Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

DN niêm yết trên TTCK, thuận lợi và trăn trở

Trong chuyến khảo sát tại một số DN tiêu biểu trên HNX, phóng viên đã nhận được nhiều ý kiến, khiến nghị và trăn trở của các DN với cơ quan quản lý và cơ quan truyền thông.

Tính đến thời điểm này, Sở GDCK Hà Nội (HNX) hiện có 372 DN niêm yết. Sau khi niêm yết, phần lớn DN duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, quảng bá thương hiệu tốt, huy động được vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Trong chuyến khảo sát tại một số DN tiêu biểu trên sàn này, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến, khiến nghị và trăn trở của các DN với cơ quan quản lý và cơ quan truyền thông. Xin trích đăng các ý kiến trong chuyến khảo sát này.

Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB)


HBB khi quyết định niêm yết không nhằm mục đích huy động vốn, mà chủ yếu nhằm tăng tính minh bạch cho DN. Cùng với đó, việc niêm yết sẽ tạo điều kiện tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, đó là điều mà các cổ đông mong muốn.

Qua việc niêm yết, chúng tôi rất hài lòng về những kết quả đạt được. HBB là 1 trong 5 DN có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HNX, nhiều NĐT quan tâm và muốn trở thành cổ đông dài hạn của Ngân hàng. Cổ phiếu HBB cũng là một trong những mã có tính thanh khoản cao.

Về nghĩa vụ của một DN niêm yết, HBB thực sự không cảm thấy đó là áp lực, vì bản thân HBB cũng như các ngân hàng khác đã phải thực hiện việc báo cáo, công bố thông tin theo yêu cầu của một ngân hàng thương mại. Lên sàn, HBB phải công bố thông tin nhiều hơn, nhưng chúng tôi xác định đó là cách thể hiện trách nhiệm với cổ đông, với thị trường và vì vậy chúng tôi luôn có thái độ hợp tác để làm tốt công tác này.

HBB là một trong những DN mới lên sàn, có nhiều thứ còn bỡ ngỡ, mong HNX và Báo ĐTCK thường xuyên phối hợp để tổ chức các diễn đàn, các buổi hướng dẫn công bố thông tin để những DN niêm yết mới nhanh chóng nắm bắt được những quy định pháp lý, từ đó thực hiện tốt hơn nghĩa vụ của một DN niêm yết. Một vấn đề nữa liên quan đến việc tổ chức ĐHCĐ.

Sau hơn 1 tháng niêm yết, số cổ đông của HBB đã tăng lên gấp đôi (gần 7.000 cổ đông), nên công tác tổ chức ĐHCĐ với mức tham dự theo quy định là 65% trong lần triệu tập đầu tiên là rất khó khăn. Làm thế nào để DN niêm yết có thể dễ dàng hơn trong việc tổ chức đại hội là điều mà chúng tôi mong muốn UBCK, HNX và các cơ quan liên quan nghiên cứu để hỗ trợ DN.

Năm 2010, nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, thị trường tài chính - tiền tệ có nhiều biến động khó lường, nhất là những cú sốc về lãi suất xảy ra vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, HBB luôn cố gắng để thực hiện kế hoạch đề ra. Với HBB - một ngân hàng có quy mô trung bình - chúng tôi dự kiến năm 2011, tốc độ tăng trưởng quanh mức 30%.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch CTCP Tasco (HUT)

Tasco thực hiện CPH vào năm 2000, bắt đầu hoạt động theo hình thức CTCP từ năm 2011. Trước khi lên sàn, quy mô của DN rất nhỏ, không mấy người biết đến. Khi đó, chúng tôi còn ở Nam Định nên áp lực cạnh tranh thấp, điều kiện phát triển còn hạn chế.

Chính vì vốn thấp, lại hoạt động trong ngành xây dựng, nên DN mong muốn lên sàn càng sớm càng tốt để có điều kiện nâng cao năng lực tài chính. Sau khi niêm yết, cái được lớn nhất với Tasco là được các cổ đông đánh giá đúng về Công ty. DN có điều kiện thu hút NĐT mà đây thực chất là kênh dẫn vốn cho DN. Từ vốn ban đầu 55 tỷ đồng, hiện vốn điều lệ của Tasco gần 350 tỷ đồng. Sang năm 2012, khi trái phiếu chuyển đổi được chuyển thành cổ phiếu, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng lên 500 tỷ đồng.

