Khối lượng và giá trị giao dịch tuần qua trên cả hai sàn tăng mạnh là dấu ấn đáng chú ý nhất, thể hiện sự trở lại rất nhiệt tình của dòng vốn.
Với nhận định khả năng phục hồi tốt, các CTCK bắt đầu tung ra nhiều hơn các dịch vụ cầm cố, đòn bẩy và lượng tiền mới tham gia thị trường cũng tăng lên.
"VN-Index gọi, bất động sản trả lời"!
Theo thông lệ của các đợt tăng trưởng trong quá khứ, dấu ấn của dòng vốn vào mạnh thường thể hiện ở khối lượng tổng thể của mỗi phiên và thể hiện đặc biệt ở những CP có tính chất đầu cơ cao và những nhóm ngành như tài chính, bất động sản. Nhận định của CTCK VNDirect cho rằng “dòng tiền đầu tư đã đổ vào các CP ngành tài chính, ngân hàng và bất động sản - hai ngành có thị giá vốn lớn nhất thị trường và chưa tăng nhiều trong thời gian qua - cho thấy đã có sự chuyển biến về lượng của dòng tiền mới vào thị trường”.
CTCK Vincom thì đặt một tiêu đề khá “kêu” cho phiên giao dịch sôi động cuối tuần qua: “VN-Index gọi, bất động sản trả lời”: “Có thể nói sự tăng điểm trở lại của khối bất động sản là điều đáng mừng với thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường đang điều chỉnh giảm giá. Sự tăng điểm của nhóm cổ phiếu bất động sản cùng với REE, ITA mang nhiều ý nghĩa với thị trường bởi đây là nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn dắt”.
Khá nhiều phân tích của các CTCK khác cũng chú ý đến sự luân chuyển giữa các nhóm CP và sự trở lại của nhóm CP bất động sản, CK. Nhóm CP bất động sản nằm trong số những mã có mức tăng giá mạnh nhất tuần qua và khối lượng giao dịch cũng tăng rất cao: SJS tăng 3,82%, NTL tăng 6,92%, TDH tăng 6,35%, ITA tăng 9,43%, SZL tăng 4,58%... trong khi VN-Index chỉ tăng 3,3%.
Về tương quan giao dịch toàn thị trường, tuần qua cũng để lại nhiều dấu ấn trên khối lượng và giá trị luân chuyển vốn. Cụ thể, tổng cầu trên cả hai sàn đạt 804,25 triệu CK, tăng 37% so với tuần trước và đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Trong đó, khối lượng mua tại sàn HoSE tăng 42%. Sức cầu tăng cao là biểu hiện rõ nhất tổng lượng tiền chấp nhận mua đã tăng lên. Ngoài ra, lượng tiền thực mua thành công tuần qua trên cả hai sàn cũng tăng 36%, đạt 17.612,7 tỉ đồng, cao nhất trong 9 tuần liên tiếp.
Hồ hởi dòng vốn mới
Theo khảo sát sơ bộ tại một số CTCK ở Hà Nội, tuần qua khá nhiều NĐT mới mở thêm tài khoản và đáng chú ý hơn là lượng vốn nạp thêm vào các tài khoản cũ cũng tăng lên. “Nhiều tài khoản “ngủ” khá lâu bỗng nhiên cuối tuần lại gọi điện hỏi han tình hình”, môi giới của một CTCK trên phố Kim Mã cho biết.
Tin từ CTCK FPT cũng xác nhận đầu tư CK đang trở thành kênh thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư. Số lượng NĐT mới mở tài khoản tại các CTCK đang tăng nhanh, trung bình tăng khoảng 100% so với tháng 2. Chính lực lượng NĐT này tạo cầu không nhỏ cho thị trường.
Theo thông báo của VNDirect, Cty bắt đầu chính thức nối lại sản phẩm cầm cố CK với hai NH là BIDV và An Bình. Lãi suất cầm cố của cả hai ngân hàng này đều là 12%. Với BIDV phí dịch vụ được tính 0,5%/hợp đồng và giá trị tối thiểu 4.000.000đ/hợp đồng. Thời gian cầm cố tối thiểu 1 tháng. Với dịch vụ của An Bình, phí thu 6%/năm (thu hàng tháng) và mức cho vay tối đa là 50% thị giá. Dịch vụ tương tự cũng bắt đầu nóng lên ở nhiều CTCK khác.
Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ tăng mạnh trong tháng 3 này theo quy luật hàng năm. Phân tích của CTCK Vincom cho rằng CPI trong tháng 3 có thể tăng hơn 1% nhưng từ tháng 4 trở đi sẽ điều chỉnh theo chiều hướng đi xuống và cán cân xuất nhập khẩu sẽ tốt hơn trong các tháng tiếp theo sau động thái giảm giá tiền đồng của Chính phủ. Nguồn vốn các ngân hàng sẽ không thể cải thiện một cách nhanh chóng nhưng các ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh cho vay ra.
Khảo sát cho thấy các sản phẩm cho vay vốn lưu động với lãi suất từ 12% tới 13% (nếu vay 15 tháng mới tăng lên 14% - 15%). Ngoài ra các tổ chức tín dụng và ngân hàng liên tục chào mời các sản phẩm tín dụng mới ra thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn hơn trong các tháng tiếp theo.
Khối lượng giao dịch tăng cao trong bối cảnh thị trường phục hồi thường tạo cảm giác bất an về khả năng xả hàng tại đỉnh. Thực tế khối lượng chỉ tăng lên một cách đáng kể trong khoảng 7 phiên gần đây khi VN-Index vượt qua ngưỡng 500 điểm, tương đương mức tăng hơn 6%. Trước đó khi thị trường chạm đáy 470 điểm và trong suốt hành trình phục hồi lên 500 điểm, khối lượng giao dịch rất thấp, biểu hiện của sự nghi ngờ lan rộng.
“Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng này khá bền vững và chưa thấy dấu hiệu của sự tăng trưởng nóng. Đang có sự luân chuyển giữa các nhóm ngành, các nhóm Cty khác nhau khiến cho không xuất hiện CP nào tăng nóng trên toàn thị trường. Cứ sau mỗi chu kỳ tăng giá ở một nhóm CP nào đó lại xuất hiện một vài phiên điều chỉnh nhẹ và lình sình. Diễn biến đó dần mang lại mặt bằng giá mới cho tất cả các cổ phiếu trên thị trường” - CTCK FPT nhận xét.
Các chuyên gia phân tích của HSC cũng cho rằng, với một đợt phục hồi trong đó việc tăng giá diễn ra đồng đều ở nhiều mã cổ phiếu thì đợt tăng này có vẻ khá vững - nếu không muốn nói là khá thận trọng. Mức tăng CPI theo tháng từ 1% đến 1,5% sẽ được đón nhận một cách tích cực nhưng vẫn chưa có tác động nhiều so với việc mức tăng này chỉ đạt dưới 1%. NHNN có thể sẽ có thái độ nới lỏng hơn đối với chính sách tiền tệ. Nếu kỳ vọng rằng điều này sẽ xảy ra thì NĐT sẽ có nhiều việc phải làm trong tuần sau.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com