Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dòng tiền vào chứng khoán có thể được khai thông

 Việc ngân hàng nhà nước giữ lãi suất cơ bản và cho phép cho vay với lãi suất thỏa thuận được các công ty chứng khoán nhận định sẽ tác động tích cực đến thị trường. Vn-Index được dự báo tăng điểm trong tuần này.

Công ty chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS)

Một số mặt hàng bắt đầu tăng giá từ tháng 3, khiến một số nhà đầu tư thận trọng. Ngoài ra, những khó khăn của một số nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hay EU cũng là điều đáng quan tâm đối với nhà đầu tư nội. Tuần qua cũng là tuần đầu tiên khối ngoại bán ròng với giá trị trên 100 tỷ. Tuy nhiên, động thái này được hiểu là hiện tượng chốt lời và cơ cấu lại danh mục, sau thời gian dài mua ròng liên tiếp của khối này.

Hiện tại, các thông tin liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh năm 2009 của các doanh nghiệp đã được công bố hết. Do đó, các thông tin về kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp niêm yết; chia cổ tức; thưởng, phát hành thêm sẽ là là những yếu tố hỗ trợ cho sự gia tăng lực cầu ở một số mã chứng khoán nhất định.

Ngoài ra, thanh khoản toàn thị trường có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Một số thông tin khá tốt của thị trường tiền tệ: lãi suất cơ bản tháng 3 tiếp tục được giữ nguyên, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND, lãi suất liên ngân hàng cũng như lãi suất tiền gửi bằng VND đang có dấu hiện giảm.

Về mặt kỹ thuật, Vn-Index đã giảm điểm khá mạnh trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, nhưng vẫn đang vận động trong kênh giá tăng. Với hai phiên tăng điểm cuối tuần, khả năng tăng điểm ngắn hạn cho Vn-Index mở ra. Tuy nhiên, Vn-Index vẫn chuyển động trong vùng bands hẹp của dải Bollinger bands. Do đó, nhà đầu tư nên chờ đợi dấu hiệu về sự mở rộng Bollinger bands và sự tăng lên của thanh khoản thị trường để chắc chắn hơn về xu hướng tăng điểm của Vn-Index.

Dự báo, phiên giao dịch tuần này, nhiều khả năng Vn-Index sẽ chuyển động trong vùng 490-508 điểm, thanh khoản gia tăng.

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Thị trường chứng khoán thế giới đã tăng điểm trở lại trong tháng 2 và đây cũng là tháng tăng điểm mạnh nhất trong 3 tháng gần đây, sau những phản ứng thái quá ở tháng 1. Trong tháng 3, khi mà kỳ vọng vào các số liệu kinh tế vĩ mô ở mức thấp và ít khả năng sẽ có biến động lớn về chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn, sẽ có cơ hội để các chỉ số của thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm.

Ở Việt Nam, các kết quả về GDP cũng như kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trong quý I, kết quả lạm phát và phản ứng của chính sách tiền tê, diễn biến thị trường tiền tệ sẽ có ảnh hưởng lớn đến xu thế thị trường trong tháng 3. Hành động của nhà đầu tư nước ngoài với tác động của kỳ chốt NAV vào cuối quý I cũng có thể có tác động nhất định.

Những rủi ro trước mắt trong tháng 3 không ít bởi những tín hiệu chưa rõ ràng trong yếu tố vĩ mô. Thị trường sẽ khó có những đợt lên điểm dài và liên tục như cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên khả năng giảm sâu cũng khó xảy ra. Trong hoàn cảnh này, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ tiền mặt và cổ phiếu ở mức cân bằng. Những phiên điều chỉnh, đặc biệt những phiên điều chỉnh sâu là cơ hội để tăng tỷ trọng cổ phiếu và sau đó chốt lời với mức sinh lời kỳ vọng vừa phải để trở về trạng thái cân bằng. Nhà đầu tư cũng nên thận trọng với những tin đồn hay mua vào ở vùng giá cao bởi sẽ gặp nhiều rủi ro T+4.

Về kỹ thuật, khi tiệm cận sát với đường hỗ trợ xu hướng, Vn-Index đứng trước nguy cơ hình thành xu thế giảm về trung hạn. Hiện tại, thị trường vẫn được nâng đỡ, chưa phá vỡ đường hỗ trợ xu hướng và thị trường vẫn còn đôi chút kỳ vọng sẽ hồi phục lên trên mức hỗ trợ này. Chấp nhận rủi ro và duy trì sự cân bằng của danh mục sẽ khiến cho một số nhà đầu tư tiếp tục mua vào để kỳ vọng cho sự tăng giá và bán ra khi đạt mức kỳ vọng.

Chứng khoán tuần này có thể sẽ hồi phục nhẹ trở lại vào 1 đến 2 phiên đầu tuần, men theo đường hỗ trợ xu hướng và sau đó bên bán nhiều khả năng sẽ lại ra tăng mạnh thêm một lần nữa. Đối với nhà đầu tư ngắn hạn và lướt sóng nên thận trọng, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính và cân bằng tỷ lệ tiền mặt, cổ phiếu ở mức hợp lý

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Thị trường chứng khoán Việt Nam có một tuần giao dịch tương đối giằng co với biên độ hẹp. Vn-Index đóng cửa cuối tuần giảm gần 2% so với phiên đóng cửa tuần trước. Thị trường đang có những dấu hiệu của sự hồi phục cả về mặt điểm số cũng như tính thanh khoản. Hiện thị trường được dẫn dắt bởi các blue-chip vốn hóa lớn như VNM, BVH, CTG, VCB... và biến động của những cổ phiếu này được phản ánh rõ nét lên xu hướng của Vn-Index.

