Cty chứng khoán SME vừa đưa ra báo cáo về “Triển vọng phát triển ngành thủy sản trong quý IV: Tiềm ẩn nhiều cơ hội và rủi ro” trong đó khuyến nghị nhà đầu tư nên chú ý tới cổ phiếu ABT, MPC.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự khan hiếm nguyên vật liệu, giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng nhiều Cty đã đạt tăng trưởng về lợi nhuận sau thuế cao hơn so với cùng kỳ 2009. Nhiều Cty đã có mức tăng trưởng trên 100% như ACL, AGF. Nhiều DN kết thúc quý 3 đã hoàn thành trên 90% kế hoạch 2010 như ABT (98%), MPC (93%), SJ1 (116%), TS4 (115%).
Rủi ro từ vốn vay
Do đặc điểm của ngành thủy sản, chi phí chủ yếu là chi phí nguyên vật liệu nên các DN chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn với tỷ trọng bình quân lên tới 86% tổng nợ. Hệ số nợ (tổng nợ/tổng nguồn vốn) bình quân của ngành là 0,54. Các Cty sử dụng đòn bẩy tài chính khá mạnh với mức bình quân ngành lên tới 1,51 lần. Đặc biệt một số Cty sử dụng đòn bẩy lên tới hơn 3 lần như Thủy sản Ngô Quyền, Thủy sản Sao Ta và Ataco. Mặt bằng lãi suất ngân hàng năm nay ở mức cao (11%) và đang có xu hướng tăng trong quý 4 sẽ khiến các Cty này gặp không ít khó khăn.
Do chi phí chủ yếu là chi phí nguyên vật liệu nên đa số các DN thủy sản vay bằng nội tệ để thanh toán khi thu mua nguyên vật liệu. Tuy nhiên một số DN cũng duy trì cả vay nội tệ và ngoại tệ để giảm thiểu rủi ro do biến động tỷ giá. Đồng VN mất giá mạnh trong thời gian vừa qua khiến các DN vay USD sẽ phát sinh thêm chi phí khá nhiều do chênh lệch tỷ giá.
Cơ hội giá thấp
Do đặc điểm của ngành thủy sản là không ổn định, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu và thị trường tiêu thụ, rào cản gia nhập ngành thấp, cạnh tranh cao nên PE bình quân của ngành thường thấp hơn các ngành khác. Nhưng mức PE bình quân 7,6 lần hiện nay của ngành thủy sản đang thấp hơn nhiều so với PE bình quân của thị trường (11,4 lần) cho thấy cổ phiếu ngành thủy sản dường như đang bị định giá thấp hơn giá trị thực của nó. Với tính chất chu kỳ, quý 4 được kỳ vọng sẽ là mùa lợi nhuận của các DN thủy sản, do đó triển vọng đầu tư vào cổ phiếu thủy sản là rất tiềm năng. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, cùng với xu thế chung của thị trường, đa số các cổ phiếu thủy sản đều giảm rất sâu về vùng giá hấp dẫn, rất thích hợp đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn.
CTCK SME đã đưa ra khuyến nghị đầu tư khi chú ý tới cổ phiếu ABT, MPC.
Thứ nhất, MPC là DN xuất khẩu tôm hàng đầu VN. Mặc dù khan hiếm tôm nguyên liệu, giá đầu vào tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận của các DN xuất khẩu tôm tăng cho thấy giá bán tăng nhanh hơn tốc độ tăng của giá nguyên liệu. Tôm VN có thị trường khá ổn định và được khách hàng đánh giá cao. Nhu cầu về tôm trong quý 4 thường tăng mạnh. Ngoài ra, MPC hiện đang có mức thuế chống bán phá giá tôm thấp nhất cả nước (2.95%).
Thứ hai, ABT là DN xuất khẩu hàng đầu VN về sản phẩm nghêu với thị trường ổn định và tăng trưởng tốt. Cty có hệ thống dây truyền sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng cao.
Thứ ba, MPC và ABT là các DN có mức tự chủ nguyên vật liệu cao: Do tình trạng khan hiếm nguyên liệu nên nguyên vật liệu trở thành yếu tố quan trọng quyết định kết quả hoạt động kinh doanh của các Cty thủy sản. ABT hiện có diện tích vùng nuôi lên tới 60 ha có khả năng tự chủ 100% về mặt nguyên liệu. MPC chỉ có tự đáp ứng khoảng 10% về nguyên vật liệu nhưng Cty có ký hợp đồng với các người dân triển khai dự án nuôi tôm tại Cty nên Cty có khả năng tự chủ về nguốn nguyên liệu cao.
Thứ tư, PE của ngành thủy sản hiện đang thấp hơn rất nhiều so với bình quân của thị trường. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chú ý tới các công ty hoạt động tốt nhưng có mức PE thấp hơn bình quân của ngành (7,6 lần). Hiện MPC có mức PE là 6,4 lần, ABT có mức PE là 5,4 lần.
Thứ năm, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu dưới 2 lần: do đặc điểm của ngành thủy sản cần lượng vốn lưu động lớn để thu mua nguyên vật liệu nên nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy khá cao. Hoạt động của ngành thủy sản không ổn định nên đầu tư vào các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao là rất rủi ro. ABT có tỷ lệ vay nợ rất thấp (0,12) trong khi MPC có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,54, xấp xỉ mức bình quân của ngành.
(Diễn đàn Doanh Nghiệp điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com