Mặc dù khủng hoảng dần đi qua và kinh tế phục hồi trở lại, song hoạt động của ngân hàng được dự báo sẽ có khó khăn hơn so với năm trước, khi mà chính sách tín dụng kiểm soát chặt; chủ trương hỗ trợ lãi suất ngắn hạn không còn; huy động vốn khó khăn hay sàn vàng đóng cửa… Đó là những lý do khiến cổ đông không chỉ quan tâm đến chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng đưa ra cho năm 2010 mà còn "để ý" kỹ cơ sở để thực hiện được những kế hoạch này.
Từ kết quả hoạt động…
Tại ĐHCĐ Sacombank diễn ra ngày 15/3, một cổ đông của ngân hàng này tỏ ra lo ngại, liệu với kế hoạch tăng trưởng huy động vốn ở mức 48% và dư nợ cho vay 45% được Sacombank đưa ra trong năm nay có thực hiện được. Đặc biệt là trước bối cảnh thị trường đang có những khó khăn nhất định. Lãi suất huy động mất dần tính hấp dẫn, do phải khống chế dưới mức trần theo quy định 10,5%/năm hiện nay.
Còn đối với tăng trưởng dư nợ tín dụng, dù thấp hơn năm trước (năm 2009 tăng trưởng tín dụng của Sacombank đạt 65%), nhưng theo vị cổ đông trên thì dù đã được thỏa thuận lãi suất đối với các khoản vốn vay trung, dài hạn, hiện các ngân hàng cũng không dễ cho vay. Bởi do áp lực lãi vay gia tăng, khách hàng sẽ tính lại bài toán có nên mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Trả lời chất vấn của cổ đông trên, Tổng giám đốc Sacombank, ông Trần Xuân Huy thừa nhận, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng huy động vốn ở mức 48% trong năm nay cũng là một thách thức không nhỏ. Vì trên thực tế, tình hình huy động vốn của các ngân hàng không còn dồi dào như trước. Các kỳ hạn tiền gửi tập trung chủ yếu ngắn ngày. Tuy nhiên, theo ông Huy, Sacombank có đủ cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn nói trên.
Bởi tính đến nay, Ngân hàng đã có 320 điểm giao dịch trên cả nước. Bên cạnh đó, Sacombank còn nâng cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại để thu hút khách hàng.
Riêng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đưa ra cho năm 2010, theo ông Huy là có cơ sở để thực hiện được, vì nếu chia cho 320 điểm giao dịch hiện có của Ngân hàng thì mỗi điểm giao dịch chỉ thực hiện cho vay khoảng 250 tỷ đồng. Mặt khác, theo ông Huy, với chiến lược bán lẻ, STB đã có lượng khách hàng tương đối.
Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tín dụng được một số ngân hàng xây dựng cho năm 2010 thấp hơn năm trước khiến không ít NĐT thắc mắc và lo ngại về con số lợi nhuận. Đơn cử như HDBank với chỉ tiêu lợi nhuận trình cổ đông trong ĐHCĐ ngày 15/3 ở mức 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng đưa ra cho năm phải theo định hướng chung của NHNN là 25%, giảm 9% so với năm 2009; còn tổng huy động vốn dự kiến là 21.000 tỷ đồng.
Vì thế, HDBank kỳ vọng tỷ lệ nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng sẽ chiếm khoảng 30% tổng thu nhập đóng góp vào lợi nhuận Ngân hàng đưa ra năm 2010 và cổ tức dự kiến ở mức 11% (năm 2009 HDBank chia cổ tức 11%).
Tương tự với VietA Bank, kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 chỉ cao hơn 25% so với năm trước; huy động vốn tăng 66% so với năm 2009. Nhưng kế hoạch lợi nhuận Ngân hàng xây dựng cho năm nay tăng gần gấp đôi so với năm trước. Theo đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế của VietA Bank năm 2010 là 498 tỷ đồng so với mức đạt được trong năm qua là 270 tỷ đồng. Trong khi, ngân hàng này lại kỳ vọng nguồn thu từ hoạt động tín dụng sẽ tăng 41% so với năm trước; thu từ đầu tư và kinh doanh chứng khoán tăng 11%; thu từ kinh doanh ngoại tệ, vàng tăng 39%. Đặc biệt, VietA Bank kỳ vọng nguồn thu từ dịch vụ ngân hàng sẽ đóng góp vào lợi nhuận trong năm 2010 tăng đến 211% so với năm 2009.