Việc lên sàn đã mang lại cho DN nhiều thuận lợi, nhưng trách nhiệm với cổ đông cũng rất lớn. NĐT gửi gắm tiền bạc, niềm tin vào DN, DN phải làm gì để xứng đáng với cổ đông, giữ được niềm tin với NĐT, với thị trường. Vì thế, chúng tôi một mặt cố gắng làm ăn tốt, mặt khác thực hiện nghiêm các quy định trên TTCK.

Quy định công bố thông tin và những quy chuẩn về báo cáo trên TTCK lúc đầu là áp lực, nhưng sau đó khi làm quen rồi thì chúng tôi thấy rất hay, rất tốt cho DN trong việc quản trị. Nguyên tắc số 1 của CTCP, dù niêm yết hay chưa, đều là tính minh bạch. Nếu không minh bạch thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài, bền vững được. Tasco không chỉ xây dựng cho Công ty, mà với các công ty con, chúng tôi cũng làm theo cách đó.

Lúc mới niêm yết, quy mô và điều kiện của Tasco phù hợp với sàn HNX, nhưng từ khi lên sàn đến nay, chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc thay đổi nơi niêm yết. Tôi không nhìn thấy sự khác biệt nào giữa 2 sàn niêm yết, mà tôi cho rằng, sự khác biệt là ở chính mình, chính DN phải tạo ra sự hấp dẫn và khác biệt cho mình.

Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP)


Có thể nói, trước khi lên niêm yết, NTP đã là DN tốt, có sức cạnh tranh và thương hiệu mạnh trên thị trường. Việc CPH và lên niêm yết như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Thông qua TTCK, chúng tôi tăng năng lực tài chính, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và đưa DN lên vị thế mới.

Điều đó thể hiện ở kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng mạnh qua mỗi năm. Năm 2010, tổng doanh thu của NTP ước đạt 1.930 tỷ đồng, bằng 129% so với năm 2009; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 907 tỷ đồng, bằng 122% so với năm 2009; lợi nhuận trước thuế ước đạt 350 tỷ đồng. Năm 2011, Công ty đặt mục tiêu doanh thu khoảng 2.130 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 360,5 tỷ đồng.

Hiện chúng tôi đang xây dựng nhà máy mới trên diện tích 13,5 héc-ta. Khi xây dựng xong nhà máy mới, NTP sẽ xin phép chuyển mục đích sử dụng đất tại nhà máy cũ để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Việc di chuyển nhà máy đang được thực hiện, nhưng Công ty vẫn duy trì sản xuất nhằm đảm bảo hàng hóa giao đầy đủ cho khách hàng.

Việc niêm yết mang lại nhiều thuận lợi cho DN, nhưng cũng có một số khó khăn. Chẳng hạn, quy định hiện tại khi họp ĐHCĐ phải có số cổ đông đại diện đủ 65% vốn điều lệ DN. Với số cổ đông nằm dàn trải trên cả nước thì quy định này rất khó thực hiện được. Tôi cho rằng, chỉ cần tối thiểu 51% là đủ.

Quy định về xin ý kiến cổ đông bằng văn bản cũng cần được xem xét lại. Trước đây, trong thư xin ý kiến, DN có thể ghi chú "nếu cổ đông không gửi ý kiến về công ty đồng nghĩa với việc đồng tình với vấn đề DN đưa ra". Tuy nhiên, mới đây cơ quan quản lý đã "tuýt còi" vấn đề này, khiến DN gặp khó khăn trong việc xin ý kiến cổ đông, vì NĐT hiện tại phần lớn là đầu tư ngắn hạn, ít quan tâm đến việc phát triển công ty và thường không gửi ý kiến về DN. Một vấn đề nữa liên quan đến việc lựa chọn sàn niêm yết.

Theo quy định, DN có vốn dưới 80 tỷ đồng phải chuyển từ HOSE sang HNX. Nhưng DN có vốn trên 80 tỷ đồng không nhất thiết phải chuyển từ HNX sang HOSE, việc lựa chọn niêm yết ở đâu là quyền của DN. Mặc dù không có quy định buộc DN có vốn trên 80 tỷ phải chuyển từ HNX sang HOSE, nhưng tôi nghĩ cần có quy định cụ thể để DN yên tâm.

