Dự báo thị trường sắp bước vào vùng điều chỉnh, với ngưỡng kháng cự của VN-Index tại mốc 540 điểm. Nhà đầu tư tránh mua những cổ phiếu có các chỉ số cơ bản kém hấp dẫn, đã lên quá cao trên nền giá
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 9-3, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng, chỉ số VN-Index đã lên 527,27 điểm, còn HNX-Index lên 172,7 điểm. So với mức đáy mới thiết lập ngày 21-1 thì “sóng” của các chỉ số này đã tăng tương ứng là 49,68 điểm (10,4%) và 15,12 điểm (9,6%).
Dòng tiền đổ vào ngày càng mạnh
Mặc dù mức lạm phát hai tháng đầu năm ở mức khá cao nhưng vẫn không quá mức so với cùng kỳ những năm trước. Vì vậy, sau khi thấy Chính phủ áp dụng nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá cả và đẩy mạnh phát triển kinh tế thì tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại.
Ông Nguyễn Bình, một nhà đầu tư tại sàn Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho biết: Trong tháng 1, khi thị trường tiền tệ, tín dụng căng thẳng, một số tổ chức tài chính đưa ra nhiều bài bình luận bi quan thái quá về lạm phát, về khả năng tăng mạnh lãi suất cơ bản, làm cho nhà đầu tư sợ hãi, phải bán tháo cổ phiếu.
Vì thiếu thông tin hỗ trợ, thị trường xập xình kéo dài khá lâu, nhiều người giữ tiền trong tài khoản hơn một tháng mà không dám mua vào. Sau Tết, khi tín hiệu nổi “sóng” xuất hiện nhà đầu tư mới tự tin giải ngân.
So với trước Tết, lượng đặt mua cổ phiếu hằng ngày tính trên cả hai sàn đã tăng hơn hai lần và giá trị giao dịch trong từng phiên cũng tăng lên mức tương ứng. Từ chỗ chỉ giao dịch mỗi ngày khoảng 1.400 tỉ đồng nay đã tăng lên trên 3.000 tỉ đồng/phiên.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 9-3 vọt lên 3.849 tỉ đồng. Lý giải về dòng tiền đổ vào tăng mạnh, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, nói: “Do trước Tết, thanh khoản ngân hàng căng thẳng, nhà đầu tư lo lắng về kinh tế vĩ mô nên ít người giải ngân mà ôm tiền chờ thời, làm cho thị trường chứng khoán trầm lắng, giá cổ phiếu xuống thấp. Nay thị trường tiền tệ giảm nhiệt, nguồn cung tín dụng dồi dào nên nhiều người đổ tiền vào mua cổ phiếu. Ngoài dòng tiền tự có nằm chờ, quay vòng của nhà đầu tư chuyên nghiệp, thị trường còn đón thêm dòng tiền nhàn rỗi của một số tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân mới tham gia”.
Tạm tính, với giá trị giao dịch bình quân 3.000 tỉ đồng/phiên, nếu quay vòng chu kỳ thanh toán T+4 thì đã có 12.000 tỉ đồng đang tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, con số này mới chỉ bằng một nửa so với thời điểm tháng 10 năm ngoái.
Sắp bước vào vùng điều chỉnh
Do thị trường đã tăng liên tục 5 ngày, giá một số cổ phiếu lên khá cao, một bộ phận nhà đầu tư mua hàng ở vùng đáy đã có lãi theo kỳ vọng nên họ sẵn sàng bán để chốt lời.
Theo dự báo của hầu hết các công ty chứng khoán, thị trường sắp bước vào vùng điều chỉnh, với ngưỡng kháng cự của VN-Index tại mốc 540 điểm. Tuy nhiên, mức điều chỉnh sẽ không sâu, chỉ mang tính kỹ thuật, xảy ra trong thời gian một vài ngày.
Đó là điểm dừng cần thiết để những nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đi “chuyến tàu” sau nhập cuộc. Theo gợi ý của bộ phận tư vấn SSI, ở thời điểm điều chỉnh, nhà đầu tư tránh mua những cổ phiếu có các chỉ số cơ bản kém hấp dẫn, đã lên quá cao trên nền giá.
Nhiều khả năng những cổ phiếu có quá trình tích lũy đi ngang hoặc mới bứt phá khỏi nền giá tích lũy sẽ là mục tiêu tham gia của nhiều nhà đầu tư “lướt sóng”.
Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã mấy lần muốn tiến tới ngưỡng kháng cự mạnh trong một xu hướng tăng giá nhưng các lần trước đều không vượt qua được mốc 540 điểm.
Tuy nhiên, lần này có sự khác biệt lớn là lượng đặt mua (bán) và giá trị giao dịch trong những phiên gần đây tăng khá mạnh, xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế ổn định hơn nên sau vài phiên điều chỉnh có khả năng chứng khoán sẽ còn tăng cao hơn so với mức hiện tại.
(Người lao động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com