Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cổ phiếu bảo hiểm: Khó bứt phá vì áp lực tăng cung

Mới đây, CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã phải gia hạn thời gian nộp tiền mua cổ phần tăng vốn cho các NĐT chậm nộp. Trước đó, không ít DN bảo hiểm khác cũng không tăng được vốn theo kỳ vọng như Viễn Đông, Bảo Long...

Thực tế, hoạt động của nhiều DN bảo hiểm vẫn có lãi, đảm bảo năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước, nhưng trong bối cảnh hiện tại, cổ phiếu ngành này vẫn chưa thu hút nhiều NĐT.

Theo Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng số 481/UBCK-GCN của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), PTI được phép chào bán 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng.

Theo đó, cổ đông hiện hữu được mua theo tỷ lệ 2: 1 (cổ đông nắm giữ 2 cổ phần tại ngày chốt quyền được mua 1 cổ phần mới).

Nguồn vốn huy động nhằm đáp ứng yêu cầu của pháp luật về năng lực tài chính tương ứng với mức độ mở rộng nghiệp vụ, địa bàn hoạt động của Công ty; tăng khả năng giữ lại trong kinh doanh bảo hiểm. Vậy nhưng, hết thời hạn nộp tiền mua cổ phiếu, nhiều NĐT vẫn chưa nộp và PTI phải kéo dài thời hạn từ cuối tháng 1 sang đầu tháng 3.

Với sự tham gia góp vốn của 2 đối tác chiến lược là CTCP Đồng Tâm và CTCP Đầu tư và Thương mại Việt Tín , cuối năm 2009, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) đã tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 345 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo kế hoạch và được sự chấp thuận của UBCK, DN này sẽ tăng vốn lên 600 tỷ đồng. Việc chỉ bán được số ít trong tổng số 30 triệu cổ phiếu theo kế hoạch (tương ứng 300 tỷ đồng cần huy động) cho thấy, cổ phiếu VASS nói riêng, của ngành bảo hiểm nói chung chưa thực sự hấp dẫn NĐT trong thời điểm hiện nay.

Là lĩnh vực có nhịp độ tăng trưởng tỷ lệ thuận với tăng trưởng của nền kinh tế, theo các chuyên gia, những khó khăn của nền kinh tế hai năm qua đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu bảo hiểm.

Ngoại trừ những DN có thông tin tích cực, phần lớn cổ phiếu của các DN bảo hiểm đang ở mặt bằng giá khá thấp. Nhìn vào diễn biến giá cổ phiếu của các DN bảo hiểm niêm yết trên sàn có thể thấy rõ điều đó.

Được nâng đỡ bởi thông tin "khủng" như thu về 1.800 tỷ đồng từ vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Ngân hàng HSBC (nâng mức nắm giữ của HSBC lên 18%), giá cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã được cải thiện phần nào trong thời gian gần đây.

Nhưng lực đỡ chính cho giá cổ phiếu BVH lại đến từ khối nhà đầu tư ngoại. Trên thực tế, số lượng cổ phiếu được phép chuyển nhượng qua sàn của BVH khá ít.

Vì thế, lực cầu hạn chế cũng khiến cổ phiếu này giữ giá. Nhưng khi giải tỏa hạn chế chuyển nhượng và cổ đông nhà nước tiếp tục thoái vốn tại BVH trong thời gian tới, thì cổ phiếu này sẽ có một nguồn cưng không nhỏ trên thị trường.

Với đích đến là tăng trưởng 16% trong năm 2010, Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, tăng vốn từ 1.035 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng, sẽ góp phần làm tăng lượng cung cổ phiếu bảo hiểm trên thị trường.

Nguồn tin từ CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), trong năm 2010, DN này sẽ bán bớt khoảng 25% vốn nhà nước để thực hiện cổ phần hóa.

Dự kiến, cuối tháng 3 này hoàn tất việc xác định giá trị DN và việc cổ phần hóa sẽ được thực hiện trong quý II/2010. BIC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, là DN bảo hiểm duy nhất đến nay vẫn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn (Ngân hàng BIDV).

Năm 2009, DN này đạt 548,99 tỷ đồng doanh thu, tăng 50% so với năm 2008. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vượt mốc 402 tỷ đồng (tăng 36%), từ hoạt động đầu tư tài chính 146 tỷ đồng (tăng l07%).

Lợi nhuận trước thuế năm 2009 của BIC đạt 81,25 tỷ đồng. BIC duy trì vị trí thứ 6/28 công ty bảo hiểm phi nhân thọ về thị phần, tuy nhiên hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn bị lỗ và được bù đắp bởi hoạt động đầu tư tài chính.

Theo một số chuyên gia, BIC hoạt động kinh doanh khá tốt, có sự hỗ trợ mạnh của ngân hàng mẹ về tài chính và mạng lưới kinh doanh rộng khắp, nhưng IPO sẽ khó đạt thặng dư vốn lớn trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu dư cung cổ phiếu ngành bảo hiểm.

Vì vậy, BIC không nên đặt ra kỳ vọng về giá cổ phiếu, mà nên đặt mục tiêu về thay đổi quản trị, đại chúng hóa công ty. Có như vậy, việc cổ phần hóa DN mới có thể thành công.

Ngoài áp lực tăng cung, chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) của phần lớn DN bảo hiểm đạt không quá 3.000 đồng, hoạt động bảo hiểm gần như không mang lại khoản lợi nhuận đáng kể nào, mà chủ yếu do hoạt động đầu tư chính mang lại, là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu ngành này chưa hấp dẫn NĐT.

 

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • CTCP Quốc Cường - Gia Lai bị phạt 40 triệu đồng
  • Thanh khoản NH cải thiện
  • UPCoM: Đầu tuần tăng mạnh
  • Theo dõi chặt các yếu tố vĩ mô và động thái khối ngoại
  • Thị trường ghi dấu ấn nhà đầu tư mới
  • Khối ngoại mua ròng sàn HA, bán ròng sàn HO
  • Phiên đầu tuần: Sắc đỏ thống trị hai sàn
  • Ba công ty đăng ký niêm yết gần 22 triệu cổ phiếu trên HNX
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!