Tính từ tuần giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường chứng khoán (TTCK) đã bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, với những phiên tăng điểm ấn tượng cả về khối lượng và giá trị. Nhà đầu tư (NĐT) hứng khởi quay lại thị trường, song việc “gõ cửa” tìm vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) trong thời điểm “cuộc chiến lại suất” đang diễn ra gay gắt không phải là dễ.
Tháo “thế bí” cho thị trường đang khát vốn, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã nghĩ đến việc tìm vốn nhàn rỗi của NĐT thông qua “Hợp đồng hợp tác đầu tư” với lãi suất còn cao hơn cả ngân hàng. Vậy là “thế cờ” tạm thời được tháo gỡ, song nghiệp vụ này vẫn tiềm ẩn không ít những rủi ro cho NĐT - CTCK - Thị trường. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Mở Tp.HCM.
Thưa ông, vừa qua TTCK tăng trở lại, đòn bẩy tài chính được sử dụng nhiều hơn trong giao dịch của NĐT. Một số CTCK nghĩ đến việc “huy động” vốn nhàn rỗi của NĐT dưới hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư”. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Thuận: Thực tế, khuôn khổ của TTCK VN trước giờ vẫn vậy. Khi thị trường bật xanh trở lại, đặc biệt trong những ngày vừa qua, ghi nhận nhiều phiên tăng điểm ấn tượng, thì lại xảy ra hiện tượng “gợi ý” sử dụng đòn bẩy tài chính. Đây là việc bình thường, nếu đòn bẩy tài chính được sử dụng theo dạng “bơm” vốn của các CTCK hay từ các NHTM. Song nó lại nằm trong khuôn khổ, hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư”, giống như việc bán bất động sản trên giấy trước đây. CTCK cũng sử dụng “nghiệp vụ” này để huy động vốn tạm thời nhàn rỗi của NĐT, thực hiện cho NĐT khác vay lại, hưởng chênh lệnh. Về bản chất, đây là việc đi vay và cho vay - hay nói ngắn gọn là huy động vốn của các CTCK, dù được thể hiện dưới hình thức này hay hình thức khác.
Trước đây, việc này cũng được ngấm ngầm thực hiện, nhưng hiện nay được phát triển mạnh hơn, theo tôi có nhiều lý do:
- Thứ nhất, cuộc chạy đua lãi suất giữa các NHTM được đẩy lên quá cao, các “chủ nhân” cũng hết sức khó khăn trong huy động vốn. Do đó, trong số dư tiền gửi của các NHTM, khó có phần “bơm” qua các CTCK. Đặc biệt, Thông tư 13 là một rào cản, khi hệ số an toàn rủi ro cho vay chứng khoán lên đến 250%, ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn của các NHTM. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng (NH) “bơm” vốn qua các CTCK hạn chế hơn so với trước đây.
- Thứ 2, trong báo cáo kết quả kinh doanh của các CTCK, trong năm vừa qua, tổng lợi nhuận và thu nhập có được từ các hoạt động chính như: môi giới, tự doanh không mang lại lợi nhuận lớn, thậm chí rất nhiều CTCK lỗ “nặng” trong mảng tự doanh. Phần lớn, con số hiển thị lợi nhuận của các CTCK lại đến từ các lĩnh vực hoạt động khác như: các hợp đồng repo, hợp đồng cho vay kiểu như thế này và đã mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho các CTCK. Trong điều kiện cạnh tranh, việc trợ vốn cho NĐT quay lại CTCK, trở thành “dịch vụ” trọng điểm nhằm thu hút NĐT ở lại và tham gia giao dịch.
Hiện mức lãi suất cho các “Hợp đồng hợp tác đầu tư” này là khá lớn, cao hơn cả lãi suất của các NHTM, điều này đã phá vỡ “thế cạnh tranh” của các NH này. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Lãi suất của các CTCK đưa ra bắt buộc phải cao hơn so với các NHTM, bởi như vậy “anh” mới thu hút được NĐT và huy động được vốn. Bản chất của NHTM có quyền huy động vốn, song các CTCK thì lại không. Hiện, lãi suất huy động của các NHTM đồng thuận là 14% - 15%/năm, nhưng thực tế lãi suất thỏa thuận có thể lên tới 16% - 17%/năm; như vậy, theo tôi mức lãi suất các CTCK đưa ra để huy động được cũng phải vào khoảng 17% -18%/năm và khi áp dụng cho NĐT vay có thể lên đến 21% - 22%/năm. Và rõ ràng, xảy ra việc cạnh tranh lãi suất là điều tất yếu.
Nhiều thông tin cho rằng, việc CTCK thực hiện loại hợp đồng này với các khách hàng là một hình thức huy động tiền gửi “trá hình”. Ông có đồng thuận quan điểm này không?
