Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xung đột liên tục tại chung cư Do phí tăng, chất lượng dịch vụ kém

Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND thành phố dự thảo khung giá dịch vụ chung cư. Chưa biết khi nào văn bản trên mới có hiệu lực, nhưng hiện nay người dân tại hàng loạt chung cư “tố” chủ đầu tư liên tục tăng phí, trong khi chất lượng dịch vụ quá tệ.

Chị Phi Loan, chủ căn hộ 7.06 chung cư số 1 Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4, than vãn việc chủ đầu tư nâng giá dịch vụ như giá giữ xe tay ga từ 40.000 đồng/xe lên 60.000 đồng/xe và lên 50.000 đồng/xe số với lý do “mua bảo hiểm”. Thế nhưng, khi người dân hỏi giấy tờ mua bảo hiểm thì chủ đầu tư không trình ra khiến người dân bức xúc.

Trăm phí đổ đầu dân

“Tuy phí thu đầy đủ và ngày càng tăng nhưng chất lượng dịch vụ không tốt, như các thiết bị vệ sinh hư hỏng không được thay thế”, chị Loan bức xúc.

Chủ căn hộ tại một chung cư ở quận 5 tính toán, mỗi tháng ông phải đóng tới hơn 2,5 triệu đồng tiền phí quản lý căn hộ, tiền gửi xe và các khoản phí linh tinh khác. Trong đó, riêng phí quản lý là 774.000 đồng cho căn hộ 90m2, tiền gửi hai xe máy 200.000 đồng, một ôtô 1,6 triệu đồng... Ông Giang, chủ căn hộ BA 2-2 chung cư B1-04, quận 7, phàn nàn các khoản phí dịch vụ ở chung cư cao hơn rất nhiều so với các chung cư khác, nhiều loại phí còn được tính bằng tiền đô (USD). Chính vì vậy, khi giá đô tăng thì các khoản phí cũng tăng theo.

“Giá đắt nhưng người dân không thể chọn dịch vụ của công ty khác, vì chủ đầu tư đã ký hợp đồng độc quyền với những nhà cung cấp. Nếu không dùng thì đành… nhịn”, ông Giang tỏ ra uất ức.

Người dân tại nhiều chung cư cho hay, họ đã nhiều lần phản đối việc tăng phí chung cư vô tội vạ, nhưng “không thấy ai hồi âm”.

Tiền “thầy” bỏ túi

Hiện nay tại nhiều chung cư, chủ đầu tư thành lập công ty con để quản lý chung cư, thay vì để cho người dân thuê một đơn vị quản lý độc lập (theo quy định) nhằm quản lý số tiền bảo trì, bảo dưỡng căn hộ là 2%/tổng giá trị căn hộ. Điển hình như công ty địa ốc Hoàng Anh Gia Lai, Vạn Phát Hưng, Him Lam… đều có các công ty con quản lý chung cư.

Theo tính toán của một số chuyên gia bất động sản, với dự án khoảng 1.000 căn hộ (khá phổ biến ở TP.HCM), trung bình một căn hộ khoảng 2 tỉ đồng, thì người dân phải đóng thêm 40 triệu đồng phí này. Như vậy, dự án 1.000 căn hộ, chủ đầu tư sẽ thu về khoảng 40 tỉ đồng, một số tiền không nhỏ. Đó là chưa kể một khoản tiền lãi khá lớn phát sinh. Số tiền này thay vì được chuyển vào tài khoản chung của cư dân chung cư, đã được chuyển vào tài khoản riêng của công ty. Từ đây số tiền được sử dụng vào mục đích khác thay vì dùng để bảo trì bảo dưỡng căn hộ.

Bà Trần Minh Ái, quản lý dự án của công ty LPP cho rằng, khoảng năm năm đầu, những hư hỏng trong toà nhà đều được chủ đầu tư bảo hành, nên khoản tiền 2% không dùng đến. Trong khi đó, tại nhiều toà nhà, thay vì trích số tiền 2% để sử dụng, nhiều chủ đầu tư đã bắt dân đóng góp thêm. “Để không bị thiệt thòi, cư dân nên bắt buộc chủ đầu tư phải thực hiện kiểm toán vào cuối năm để xác minh những khoản tiền này có được dùng đúng mục đích, nếu chủ đầu tư dùng sai phải bồi thường”, bà Minh Ái đề xuất.

Tán đồng với quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng khi làm xong một dự án, chủ đầu tư nên giao lại quyền quản lý cho người dân. Từ đó, người dân sẽ đứng ra thuê một công ty quản lý nhà độc lập để quản lý việc thu chi trong toà nhà dưới sự giám sát của mình. Có như vậy, những tranh chấp về diện tích chung riêng, phí quản lý… giữa chủ đầu tư và người dân sẽ giảm tối đa.

(Sài Gòn Tiếp Thị)

  • Văn phòng cho thuê rập rình tăng giá
  • Bất động sản nhanh chóng hạ nhiệt
  • Cộng đồng giám sát việc mua bán
  • Gần 700 tỷ đồng xây dựng khu nhà ở Green House
  • Thị trường bất động sản Hà Nội đón làn sóng căn hộ cao cấp
  • Minh bạch thị trường bất động sản
  • Colliers International quản lý tòa nhà cao nhất TPHCM
  • "Đục nước béo.... cò đất"
  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!