Khá thú vị là ngay khi một tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế hạ bậc tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ của nhiều ngân hàng Việt Nam thì dòng vốn ngoại lại ồ ạt chảy vào cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết.
Moody’s nói gì?
Thị trường chứng khoán ngày 16-12 vừa qua sụt giảm mạnh và nguyên nhân được xem là do ảnh hưởng của cáchđánh giá từ tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s. Ngày 15-12, Moody’s đã cắt giảm định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam, từ mức B3 về mức B1. Những lý do mà Moody’s đưa ra là rủi ro gia tăng về cán cân thanh toán, lạm phát tăng tốc, và gánh nặng nợ nần tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Triển vọng mà Moody’s dành cho hạng mức tín nhiệm nợ mới của Việt Nam là “tiêu cực”.
Moody’s cũng hạ định mức tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ từ mức B1 xuống B2 đối với 6 ngân hàng của Việt Nam là Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Ngoài ra, Moody’s cũng hạ một đến hai bậc xếp hạng tín dụng cơ sở và xếp hạng sức mạnh tài chính ngân hàng đối với 6 ngân hàng trên.
Khối ngoại “bỏ ngoài tai”?
Nhận xét về việc hạ mức tín nhiệm nói trên, một số ngân hàng đã phản hồi cho rằng đó là hành động bình thường xuất phát từ việc hạ định mức tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam. BIDV thì khẳng định xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng này về cơ bản vẫn đạt trần xếp hạng quốc gia với triển vọng chung là ổn định, xếp hạng năng lực tài chính độc lập vẫn giữ nguyên ở mức E+, xếp hạng tiền gửi nội tệ B1; xếp hạng tiền gửi ngoại tệ B2; xếp hạng nhà phát hành B1; triển vọng trong thời gian tới là ổn định.
Thông tin về hạ định mức tín nhiệm tiền gửi ngoại tệ của 6 ngân hàng nói trên được cho là đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu của ngành ngân hàng. ACB hôm 16-12 giảm giá tới 7,2%, SHB giảm 6,3%, HBB giảm 6,7%, STB giảm 4,6%, EIB giảm 4,7%. Đây là mức sụt giảm rất mạnh vì nhóm cổ phiếu ngân hàng đang trong làn sóng tăng giá hiếm hoi từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, dường như nhà đầu tư nước ngoài không xem trọng những đánh giá như vậy. Thực tế khối ngoại lại tích cực mua vào rất mạnh cổ phiếu ngân hàng. Ngay trong phiên ngày 16-12, CTG được mua ròng 1,43 triệu cổ phiếu, VCB được mua ròng hơn 960.000 cổ phiếu.
Đặc biệt trong phiên ngày 17-12, lượng vốn của khối ngoại bỏ vào mua cổ phiếu ngân hàng tăng đột biến. Ngoại trừ một số mã đã hết hoặc gần tỉ lệ cho phép, các cổ phiếu còn lại đều được mua rất mạnh. Cụ thể, khối ngoại bỏ ra 30,2 tỷ đồng mua vào 1,31 triệu CTG, 71,7 tỷ đồng mua vào 2,26 triệu VCB.
Đối với các đánh giá về vĩ mô của Moody’s, phản ứng trên thị trường của nhà đầu tư nước ngoài cũng rất trái ngược, Ngày 16 và 17-12, tổng giá trị vốn mua ròng trên cả hai sàn đạt 264,1 tỷ đồng. Tính riêng từ đầu tháng 12 đến nay, quy mô vốn ròng vào thị trường niêm yết lên tới 2.280 tỷ đồng.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com