Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Áp lực nguồn cung đè nặng cổ phiếu ngân hàng

Theo giới đầu tư, việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn và kế hoạch niêm yết của một số ngân hàng đang gây ra nhiều lo ngại về nguồn cung quá lớn của cổ phiếu ngành này.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước thì đến ngày 31-3 các ngân hàng thương mại phải có báo cáo về kế hoạch và lộ trình tăng vốn lên mức tối thiểu là 3.000 tỉ đồng, và chậm nhất là ngày 31-12 các ngân hàng phải hoàn tất việc này. Hiện nay, vẫn còn 24 ngân hàng chưa đáp ứng đủ số vốn mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, với tổng số lượng vốn gần 40.000 tỉ đồng.

Nhiều ngân hàng thông báo việc tăng vốn trong các đại hội cổ đông gần đây, và nhiều công ty cũng đã có kế hoạch lên sàn để hy vọng tăng thanh khoản cho cổ phiếu khi thị trường OTC rơi vào tình trạng ảm đạm, hầu như không có giao dịch.

Ngân hàng Miền Tây đã có thông báo chốt danh sách cổ đông để lưu ký chứng khoán vào ngày 2-4 và dự kiến sẽ niêm yết trong tháng 4. Theo đại diện của ngân hàng này, sau khi niêm yết sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng và đến cuối năm sẽ tăng lên 3.000 tỉ đồng.

Còn theo Ngân hàng Phương Đông (OCB), chủ trương niêm yết 200 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đã được đại hội cổ đông thông qua nên trong năm nay sẽ chính thức lên sàn. Bên cạnh đó, OCB còn có kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng vào năm nay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank), Ngân hàng Việt Nam Thương tín (Vietbank), Ngân hàng Kiên Long (Kienlongbank) cũng đang chuẩn bị lên sàn và phát hành cổ phiếu tăng vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện đã niêm yết như Sacombank, Eximbank cũng đang có dự định phát hành cổ phiếu và chứng từ có giá để tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Theo ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM thì việc các ngân hàng ồ ạt tính chuyện niêm yết và phát hành thêm cổ phiếu sẽ là một áp lực lớn lên chính các cổ phiếu này, cũng như các cổ phiếu trên sàn. Ông Chí cho rằng, từ cuối năm 2009 đến nay, ngành ngân hàng hoạt động trong điều kiện không mấy thuận lợi do chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đã khiến cho cổ phiếu của ngành này không còn hấp dẫn. "Đơn cử là cổ phiếu STB của Sacombank và EIB của Eximbank. Có nhiều phiên thị trường tăng điểm nhưng các cổ phiếu này vẫn đứng hoặc giảm giá", ông nói.

Theo ông Chí, nếu thêm một lượng cổ phiếu tương đương với hàng chục nghìn tỉ đồng lên sàn thì lượng cung cổ phiếu ngân hàng sẽ rất lớn. "Thêm vào đó, lợi nhuận phân phối cho cổ đông giảm xuống do vốn điều lệ tăng lên thì chắc chắn cổ phiếu ngân hàng trong năm nay sẽ khó có khả năng vực dậy", ông nói thêm.

Trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán cũng cho rằng việc nhiều ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu sẽ khiến nhiều cổ đông có cơ hội chọn lựa các cổ phiếu ngân hàng để đầu tư. Nhưng mặt bằng chung về tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng trên vốn điều lệ hiện không cao nên cổ phiếu của các ngân hàng khi lên sàn khó có thể đạt được mức giá cao khi so sánh với cổ phiếu các ngành khác như cao su, bất động sản…

Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu ồ ạt của các ngân hàng cũng sẽ khiến cho thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng, vị này nói thêm. Vì thị trường hiện nay đang được dẫn dắt bởi nhóm ngành tài chính, bất động sản, với khoảng 30% vốn hóa, trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm phần không nhỏ.

Ông này cho rằng khi lượng cổ phiếu ngân hàng quá nhiều cộng với các doanh nghiệp niêm yết khác cũng đã thông báo kế hoạch phát hành cổ phiếu thêm trong năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối đầu với lực cung rất lớn. “Điều đáng lo ngại là lượng cầu hiện không cao, cùng với những dự báo ít khả quan về thông tin vĩ mô trong năm nay, thì lượng cung lớn sẽ là một thách thức đối với sự đi lên của cổ phiếu và chỉ số VN-Index”, vị này nói thêm

 

(Thời Báo Kinh tế Sài Gòn)

  • Đợt 1: Giao dịch trầm lắng, VN-Index giảm 4,27 điểm
  • Tin vắn chứng khoán ngày 25/3
  • Chính sách tiền tệ tháng 4 thay đổi theo hướng nào?
  • CTCP Chứng khoán Âu Việt nộp hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu
  • Công ty Chứng khoán An Bình(ABS) thay đổi Quyền Tổng Giám đốc
  • UPCoM tăng lên 46,15 điểm
  • 24/3: Khối ngoại mua ròng giá trị thấp, 39,53 tỷ
  • 24/3: Sắc xanh đã trở lại hai sàn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!