Mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm 2010 của các DN niêm yết sắp đến. NĐT đang hướng tới các con số lợi nhuận với sự quan tâm đặc biệt, dù các con số ấn tượng không đồng nghĩa với tình hình tài chính vững mạnh.
CTCK “lướt sóng” gặt lúa non
Gần đây, chuyện CTCK đăng ký “lướt sóng” cổ phiếu (cùng mua cùng bán trong một khoảng thời gian) không còn xa lạ với thị trường. Ngoài lý do CTCK muốn thoái vốn tại một cổ phiếu nào đó nhưng tung “đòn gió” để đánh lạc hướng NĐT, động thái này còn giúp CTCK tạo ra lợi nhuận trên sổ sách, dù không hề tăng tiền mặt.
Giả định CTCK A sở hữu 5 triệu cổ phiếu X với giá vốn 10.000 đồng/CP, giá thị trường hiện tại là 30.000 đồng/CP. Gần kỳ báo cáo kết quả kinh doanh năm, A đăng ký lướt sóng 2 triệu cổ phiếu X. Giả sử việc cùng mua cùng bán này không làm thị giá cổ phiếu X thay đổi. Bảng 1 cho thấy các biến động về giá vốn để tạo ra lợi nhuận của A. Trên sổ sách, A ghi nhận lợi nhuận 40 tỷ đồng từ việc hiện thực hóa một phần khoản đầu tư, tuy nhiên giá vốn 2 triệu cổ phiếu X đã tăng từ 10.000 đồng/CP lên 30.000 đồng/CP. Chung quy cả 5 triệu cổ phiếu X đã có giá vốn tăng lên 18.000 đồng/CP= (2 triệu x 30.000 + 3 triệu x 10.000)/5 triệu.
Cổ phiếu X | Sở hữu: 5 triệu | “Lướt sóng”: 2 triệu | Còn lại: 3 triệu | |||
Giá vốn (đồng/CP) | Lợi nhuận | Giá vốn (đồng/CP) | Lợi nhuận | Giá vốn (đồng/CP) | Lợi nhuận | |
Trước khi “lướt sóng” | 10.000 | 0 | 10.000 | 0 | 10.000 | 0 |
Sau khi “lướt sóng” | 18.000 | 40 tỷ đồng | 30.000 | 40 tỷ đồng | 10.000 | 0 |
Cốt lõi của vấn đề này nằm ở quy định về kế toán Việt Nam. Với các khoản đầu tư tài chính, DN chỉ được phép ghi nhận lợi nhuận sau khi đã hiện thực hóa (giá thị trường cao hơn giá vốn). Dễ dàng nhận thấy câu chuyện “lợi nhuận không tiền mặt” của CTCK qua trào lưu chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ rất cao, mà hiếm khi chịu trả cổ tức bằng tiền mặt, nếu có thì cũng mang tính chất rất tượng trưng.
Chấp nhận rủi ro nợ khó đòi để tăng doanh thu và lợi nhuận
Năm 2009 là năm khó khăn với các DN xuất khẩu cá tra và cá fillet nói chung, khi cả giá bán và đơn hàng đồng loạt giảm. Bất chấp thực tế phũ phàng này, có một DN thủy sản lớn vẫn tạo ấn tượng khi duy trì được doanh thu và công bố lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng trên 70%. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ BCTC của DN này có thể thấy một điểm bất thường là các khoản phải thu của khách hàng tăng 50%.
Sang năm 2010, cả doanh số, kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận của DN này bất ngờ giảm mạnh. Cùng lúc, các khoản phải thu từ khách hàng, hàng tồn kho tiếp tục tăng cao (xem Bảng 2). “Thành công” năm trước giờ đây mới được giải mã: thị trường chiến lược của DN ở châu Âu năm trước gặp vấn đề về thanh toán, nên các DN cùng ngành trong nước e ngại rủi ro, xuất hàng rất hạn chế. DN này thì ngược lại và phải chịu hậu quả vào năm kế tiếp.