Ông Vũ Quý Hà, Phó tổng giám đốc Vinaconex


Năm 2008, khi chúng tôi thực hiện lên sàn, lợi ích của việc chọn lên sàn nào thực sự không rõ lắm. Chúng tôi chọn sàn HNX vì sự thuận lợi về địa lý và đặc biệt là vào năm 2007, thông qua HNX, việc IPO Vinaconex đã được tổ chức rất thành công. Đó là một ấn tượng lớn với Ban lãnh đạo Vinaconex và vì thế không chỉ Vinaconex, các công ty con của chúng tôi cũng sẽ chọn niêm yết trên sàn Hà Nội lâu dài.

Chúng tôi chọn lựa niêm yết trên tiêu chí sự thuận lợi trong giao dịch, sự dễ dàng trong đối thoại, giao tiếp và quan trọng nhất là đội ngũ lãnh đạo sàn thực sự đã tạo dựng được niềm tin với DN chúng tôi.

Tác động đầu tiên đến Vinaconex khi gia nhập TTCK là vấn đề quản trị. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp, nhưng với yêu cầu của UBCK là DN niêm yết phải công bố báo cáo tài chính hàng quý đã là một chế tài ép tất cả các đơn vị thuộc Tổng công ty phải thực hiện đúng, từ đó năng lực quản trị tài chính, quản trị Công ty được nâng lên rất nhiều.

Điểm thứ hai chúng tôi cảm nhận được là gia nhập TTCK thực sự tạo áp lực mới cho đội ngũ lãnh đạo trong việc ra các quyết sách, thiết thực và hiệu quả cho Công ty. Và thứ ba, từ khi lên sàn đến nay, năm nào Vinaconex cũng phát triển vượt kế hoạch, các chỉ tiêu tài chính tăng từ 25-30%.

TTCK thực sự là kênh huy động vốn rất tốt cho Công ty, cụ thể, khi mới lên sàn, vốn điều lệ của Vinaconex là 1.500 tỷ đồng, còn hiện nay đã là 3.000 tỷ đồng. Sang năm 2011, chúng tôi dự kiến sẽ tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động của Vinaconex.
 
Ông Trần Ngọc Lan, Chủ tịch CTCP Sông Đà 10 (SDT)

SDT là DN thành viên của Tập đoàn Sông Đà, có lịch sử hình thành và hoạt động gần 30 năm và hiện có tới gần 3.000 cán bộ, công nhân viên. Từ 1/1/2006, Công ty hoạt động theo mô hình CTCP, với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng.

Sau 5 năm niêm yết trên HNX, vốn điều lệ của SDT đã tăng lên 117 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng từ 65 tỷ đồng khi mới cổ phần hóa lên mức 429 tỷ đồng hiện nay. Sở dĩ vốn chủ sở hữu cao gấp gần 4 lần vốn điều lệ là do Công ty có nguồn thặng dư vốn (127 tỷ đồng) từ việc phát hành cổ phiếu và liên tục giữ lại một phần lợi nhuận hàng năm.

Về hiệu quả kinh doanh, 5 năm niêm yết, SDT tăng trưởng trung bình 17,4%/năm, điều này đã cho thấy sự tăng trưởng và hiệu quả của DN. Việc niêm yết trên TTCK thực sự không tạo áp lực nào đáng kể với chúng tôi, ngoài việc làm sao có lợi nhuận để duy trì tỷ lệ trả cổ tức cho cổ đông. Điều này đòi hỏi Công ty phải năng động, sáng tạo, phải quản lý sản xuất - kinh doanh thật tốt mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của cổ đông.

Chúng tôi cho rằng, các nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đối với một DN niêm yết là điều cần thiết để các cổ đông hiểu về DN. Tuy nhiên, quy định về công bố thông tin cũng có những điểm ngặt nghèo, ví dụ thời gian bắt buộc phải báo cáo quý là ngày 25 của tháng tiếp theo. Đối với một DN hoạt động trải khắp cả nước và sang cả nước bạn Lào như chúng tôi thì thời gian 25 ngày phải hoàn tất các báo cáo hợp nhất từ tất cả các đơn vị để có được báo cáo tổng thể là khá khó khăn.

Một vấn đề nữa là thời gian xem xét hồ sơ xin phát hành của DN cũng còn khá dài, điều này nhiều khi làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Tôi cũng mong thời gian xin niêm yết và niêm yết bổ sung được rút ngắn hơn, thời gian chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản ngắn hơn để DN và cổ đông không phải chờ đợi quá lâu những nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này.

