Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyện hy hữu trên TTCK Việt Nam

Một chuyện hy hữu xảy ra trên TTCK Việt Nam khi cùng thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã ký ban hành 2 văn bản có nội dung hoàn toàn trái ngược nhau liên quan đến khoản thuế trên 19 tỷ đồng của CTCK TP. HCM (HSC).

Về phía HSC, dù đã chấp hành nghiêm túc các quy định về nghĩa vụ kế toán cũng như nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nhưng hơn 4 năm qua, Công ty này đã không ngừng gõ cửa các cơ quan chức năng, từ Cục Thuế TP. HCM đến Tổng cục Thuế, đến đích danh Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, với một mục đích duy nhất là chứng minh Công ty đã tính đúng, tính đủ khoản thuế nộp cho Nhà nước và xin cứu xét về khoản truy thu thuế trên 19 tỷ đồng, cùng 4,1 tỷ đồng tiền phạt nộp chậm thuế của Công ty. Rất nhiều công sức, thời gian và giấy mực của cả HSC và các cơ quan liên quan đã phải bỏ ra vì vụ việc này, mà nguyên nhân duy nhất là việc 11 năm qua, Bộ Tài chính không ban hành một văn bản nào hướng dẫn việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC với khối các tổ chức tài chính trung gian như CTCK.

20 tỷ đồng tiền thuế của HSC: phải nộp, không phải nộp, rồi lại phải nộp…

Trong công văn xin cứu xét gửi Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ngày 29/9/2010, HSC cho biết, cuối năm 2007 và năm 2008, giá thị trường của các loại chứng khoán trong danh mục đầu tư của HSC thấp hơn nhiều so với giá mua hạch toán trên sổ kế toán, nên HSC đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết cho năm 2007 là 16,8 tỷ đồng, năm 2008 là 99,6 tỷ đồng. Khi HSC thực hiện quyết toán thuế với Cục Thuế TP. HCM, Cục Thuế đã không công nhận khoản dự phòng giảm giá này là chi phí hợp lý, theo đó đã yêu cầu HSC phải nộp khoản thuế thu nhập DN phát sinh thêm cho cả 2 năm là 19,4 tỷ đồng và xử phạt HSC nộp chậm khoản  thuế này là 4,1 tỷ đồng. Tuân thủ yêu cầu của Cục Thuế, HSC đã nộp khoản tiền này vào Kho bạc Nhà nước, nhưng từ đó đến nay, Công ty đã không ngừng khiếu nại đến các cơ quan chức năng xin cứu xét và hướng dẫn chính sách thuế cho Công ty nói riêng và cho TTCK Việt Nam nói chung.

Ngày 20/8/2009, HSC đã có đơn khiếu nại gửi Tổng cục Thuế TP. HCM về 2 khoản phải nộp trên, nhưng 5 tháng sau, Cục Thuế TP. HCM có công văn trả lời không chấp thuận khiếu nại này. Ngày 3/2/2010, HSC tiếp tục có công văn gửi Tổng cục Thuế khiếu nại cùng vấn đề trên và 7 tháng sau, HSC nhận được quyết định của Tổng cục Thuế không công nhận khoản dự phòng giảm giá cổ phiếu chưa niêm yết của HSC, đồng thời yêu cầu Công ty thực hiện đúng quyết định của Cục Thuế TP. HCM. Các quyết định của Cục Thuế TP. HCM và Tổng cục Thuế chỉ đề cập đến việc HSC không được áp dụng Thông tư số 13/2006/TT-BTC cho quyết toán thuế, nhưng không đưa ra hướng dẫn chính sách nào sẽ được áp dụng trong trường hợp lập dự phòng chứng khoán chưa niêm yết cho HSC.

Trình bày với Thứ trưởng Bộ Tài chính, HSC cho biết, Công ty đã vận dụng tất cả các văn bản pháp quy (Thông tư 134/2007/TT-BTC, Thông tư 13/2006/TT-BTC, Thông tư 11/2000/TT-BTC, Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC, Quyết định số 45/2007/QĐ-BTC) để thực hiện việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết và theo cách hiểu của HSC, việc trích lập này là hoàn toàn phù hợp với chính sách thuế. HSC cho rằng, việc Cục Thuế TP. HCM, Tổng cục Thuế không công nhận khoản dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết là chi phí hợp lý thể hiện sự đối xử không bình đẳng giữa các DN có cùng hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam, còn việc xử phạt vi phạm về thuế đối với HSC là chưa thỏa đáng vì nhận thức của HSC về vấn đề thuế đều dựa trên các văn bản pháp lý hiện hành.

Điều HSC mong đợi trong công văn này là Bộ Tài chính chấp thuận chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết tại Công ty trong các năm 2007 - 2008 là chi phí hợp lý, đồng thời Bộ sớm ban hành văn bản pháp lý cụ thể hướng dẫn các CTCK về dự phòng giảm giá chứng khoán cho các kỳ tiếp theo.