Khá nhiều thông tin vĩ mô được công bố trong tuần qua như chỉ số CPI tháng 2 cả nước (tăng 1,96%), giữ nguyên lãi suất cơ bản (8%), cho phép ngân hàng được áp dụng mức lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn… Tuy nhiên khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ được cải thiện nhẹ và Vn-Index cũng ít có biến động do tâm lý nhà đầu tư tỏ ra nghi ngại khi khả năng thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới vẫn bị bỏ ngỏ.

Diễn biến giao dịch của nhà đầu tư ngoại trong tuần qua được đẩy mạnh khi tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư ngoại chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Trước sự lo ngại về CPI của Việt Nam tiếp tục tăng cao, một bộ phận các nhà đầu tư ngoại đã đẩy mạnh bán ra trong tuần qua khá nhiều blue-chip đã được mua mạnh trong đợt trước như DPM, HAG, ITA... Tuy nhiên, họ vẫn duy trì lượng mua vào khá ổn định và tập trung phần lớn vào các mã cổ phiếu ngành tài chính. Điều này cho thấy đã có một sự phân hóa trong chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như xu hướng thay đổi cơ cấu ngành trong danh mục đầu tư của họ.

Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng áp dụng lãi suất thỏa thuận với các khoản vay trung và dài hạn sẽ góp phần khơi thông kênh tín dụng bị thắt chặt trong thời gian qua, khi các mức lãi suất đầu ra được hợp thức hóa và được áp dụng bình đẳng đối với toàn hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, vấn đề nguồn tiền của hệ thống ngân hàng cũng đã bắt đầu cho những tín hiệu cải thiện khi một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn bắt đầu có động thái giảm các mức lãi suất huy động xuống dưới trần 10,5%. Nếu các ngân hàng duy trì được độ chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra ở mức xấp xỉ từ 4% đến 5% như trên thực tế hiện nay, ngành ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi về kết quả kinh doanh và đây có thể được xem là một cơ hội đầu tư tiềm năng cho các nhà đầu tư trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, với việc tăng giá than, giá điện, giá xăng làm tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn trong vấn đề duy trì tốc độ tăng trưởng. Đây cũng là một yếu tố mà Chính phủ phải tính đến trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay. Khả năng thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới nhằm kiểm soát lạm phát cũng sẽ ở mức độ thấp và được thực hiện một cách từ từ.

Đối với diễn biến thị trường trong tuần này, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục chịu tác động bởi những động thái của nhà đầu tư ngoại và chịu sự ảnh hưởng chung của diễn biến thị trường thế giới. Những tín hiệu không mấy khả quan về tình hình lạm phát có thể sẽ khiến nhà đầu tư ngoại phần nào thận trọng hơn đối với thị trường Việt Nam. Song cũng không bi quan bởi nền kinh tế nhìn chung vẫn đang duy trì được đà hồi phục khá ổn định, dòng tiền của hệ thống ngân hàng được khơi thông hơn. Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nắm giữ danh mục trong thời gian tới và hướng tới mục đích đầu tư trung, dài hạn.

Công ty chứng khoán VnDirect

Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua một tuần với nhiều sự kiện đáng ghi nhớ. Phiên đầu tiên năm Canh Dần đã không thể bứt phá mặc dù được hỗ trợ bởi 1 tuần tăng điểm mạnh của chứng khoán thế giới và tâm lý lạc quan sau kỳ nghỉ lễ dài làm gián đoạn 3 ngày tăng điểm liên tiếp trước đó của Vn-Index và HNX-Index .

Đến phiên ngày thứ 3, Vn-Index giảm điểm mạnh do tin tăng giá điện 6,8% và chỉ số CPI tháng 2 của Hà Nội tăng 2,6%. Hai ngày cuối tuần chứng kiến sự phục hồi nhẹ khi xuất hiện các tin tức hỗ trợ tích cực như nhập siêu giảm tháng thứ 3 liên tục và ngân hàng nhà nước giữ nguyên lãi suất cơ bản. Mặc dù có đến 3 ngày tăng điểm nhưng Vn-Index vẫn mất tới 10,09 điểm (-1,99 %) kết thúc tuần tại 496,91 điểm.

Thị trường hiện nay có nhiều tín hiệu tích cực, hỗ trợ cho một tuần tăng điểm. Thứ nhất việc Vn-Index tạo đáy trong tuần ở mức trên 490 điểm một lần nữa xác định kênh xu hướng tăng giá trong suốt 3 tuần vừa qua.

Tiếp đến là khối lượng giao dịch tăng so với tuần trước với 126,124,816 đơn vị (tăng 29,664,656 đơn vị tương đương 30,75%). Đặc biệt trong hai ngày cuối tuần, dòng tiền dường như đã bắt đầu quay trở lại với số lượng lệnh mua tăng mạnh vào cuối phiên. Có thể coi tháng hai là thời gian tích lũy của các cổ phiếu chờ các thông tin hỗ trợ để bứt phá.

Thứ ba việc ngân hàng nhà nước giữ nguyên lãi suất cơ bản và cho phép các ngân hàng cho vay với lãi suất thỏa thuận cũng là một yếu tố giúp khơi thông dòng tiền tín dụng.

Các nhà đầu tư nên tiếp tục mua vào tăng tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ với mục tiêu trong tuần là mốc 517 điểm của Vn-Index.

* Bản tin do các CTCK cung cấp và chỉ mang tính tham khảo

 

(VnExpress)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!