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vicostone


CTCP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (Vicostone) thành lập năm 2002. Những năm đầu hoạt động Vicostone đã gặp rất nhiều khó khăn về định hướng chiến lược phát triển Công ty và về vốn. Đến tháng 9/2004, sau khi xác định lấy thị trường xuất khẩu là thị trường chính, Vicostone lại không thể huy động vốn từ ngân hàng, nên chúng tôi nghĩ đến phương án cổ phần hóa.

Việc cổ phần hóa là rất khó khăn, vì Nhà máy  lúc đó gần như là phá sản. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Tổng công ty, đến ngày 30/12/2004 Vicostone cổ phần hóa xong và tháng 6/2005 thì chính thức đi vào hoạt động. Năm 2007, Công ty bắt đầu xuất khẩu được sản phẩm và có lãi.

Với tăng trưởng khả quan như vậy, chúng tôi đã quyết định đưa Vicostone lên niêm yết trên HNX. Khi niêm yết, Công ty hướng đến 2 mục đích, thứ nhất là sự minh bạch và thứ hai là để tiếp cận với kênh huy động vốn mới ngoài ngân hàng.

Sau khi lên sàn, việc huy động vốn của Vicostone rất thuận lợi, một phần do điều kiện khách quan của TTCK lúc đó, phần khác do Công ty kinh doanh có triển vọng, có sản phẩm độc đáo, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Công ty đã thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, phát hành trái phiếu chuyển đổi… với tổng số tiền huy động được từ khi lên sàn đến nay là trên 570 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, việc đầu tư mở rộng và đầu tư chiều sâu của Công ty rất thuận lợi.

Sản phẩm của Vicostone chủ yếu là xuất khẩu, nên chúng tôi hầu như không phải chịu ảnh hưởng của việc lãi suất ngân hàng tăng cao. Nếu năm 2007, Công ty đạt 41 tỷ đồng lợi nhuận thì năm 2008 là 75 tỷ đồng, 2009 là 93 tỷ đồng và 2010 dự kiến từ 113-115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

TTCK thực sự đã mang lại những giá trị lớn cho DN chúng tôi và điều chúng tôi mong mỏi là UBCK, Sở GDCK Hà Nội làm sao để những cổ phiếu tốt trên sàn thực sự được đánh giá đúng giá trị nội tại.

Ông Nguyễn Văn Đức, Tổng giám đốc CTCP Hóa dầu Petrolimex (PLC)

PLC được CPH năm 2003 và lên sàn tháng 12/2006. Chúng tôi quyết định lên sàn đồng nghĩa với việc quyết định minh bạch hóa hoạt động. Việc chọn niêm yết tại HNX lúc bấy giờ là vì phù hợp với các điều kiện nội tại của Công ty. Mục tiêu của Công ty lên sàn là để tăng vốn điều lệ theo các phương thức khác nhau, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh.

Vào thời điểm năm 2006, việc tăng vốn đối với một DN gốc nhà nước mới CPH là rất khó khăn. Chúng tôi đã nỗ lực thực hiện đấu giá cổ phần ra công chúng, nhưng sau 2 lần đấu giá, lượng cổ phần bán được cũng chỉ đạt 10% lượng bán ra.

Đấu giá cổ phần không thành công, nhưng chúng tôi không buồn, bởi đó không phải là con đường duy nhất để tăng vốn. Khi thực hiện đấu giá, chúng tôi phải công khai thông tin, chính việc công khai này đã được sự ủng hộ của các nhà cung ứng vốn, đặc biệt là Vietcombank. Sự ủng hộ của các ngân hàng đã giúp chúng tôi có nguồn lực tài chính, gia tăng năng lực cạnh tranh và liên tục tăng trưởng.

Khi tham gia niêm yết, chúng tôi hiểu rằng, mình phải thuyết phục cổ đông, thuyết phục NĐT bằng những con số tăng trưởng thực tế tại DN. Chính áp lực này đã buộc chúng tôi phải động viên mọi nguồn nội lực để vươn lên, để phát triển.

Về phía cơ quan quản lý, UBCK, HNX cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong những giai đoạn đầu. Sau đó, việc tuân thủ các quy định với một DN niêm yết ngày càng được thắt chặt và điều này đã giúp PLC cũng như các DN niêm yết khác nâng cao chất lượng quản lý. Bản thân PLC cũng phấn đấu, tự giác đưa mình vào khuôn khổ của sự minh bạch, từ đó hình ảnh DN dần được xã hội chấp thuận.