Hơn 1 tháng sau ngày công văn của HSC gửi Thứ trưởng Bộ Tài chính, ngày 5/11/2010, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn gửi đến HSC, Cục Thuế TP. HCM và Tổng cục Thuế cho phép HSC được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán theo quy định tại Thông tư số 11/2000/TT-BTC. Cũng tại công văn này đã dẫn chiếu Thông tư 130/2008/TT-BTC khẳng định, DN (bao gồm cả CTCK) được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, trừ những khoản trích lập dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Nhưng điều bất ngờ là ngày 7/9/2011, cũng thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế đã ký ban hành 1 công văn có nội dung hoàn toàn ngược lại với công văn trước đó gửi đến HSC, yêu cầu HSC thực hiện đúng quyết định của Tổng cục Thuế về việc truy thu thuế TNDN nói trên. Lý do Bộ Tài chính đưa ra trong công văn cuối cùng này là pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép các công ty chuyên kinh doanh chứng khoán được trích lập dự phòng giảm giá đối với chứng khoán chưa niêm yết!

Vậy là cùng một vấn đề (trích lập dự phòng OTC), cùng một chủ thể là HSC, cùng một khung pháp lý (hệ thống gần chục văn bản từ năm 2000 - 2009), nhưng cơ quan quản lý cao nhất về thuế (Bộ Tài chính) lại có những kết luận hoàn toàn trái ngược nhau.

Đằng sau sự trái ngược này là câu hỏi quyết định truy thu thuế HSC và xử phạt nộp chậm thuế với DN này có thực sự đủ căn cứ pháp lý hay không? Câu hỏi này được đặt ra vì tất cả các văn bản liên quan mà Bộ Tài chính đã ban hành đều cho phép các DN được trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, nhưng lại không có cái nào hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, nhất là với việc trích lập dự phòng giảm giá đối với chứng khoán chưa niêm yết.

Trách nhiệm của Bộ Tài chính ở đâu khi 11 năm nay vẫn không ban hành văn bản hướng dẫn các CTCK trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu OTC? Trong Thông tư 228/2009/TT-BTC hướng dẫn việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán ban hành năm 2009 đã ghi rõ: với CTCK, công ty quản lý quỹ, việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thực hiện theo quy định riêng. Nhưng từ đó đến nay, chính xác hơn là 11 năm nay, khối CTCK, công ty quản lý quỹ vẫn chờ "quy định riêng" của Bộ Tài chính…

Bao giờ Bộ Tài chính có hướng dẫn CTCK về dự phòng giảm giá chứng khoán?

Không chỉ HSC, tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, tất cả các CTCK đều mắc, đều tắc và đều mong chờ Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết. Hiện tại, khi các quy định liên quan nằm rải rác ở nhiều văn bản và chưa có cái nào thực sự rõ ràng, các CTCK có hai cách ứng xử khác nhau. Cách thứ nhất, vẫn thực hiện đánh giá và trích lập khoản dự phòng này để minh bạch hiệu quả hoạt động của DN, nhưng không tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Cách thứ hai là CTCK hoàn toàn không thực hiện trích lập dự phòng khoản đầu tư OTC với lý do quy định pháp lý chưa có hướng dẫn cụ thể. Với những CTCK có khoản đầu tư chứng khoán OTC thì đây là điều rất đáng ngại, bởi việc CTCK không trích lập dự phòng khoản đầu tư này sẽ khiến cổ đông và NĐT không nhận diện được rủi ro tài chính rất lớn trong bối cảnh giá cổ phiếu OTC đã giảm quá mạnh đằng sau các con số tài chính của công ty. Dư luận đã từng nhiều lần lên tiếng về lỗ hổng chính sách này, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp lại.

Các CTCK đều mong muốn rằng, Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, để giúp CTCK giảm bớt gánh nặng về thuế. Thực tế, nhiều công ty này đang chịu khoản lỗ rất lớn từ danh mục đầu tư chứng khoán OTC, nhưng trên trên sổ sách kế toán, khoản lỗ này thường không được thể hiện, hoặc chỉ thể hiện một phần nhỏ. Đây là một rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, cho TTCK Việt Nam, khi vì pháp lý không rõ ràng nên bức tranh hiệu quả hoạt động của CTCK là không thực.

Bên cạnh đó, việc CTCK không được khấu trừ vào chi phí khoản trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu OTC này đang khiến các công ty phải đóng thuế nhiều hơn so với hiệu quả thực mà CTCK làm được trong kỳ. Bất hợp lý này tương tự bất hợp lý khi nhà đầu tư chứng khoán lỗ nặng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân! 

Tường Vi - Hữu Hòe

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

(ĐTCK-Online)

  • Vỡ lở vụ lừa khủng trên thị trường chứng khoán
  • Sức ép công khai CTCK không an toàn tài chính
  • Thị phần môi giới quý III: Dấu ấn NĐT tổ chức
  • TTCK bao giờ “tỉnh giấc“?
  • Nổ tín dụng đen tại chợ OTC
  • Bất ngờ với mức sinh lời của cổ phiếu nhỏ
  • Tiền đầu tư chảy về đâu?
  • Tâm lý e ngại bull-trap vẫn đang thường trực
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!