Quay cuồng với cuộc đua tăng vốn điều lệ, nhiều ngân hàng đang ấp ủ kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) trong năm 2010, với kỳ vọng huy động được nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Song với diễn biến thị trường còn nhiều khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng chưa lấy lại được sức hút đối với nhà đầu tư thì việc phát hành TPCĐ cũng không dễ thành công.
Lượng lớn TPCĐ dành cho cổ đông...
ĐHCĐ của Habubank vừa thông qua kế hoạch phát hành 1.050 tỷ đồng TPCĐ trong 6 tháng cuối năm 2010. Thời hạn chuyển đổi trái phiếu là 1 năm kể từ ngày phát hành. Tỷ lệ chuyển đổi 1: 10. Lãi suất trái phiếu được ủy quyền cho HĐQT quyết định mức lãi suất phù hợp với thị trường theo quy định của NHNN Việt Nam.
Habubank dành toàn bộ 10,5 triệu TPCĐ (tương đương 1.050 tỷ đồng mệnh giá) cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ cổ phần sở hữu tương ứng tại thời điểm chốt danh sách cổ đông, với giá bằng mệnh giá (100.000 đồng/TPCĐ). Với 1.050 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành TPCĐ này, Habubank dự kiến bổ sung vốn kinh doanh khoảng 70% (tương đương 735 tỷ đồng); đầu trực tiếp hoặc góp vốn liên doanh liên kết khoảng 10% (tương đương 105 tỷ đồng); đầu tư cơ sở vật chất khoảng 20% (tương đương 210 tỷ đồng). Bên cạnh kế hoạch phát hành TPCĐ, ĐHCĐ Habubank còn thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong quý III hoặc quý IV/2010. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Habubank đặt ra cho cả năm nay là đạt 650 - 690 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả cho cổ đông từ 12-15%.
Techcombank cho biết, xuất phát từ nhu cầu về nguồn vốn và căn cứ các chỉ tiêu kế hoạch năm 2010 cũng như những năm tiếp theo, HĐQT Ngân hàng đã xây dựng và sẽ trình cổ đông phương án phát hành 30 triệu TPCĐ thời hạn 10 năm (tương đương 3.000 tỷ đồng mệnh giá 100.000 đồng) trong kỳ họp ĐHCĐ diễn ra ngày 28/3 tới. Theo đó, sau 5 năm kể từ ngày phát hành, số trái phiếu này sẽ được quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Trường hợp trái chủ không thực hiện quyền chuyển đổi, trái phiếu sẽ trở thành trái phiếu dài hạn (không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu) và trái chủ tiếp tục được hưởng lãi suất hàng năm.
Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu tại thời điểm HĐQT chốt danh sách cổ đông trước khi phát hành. Tỷ lệ phân phối tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hiện hữu. Trong 5 năm đầu tiên (từ năm thứ 1 đến năm thứ 5), lãi suất trái phiếu dự kiến là 1%/năm. 5 năm tiếp theo (từ năm thứ 6 đến năm thứ 10), dự kiến là 12%/năm.
Techcombank còn lên kế hoạch tăng thêm trên 1.531 tỷ đồng vốn điều lệ để nâng tổng vốn lên gần 7.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của năm 2010, Ngân hàng dự kiến đạt 3.467 tỷ đồng.
SHB cũng được UBCKNN cấp giấy phép chào bán 15 triệu TPCĐ kỳ hạn 12 tháng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời gian phân phối trong vòng 90 ngày kể từ ngày 31/12/2009.
Theo các ngân hàng, để chủ động chuẩn bị nguồn lực cần thiết cho quá trình phát triển kinh doanh, bên cạnh các yếu tố nhân lực, công nghệ… thì vốn chủ sở hữu hoặc vốn tự có đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, việc xây dựng kế hoạch phát hành TPCĐ là nhằm tăng vốn điều lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho ngân hàng nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh.
…nhưng không dễ thành công
Tuy nhiên, khác với thời điểm TTCK tăng trưởng mạnh năm 2006 và 2007, trong 2 năm qua, giá cổ phiếu ngân hàng không thể lấy lại sức hút đối với nhà đầu tư. Các đợt phát hành TPCĐ cũng như cổ phiếu của nhà băng rất chật vậy. Kết quả, nhiều kế hoạch phát hành TPCĐ phải trì hoãn rồi đi đến hủy bỏ. Trong khi áp lực tăng vốn điều lệ để đáp ứng với quy định NHNN ngày một tăng cao.