Nới lỏng các điều kiện thanh toán để đẩy mạnh doanh số là một thủ thuật khá phổ biến của các DN nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này có thể mang lại rủi ro về nợ khó đòi và chưa chắc đã mang về cho DN mức tiền mặt tương ứng. Với các DN thương mại có thể khéo léo thực hiện điều này qua việc phát đi thông điệp sắp tăng giá bán để đánh mạnh vào tâm lý đầu cơ của đại lý và khách hàng. Nhưng phần lợi nhuận và tiền mặt tăng thêm chỉ là phần kết chuyển lợi nhuận năm sau vào niên độ kế toán năm nay.
Lũy kế | Năm 2008 | Năm 2009 | 9 tháng năm 2010 |
Doanh thu | 2.984 | 3.087 | 1.266 |
Lợi nhuận sau thuế | 171 | 294 | 86 |
Các khoản phải thu của KH | 999 | 1.514 | 1.567 |
Hàng tồn kho | 433 | 653 | 1.206 |
“Múa” lợi nhuận thông qua ước kế toán
Với các doanh nghiệp bất động sản, phải mất nhiều năm thì công trình xây dựng mới thực sự hoàn thành. Bởi vậy, các chuẩn mực kế toán cho phép DN ước tiến độ hoàn thành công trình để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận. Các ước tính chủ quan này tạo kẽ hở cho DN có thể “múa” lợi nhuận với các cổ đông.
Chẳng hạn, một DN lớn đang có nguồn thu chủ yếu là bất động sản vừa công bố lợi nhuận năm 2010 ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, con số hoành tráng này khiến khá nhiều lãnh đạo DN cùng ngành nghi ngờ khi một DN lớn khác cùng trên địa bàn, cùng suất đầu tư tương đương, nhưng để có 600 tỷ đồng lợi nhuận đã phải nỗ lực bán được 1.500 căn hộ. Với con số lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, một số DN cùng ngành ước tính phải bán được trên 7.000 căn hộ. Đây là con số quá “mơ mộng” khi phân khúc căn hộ chung cư èo uột suốt năm 2010.
Giới phân tích phỏng đoán lợi nhuận của DN được tạo ra từ việc phóng đại tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng, chuyển lợi nhuận những năm sau vào năm 2010 để đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Thực tế sau này DN có thể thu được tiền mặt về hay không lại là câu chuyện phải chờ đợi. Cần nói thêm, đây là DN bất động sản này có truyền thống chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ cao, cổ tức tiền mặt hạn chế và có các đợt phát hành thu hút vốn với số lượng lớn.
Giảm các khoản trích lập
Các quy định kế toán hiện tại cho phép các DN linh động chọn hình thức khấu hao nhanh hay chậm. Dựa vào điều này, một số DN đã tạo ra lợi nhuận “mềm”, dù lượng tiền mặt không gia tăng tương ứng. Chẳng hạn, năm 2009, một DN niêm yết ngành nhựa trên HOSE đã trình ĐHCĐ xin nâng thời gian khấu hao của một số máy móc thiết bị từ 5 năm lên 10 năm. Theo giải thích từ Ban lãnh đạo trước đại hội, do dự báo tình hình kinh doanh sẽ khó khăn nên việc giãn khấu hao làm giảm chi phí, đảm bảo cho DN có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước!
Tương tự, khi gặp tình huống bất lợi, DN có xu hướng giảm các khoản trích lập hàng tồn kho, đầu tư tài chính, nợ khó đòi… để có con số lợi nhuận làm vừa lòng các cổ đông. Tuy nhiên, cũng như các con số tạo ra từ việc hoàn nhập dự phòng khi TTCK tăng điểm, dù DN vẫn có lợi nhuận trên sổ sách, nhưng tiền mặt không tăng lên.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com