Sau khi lên sàn, Công ty không chỉ phát huy được nội lực, mà còn tận dụng được những lợi thế về môi trường kinh doanh minh bạch để tổ chức kinh doanh hiệu quả hơn. Thực tế, từ khi niêm yết đến nay, vốn điều lệ của Công ty đã tăng từ 150 tỷ đồng lên 351 tỷ đồng, chủ yếu bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng và trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Dabaco Việt Nam (DBC)


DBC tham gia TTCK từ tháng 3/2008. Bên cạnh những lợi ích từ việc niêm yết cổ phiếu như tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn thông qua phát hành chứng khoán, quảng bá thương hiệu và uy tín Công ty, tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu, thì khi niêm yết chúng tôi gặp một số khó khăn như áp lực đối với ban lãnh đạo Công ty về kết quả sản xuất - kinh doanh do luôn phải chịu giám sát của các cổ đông, cơ quan quản lý và xã hội.

 Bên cạnh đó là áp lực nâng cao hiệu quả hoạt động để nhằm duy trì và tăng giá cổ phiếu trên TTCK. Quản lý cổ đông có những khó khăn do việc giao dịch chứng khoán khiến cơ cấu cổ đông thường xuyên thay đổi.

Cổ phiếu DBC có tính thanh khoản cao nên cổ đông càng có nhiều biến động. DN chịu nhiều nghĩa vụ công bố thông tin và các ràng buộc khác như thông tin về số lượng cổ phiếu do cổ đông nội bộ nắm giữ, tình hình tài chính, định hướng, chiến lược phát triển… đòi hỏi phải có nguồn lực về tài chính và con người. Mặt khác, chính việc công bố thông tin này đôi khi gây ra bất lợi cho DN, do đối thủ cạnh tranh nắm được thông tin.

Qua thực tiễn hoạt động, chúng tôi kiến nghị cơ quan quản lý cải tiến thủ tục hồ sơ, rút ngắn thời gian xin cấp các loại giấy phép (chào bán chứng khoán, niêm yết, lưu ký chứng khoán) nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian, tiền bạc, cơ hội của DN. Hai là UBCK và HNX có kế hoạch hỗ trợ các DN trong việc đào tạo kiến thức, kỹ năng về quản trị công ty. Ba là, đối với cơ quan truyền thông, khi công bố thông tin về DN niêm yết phải đảm bảo chính xác, chính thống, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của DN cũng như giá giao dịch cổ phiếu.

Ông Vũ Tuấn Dương, Giám đốc CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP)

Việc niêm yết cổ phiếu mang lại thuận lợi cho DN là chủ yếu. Không chỉ quảng bá thương hiệu tốt trong nước, mà cả khách hàng và NĐT nước ngoài cũng biết đến. Việc niêm yết giúp DN huy động vốn thuận lợi, nhưng cũng là sức ép để DN làm ăn tốt hơn.

Năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cũng vượt khá xa so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2010, DXP đạt 4,4 triệu tấn hàng hóa bốc xếp, tổng doanh thu đạt 195 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. DXP đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 35%, lợi nhuận còn lại sẽ được xin ý kiến chia tiếp tại ĐHCĐ năm 2011. Năm 2011, DXP dự kiến kế hoạch sản lượng 4 triệu tấn, doanh thu 150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 52 tỷ đồng.

Chúng tôi cũng nhận thấy có một số khó khăn khi niêm yết. Một là yêu cầu công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ, điều này tốt cho cổ đông nhưng với DN thì khó khăn. Nếu rơi vào ngày nghỉ, lễ tết thì hầu như không thực hiện được, tôi cho rằng cần nâng lên là 72 giờ.

Thứ hai, DN lên niêm yết ngày càng nhiều, văn bản càng nhiều, HNX cần tập huấn cho các DN để nắm bắt các chính sách kịp thời để thực hiện đúng. Cần điều chỉnh thời gian nộp báo cáo quý IV và cả năm (do phải hợp nhất) để DN có điều kiện chuẩn bị tốt hơn.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian cấp phép huy động vốn
  • Bật tăng trở lại, Uc-Index đạt 44,77 điểm phiên sáng nay
  • Lực đỡ từ BCs đẩy VN-Index cán mốc 510 điểm
  • Index nhìn từ chu kỳ trước Tết
  • Ẩn số sức cầu năm 2011
  • Mở phiên tiếp đà ghi điểm, VN-Index vượt mốc 510
  • Hướng dẫn chuyển quyền sở hữu qua hệ thống của VSD đối với chào mua công khai
  • Sàn chứng khoán năm nay sẽ ngập tiếng cười?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!