Chẳng hạn, OCB có kế hoạch phát hành 6 triệu TPCĐ (tương đương 600 tỷ đồng), mệnh giá 100.000 đồng/TPCĐ. Thời hạn chuyển đổi trong 1 năm kể từ ngày phát hành. Đối tượng chào bán là các cổ đông hiện hữu. Lãi suất 10,49%/năm. Tỷ lệ chuyển đổi 1:10. Ngày chốt danh sách cổ đông theo dự kiến trước đây là 15/12/2009. Thế nhưng, đến nay đã gần 3 tháng sau khi được UBCKNN chấp nhận kế hoạch phát hành TPCĐ, OCB vẫn chưa có thông tin cụ thể về ngày phát hành.
Trả lời ĐTCK về vấn đề này, ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc OCB cho biết, sau khi xem xét Ngân hàng quyết định tạm hoãn kế hoạch phát hành và thời gian tái triển khai phải chờ ý kiến của cổ đông trong kỳ ĐHCĐ diễn ra vào ngày 12/4 tới. Nhưng khả năng OCB sẽ không thực hiện việc phát hành TPCĐ theo kế hoạch xây dựng trước đây, mà chỉ phân bổ 300 tỷ đồng được phát hành dưới dạng TPCĐ, phần còn lại sẽ chào bán dưới hình thức cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu.
Tương tự, SCB cũng vừa đưa ra quyết định tạm hoãn đợt phát hành 1.000 tỷ đồng TPCĐ đã được UBCKNN cấp phép vào cuối năm 2009, cho dù trước đó không lâu, Ngân hàng này đã có thông báo thay đổi thời gian phát hành TPCĐ. SCB cho biết, các vấn đề liên quan đến đợt phát hành TPCĐ này, HĐQT Ngân hàng sẽ trình cổ đông quyết định tại kỳ họp ĐHCĐ diễn ra vào ngày 27/3 tới. TPCĐ của SCB cuối năm 2009 có mệnh giá 1 triệu đồng; tỷ lệ chuyển đổi 1:110,5; lãi suất 10,5%/13 tháng (thời hạn trái chủ được chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu là sau 13 tháng). Đối tượng chào bán là các cổ đông hiện hữu.
VietA Bank được chào bán gần 272 tỷ đồng TPCĐ vào cuối năm 2009. Thời gian chuyển đổi trong 1 năm, lãi suất trả trước là 10%/năm. Mục đích huy động vốn của VietA Bank trong đợt phát hành TPCĐ lần này là bổ sung nguồn vốn phát triển kinh doanh. Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu là 100.000 đồng/TPCĐ. Số lượng đăng ký mua không hạn chế và ngày đăng ký cuối cùng là 12/12/2009. Thời gian đăng ký mua TPCĐ từ ngày 15/2/2009 – 15/1/2010.
Tuy nhiên, khó khăn của thị trường năm 2009 kéo dài đến những tháng đầu năm 2010 đã ảnh hưởng đến kế hoạch trên. Vì vậy, HĐQT VietA Bank cũng phải thay đổi thời hạn nộp tiền mua TPCĐ đến hết ngày 26/2/2010. Đối với các cổ đông nộp tiền mua TPCĐ trước ngày 26/2, Ngân hàng chi trả lãi cho số tiền nộp, với mức 10,49%/năm (tính từ ngày nộp tiền đến ngày 25/2).
Kế hoạch được VietA Bank chuẩn bị trình cổ đông trong kỳ ĐHCĐ diễn ra ngày 26/3 tới là sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 so với mức 1.631 tỷ đồng hiện nay. VietA Bank dự kiến sẽ thu về 498 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm tài chính 2010.
Theo đánh giá của ông Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK VIS, tính hấp dẫn cổ phiếu ngân hàng trong năm nay khả năng vẫn chưa được cải thiện. Nhà đầu tư chỉ quan tâm đến các ngân hàng có tiềm năng và quy mô. Trong khi đó, áp lực tăng vốn của các nhà băng là không nhỏ. Lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì thế, việc hoàn tất các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ đã khó, việc phát hành TPCĐ còn khó hơn.
Thực tế, giá cổ phiếu ngân hàng hiện chỉ bằng hoặc trên mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu đối với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ (DaiA Bank, KienLongBank, OCB, ABBank…). Còn với 6 mã cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung (ACB, STB, VCB, CTG, EIB, SHB), mặt bằng giá cũng không được cải thiện, cho dù TTCK trong xu hướng tăng điểm. Do đó, các kế hoạch phát hành cổ phiếu và TPCĐ của ngân hàng trong năm nay sẽ khó tránh khỏi khó khăn.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com