Với phiên giao dịch đột biến ngày 28.5, VN-Index đã có một ngày tăng điểm mạnh nhất trong vòng 5 tháng và cũng là tuần duy nhất trong tháng 5 có đủ 5 phiên tăng giá. Tuy nhiên, sự khởi sắc đó cũng tạo ra những phân hóa mạnh, thậm chí là trái chiều trong đánh giá của các CTCK.
Với nhóm CTCK đánh giá tích cực về 5 phiên tăng điểm vừa qua, chiến lược giải ngân từng phần vào các CP tốt khi giá giảm được khuyến cáo nhiều. Theo CTCK Âu Việt, VN-Index khả năng sẽ dao động trong khoảng 505-530 điểm trong tuần này. NĐT nên nhanh chóng giải ngân vào những mã CP cơ bản tốt trong những thời điểm điều chỉnh của thị trường. Chiến lược thích hợp trong giai đoạn này là mua và nắm giữ.
Quan điểm lạc quan hơn, CTCK Đại Việt cũng dự đoán chỉ số tuần này sẽ dao động từ 510 điểm đến 530 điểm. “Thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh và NĐT có thể gia tăng danh mục CP tại những phiên này. Tuy vậy, rủi ro trong ngắn hạn vẫn còn và việc sử dụng đòn bẩy là việc làm mạo hiểm” - bộ phận phân tích của tổ chức này nhận xét.
Nhìn chung, chiến lược chọn lọc mua và nắm giữ tại những phiên giảm điểm được khuyến cáo chủ yếu với các NĐT dài hạn. Lý do chính là các yếu tố vĩ mô trong nước vẫn đảm bảo một cơ hội tăng trưởng tốt từ nay đến cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 301.800 tỉ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. CTCK VIS cho rằng, đây là mức tăng khá cao và cao hơn cả kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác đều cho thấy kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực hơn như như CPI tháng 5.2010 ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh... Những thông tin khả quan này sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho thị trường hiện nay.
Cũng với những số liệu vĩ mô, bộ phận phân tích của CTCK Đại Việt lại cho rằng, mặc dù nền kinh tế vĩ mô trong nước đang diễn biến theo chiều hướng tốt, nhưng những khó khăn hiện tại vẫn còn và có thể ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng của TTCK, nhập siêu vẫn cao, giá cả có xu hướng tăng dần, lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt... Ngoài ra, sự tăng vốn của các ngân hàng nhỏ và các DN niêm yết trong thời gian tới cũng có thể làm gia tăng nguồn cung và ảnh hưởng đến dòng tiền của thị trường.
Những trái chiều trong đánh giá cơ hội của thị trường hiện tại chủ yếu là từ góc độ tiếp cận với các chiến thuật đầu tư khác nhau, ngắn hạn hay dài hạn. Trong ngắn hạn, đa số các phân tích đều quan ngại đến sự bất ổn từ bên ngoài, nhất là từ TTCK thế giới.
“Tâm lý NĐT đã chuyển rất nhanh từ trạng thái bi quan sang hứng khởi chỉ trong 3 phiên giao dịch. Theo chúng tôi, việc các mã đồng loạt tăng giá với nhiều mã không có dư bán đang gây nên sự hưng phấn quá mức. TTCK thế giới tuy đã có tín hiệu hồi phục, nhưng khả năng những phiên trồi sụt vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng tôi đánh giá cao khả năng sẽ có các phiên điều chỉnh trong tuần tới, VN-Index có thể sẽ thử thách lại mức hỗ trợ 500 điểm và vùng kháng cự 520-525 điểm là vùng cân bằng của cung và cầu. Thị trường cần có lực đẩy đủ mạnh để vượt qua” - CTCK VNDirect nhận xét.
Theo khuyến cáo này, đây là thời điểm “cần giải ngân và nắm giữ một lượng CP nhất định. Các đợt điều chỉnh là cơ hội tốt cho NĐT tích lũy cổ phiếu ở mức giá thấp, thay vì tranh lệnh mua giá trần trong các phiên tăng điểm”. Tuy nhiên, đối với NĐT đang giữ nhiều và sử dụng đòn bẩy tài chính nên giảm dần tỉ lệ nắm giữ khi VN-Index tiếp cận mức 520 điểm.
Bộ phận phân tích của VIS thì nhìn nhận, dù được hỗ trợ mạnh bởi các yếu tố vĩ mô trong nước, nhưng trước những bất ổn còn đang đe dọa bên ngoài, khó có thể kết luận rằng chu kỳ tăng điểm ổn định đã thực sự hình thành. Ba kịch bản cho VN-Index được đưa ra là: Kịch bản tăng tích cực, chỉ số sẽ tiệm cận vùng từ 520 đến 530 điểm, cùng với đó là khối lượng giao dịch có thể tăng lên đến 60-70 triệu đơn vị/phiên. Nếu kịch bản này xảy ra, NĐT ngắn hạn nên tăng tỉ lệ tiền mặt và giảm tỉ lệ nắm giữ CP về mức an toàn.
Kịch bản giằng co xảy ra khi VN-Index dao động trong vùng 500 đến 520 điểm cùng với quy mô khối lượng khoảng 50-60 triệu CP/phiên. Nếu kịch bản này xảy ra, NĐT nên xem xét nâng tỉ lệ nắm giữ, đồng thời đây là giai đoạn tốt để cơ cấu danh mục. Kịch bản xấu nhất là VN-Index quay lại vùng 480-500 điểm với khối lượng giao dịch ở mức 35-50 triệu CP/phiên. Nếu kịch bản này xảy ra, NĐT nên xem xét và cơ cấu lại danh mục đầu tư, đặc biệt khi VN-Index rơi vào vùng 480-490 điểm.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com