Với Sacombank, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra trong năm 2010 ở mức 2.400 tỷ đồng, Ngân hàng cũng kỳ vọng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn so với năm trước. Còn với ACB, kỳ vọng tỷ trọng thu nhập từ lãi đóng góp vào tổng lợi nhuận năm 2010 sẽ cao hơn so với năm trước, chiếm khoảng 50%.
Theo tổng giám đốc một CTCK tại TP. HCM, việc các cổ đông quan tâm đến lợi nhuận ngân hàng trong mùa ĐHCĐ năm nay là điều dễ hiểu, vì giá cổ phiếu ngân hàng trong 2 năm qua không mấy thay đổi nên NĐT chỉ trông chờ vào cổ tức. Phát biểu trong ĐHCĐ STB, nhiều NĐT đã phản đối việc ngân hàng này chi trả cổ tức chậm. Vì thông thường, STB luôn chia cổ tức vào cuối năm.
… đến cổ đông chiến lược
Không ít NĐT băn khoăn trước thông tin cổ đông lớn của STB là ANZ sẽ thoái vốn tại ngân hàng này trong thời gian tới. Trả lời câu hỏi này trong ĐHCĐ vừa qua, Chủ tịch HĐQT STB, ông Đặng Văn Thành cho biết, để bảo vệ quyền lợi của hai tổ chức, ANZ sẽ tìm đối tác chuyển nhượng để việc thoái vốn không ảnh hưởng tới thị giá STB. "Chúng tôi đã làm việc với ANZ về vấn đề này và để bảo vệ quyền lợi của hai tổ chức, ANZ sẽ tìm đối tác chuyển nhượng để việc thoái vốn không ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu STB", ông nói và cho biết thêm, trong ngày 17/3 tới, STB sẽ tiếp tục làm việc với ANZ và đối tác do ANZ giới thiệu để có quyết định.
Hiện ANZ nắm giữ gần 10% cổ phần tại STB, với tổng giá trị khi mua vào khoảng 27 triệu USD. ANZ chính thức trở thành cổ đông chiến lược của STB vào tháng 3/2005. Như vậy, sau gần 5 năm gắn bó, mối lương duyên giữa STB - ANZ chuẩn bị chấm dứt. Song, người đứng đầu STB cho rằng, việc ANZ thoái vốn khỏi Ngân hàng cũng là chuyện bình thường, vì chiến lược của cả hai bên đều phấn đấu trở thành những ngân hàng bán lẻ đa năng và đang trên đà đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần.
Cụ thể, STB có kế hoạch nâng cấp chi nhánh Lào, Campuchia thành ngân hàng con 10% vốn trực thuộc trong năm 2010 và ở đó cũng có sự xuất hiện của ANZ.
Tuy nhiên, thông tin thoái vốn của ANZ tại STB khiến không ít người nghĩ đến viễn cảnh trong tương lai gần tình trạng này sẽ xảy ra ở ngân hàng khác, khi mà các đối tác chiến lược nước ngoài đã có ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam.
Tổng giám đốc CTCK VIS, ông Phạm Linh cho rằng, có thể do tác động bởi tâm lý nên có thể trước mắt giá cổ phiếu STB bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Linh, do STB đã niêm yết nên mọi thông tin được minh bạch, vì thế việc thoái vốn của ANZ cũng không phải quá bất ngờ đối với cổ đông.
Trong khi đó, STB cho rằng, việc thoái vốn của ANZ cũng là điều đã được biết trước, đồng thời là định hướng đúng đắn của cả hai bên. Trong khi đó, trên thị trường hiện vẫn còn nhiều ngân hàng chưa có đối tác chiến lược nước ngoài tham gia đang ra sức đàm phán để có thể hoàn thành được kế hoạch tăng vốn điều lệ theo lộ trình quy định.
Cụ thể, với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.550 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng của HDBank, trong năm nay Ngân hàng dành 50 triệu cổ phiếu (tương đương 500 tỷ đồng) để phát hành cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. ĐHCĐ đã giao cho HĐQT HDBank xây dựng tiêu chí, tìm kiếm và đàm phán với đối tác chiến lược. Ngân hàng sẽ ưu tiên các đối tác là tổ chức có uy tín, quy mô hoạt động lớn ở ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng có khả năng hỗ trợ HDBank trong hoạt động kinh doanh.
Ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc OCB cũng cho biết, trong kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.000 hiện tại lên 3.000 tỷ đồng năm 2010, có cả phần vốn tăng thêm cho đối tác chiến lược là Tập đoàn BNP Paribas (Pháp) lên 20% so với 15% hiện nay.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com