra của Bộ khi tiến hành thanh tra tại 128 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) ở Hà Nội và TP. HCM thì đã phải lập biên bản vi phạm hành chính tới một nửa số sàn được thanh tra.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, do cơ chế xử phạt vừa mới ban hành nên việc xử phạt của cơ quan quản lý vẫn còn mang tính "rung chuông" cảnh báo các doanh nghiệp vi phạm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chấn chỉnh và sửa sai. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, các đoàn thanh tra Bộ Xây dựng cùng thanh tra liên ngành sẽ cương quyết xử lý nghiêm sai phạm tại các sàn giao dịch cũng như trên thị trường BĐS.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng

Ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, những sai phạm đầu tiên được phát hiện thuộc về các chủ đầu tư kinh doanh BĐS. Mức độ nhẹ thì chủ đầu tư kinh doanh BĐS cố tình vi phạm những nguyên tắc tối thiểu như bán sản phẩm nhà chung cư khi chưa hoàn thành phần móng; bán biệt thự, nhà liền kề khi chưa hoàn thành hạ tầng cơ sở hoặc thậm chí, bán cả BĐS khi còn chưa có giấy phép xây dựng.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là các chủ đầu tư tương ứng đã khai vống số vốn lên để được thực hiện dự án. Chính vì khai vống vốn, nên các ông chủ này phải huy động vốn bằng mọi cách như bán nền, nhà chung cư, nhà liền kề... khi chưa đạt đủ các điều kiện mà pháp luật quy định.

Ngoài các vi phạm liên quan đến việc bán những BĐS lẽ ra chưa được phép bán của một số chủ đầu tư, một loại vi phạm khác là thực hiện giao dịch BĐS không qua sàn, hoặc thực hiện giao dịch nhưng không thông qua các hợp đồng dịch vụ hoặc không công khai thông tin như quy định.

Nhằm kiếm lợi cùng với chủ đầu tư, một số sàn đã bán BĐS không đủ điều kiện như: BĐS không được chủ đầu tư thông tin theo luật định; bán cả BĐS của pháp nhân chưa được giao là chủ đầu tư dự án; bán BĐS của nhà đầu tư thứ phát, cấp 2 khi các nhà đầu tư này chưa có quyền sở hữu những BĐS đó... Và để "ăn" phí, một số sàn sẵn sàng hợp thức hóa cho chủ đầu tư bằng cách chứng nhận BĐS có bán qua sàn, dù thực tế là không.

Tiếp tục rung chuông mạnh!

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có trên 700 sàn giao dịch BĐS hoạt động. Riêng tại TP. HCM, trung bình mỗi tháng có 20 sàn giao dịch BĐS ra đời. Tuy nhiên, lượng giao dịch BĐS qua sàn cả nước chỉ chiếm khoảng 40%, riêng Hà Nội chưa đạt tới con số 30% lượng BĐS giao dịch qua sàn.

Theo ông Nam, trong thời gian qua, thị trường BĐS đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, bằng chứng là các hoạt động trên thị trường đã dần được chuyên nghiệp, quy củ hơn, cộng với đó là mức vốn hóa trên thị trường BĐS ngày càng tăng, dư nợ tín dụng BĐS cũng tăng đáng kể tại các thành phố lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thị trường BĐS trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều điểm yếu kém, thiếu ổn định, thị trường nóng lạnh thất thường. Đặc biệt, bên cạnh một số vụ lừa đảo khách hàng bị cơ quan chức năng phát hiện, phanh phui, còn có tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, sai hẹn bàn giao với khách hàng. Trong khi đó, mức phạt đối với các sai phạm này lại quá nhẹ: Thấp nhất là 50 triệu đồng và cao nhất cũng chỉ là 210 triệu đồng.

Ông Nam cho hay, sắp tới, các đoàn thanh tra liên bộ sẽ tập trung thanh tra các dự án, hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS. Theo đó, cả Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung mạnh vào việc kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư các dự án, tiến độ thực hiện cũng như việc kinh doanh tại các sàn giao dịch BĐS.

"Bên cạnh đó, cùng với chủ trương thắt chặt đầu tư, rà soát các dự án của các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan chức năng thẩm định kỹ các dự án BĐS trên cả nước, xem xét tính cần thiết để quyết định dừng hay cho triển khai tiếp. Bộ cũng sẽ thống nhất không chấp thuận các dự án mới trực thuộc Bộ được triển khai trong năm nay", ông Nam nói.

(Đầu tư chứng khoán điện tử)

  • Bất động sản Vĩnh Phúc thu hút nhiều đại gia Hà Nội
  • Sôi sục đất nền Đà Nẵng
  • Đất Đông Anh sôi động vì 'cò'
  • Tìm vốn cho thị trường bất động sản không dễ
  • Căn hộ niêm yết bằng VND và bán theo... CPI
  • Thị trường căn hộ trầm lắng
  • Mua đất quanh cầu Nhật Tân: Coi chừng vỡ mộng
  • ‘Sức nóng’ của địa ốc Hà Nội có thể lan sang Vĩnh Phúc?
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!