Rõ ràng đây là một hình thức huy động vốn. Về chức năng, CTCK không có quyền thực hiện nghiệp vụ đi vay và cho vay, huy động tiền gửi tiết kiệm trong công chúng, chỉ NHTM mới được thực hiện nghiệp vụ này. Tuy nhiên các CTCK chuyển sang “Hợp đồng hợp tác đầu tư” là “lách luật” và có thể khả thi trong một điều kiện nào đó. Theo tôi, trong điều kiện TTCK bật dậy, mà sự cạnh tranh giữa các CTCK rất quyết liệt, nên trong số đó không ít công ty đưa ra nhiều option để thu hút NĐT như: T+2, T+1, T+0 hay phí môi giới cũng rất “mềm” - nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình. Mọi CTCK đều đã chuẩn bị cho mình một cơ sở pháp lý nào đó để biện minh về dạng hợp đồng này, song về bản chất vẫn là huy động vốn. Nói ngắn gọn, đây là một hình thức huy động tiền gửi “trá hình” và rất có thể sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước “tuýt còi” và thực tế trong lịch sử cũng có một số CTCK bị thanh tra và xử lý rồi.
Thực tế, việc “hợp tác” này cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho các NĐT và cả CTCK. Vậy có bất công với CTCK không, khi họ không được thực hiện nghiệp vụ này, thưa ông?
Theo tôi, NĐT cũng được hưởng lợi khi họ có thêm một nguồn vốn mới: bỏ ra một mà đầu tư vào thị trường 2 - 3 lần, điều đó tạo ra cầu, đồng thời làm cho lực đẩy của TTCK có thể tốt hơn. Song, có lẽ là không bất công cho cả CTCK và NĐT, vì bản chất của CTCK là không được quyền huy động vốn. NĐT có quyền sử dụng đòn bẩy tài chính, không chỉ lấy từ CTCK mà có thể “gõ cửa” từ NHTM, tất nhiên là khó khăn hơn, lãi suất cao hơn. Không vì sự dễ dàng mà làm sai luật, như thế sẽ mang lại rủi ro cho cả: NĐT - CTCK - Thị trường. Trong điều kiện đặc thù của TTCK VN, mặc dù có tăng trưởng đột biến thì các NĐT cũng không nên sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức. Để giải quyết bài toán này, hiện vẫn có nhiều công cụ hỗ trợ cho thị trường: tỷ lệ ký quỹ hay còn gọi là mua chịu - cho phép NĐT bỏ ra một đồng nhưng có quyền giao dịch 2 đồng, 3 đồng. Và bản thân thị trường cho phép điều đó, chứ không phải một CTCK, một NĐT tự cho mình cái quyền làm như vậy, tạo rủi ro chung cho thị trường. Vì vậy, theo tôi đã đến lúc UBCKNN nên đưa ra những nghiệp vụ mang tính đầu tư trên thị trường như bán khống hay tỷ lệ ký quỹ. Hai công cụ đó chúng ta có quyền điều chỉnh theo từng thời điểm - khi thị trường quá nóng hoặc quá lạnh thì sử dụng công cụ này để điều chỉnh thị trường.
Ông có thể phân tích rõ hơn về rủi ro khi CTCK sử dụng nghiệp vụ này, cũng như rủi ro cho NĐT có ý định “phưu lưu” cùng CTCK thực hiện “nghiệp vụ” này?
Trước hết là rủi ro về mặt pháp lý, hợp đồng này chuyển sang hợp đồng dân sự, ngược lại, xét về chức năng CTCK có thể cho rằng vô hiệu. Tuy nhiên theo tôi, CTCK là một pháp nhân và chắc chắn sẽ có rủi ro nếu diễn biến không thuận lợi. Đứng ở góc độ cá nhân, NĐT không bị ảnh hưởng nhiều. Trong điều kiện thị trường tiếp tục tăng trưởng và đi lên thì việc huy động và cho vay có thể được giải quyết ổn thỏa giữa: CTCK đi vay của NĐT A và cho NĐT B vay, nếu NĐT B vẫn trả nợ được CTCK trả cả lãi và gốc cho NĐT A - vậy là “cả nhà” đều vui.
Nhưng trường hợp TTCK đi xuống, NĐT B bị cháy tài khoản thì CTCK sẽ gặp những vấn đề, và có thể việc hoàn trả vốn lại cho NĐT A cũng gặp khó khăn. Đặc biệt với các trường hợp CTCK có vốn điều lệ nhỏ hoặc không có công ty mẹ là NHTM. Nếu việc này xảy ra, rủi ro đến với CTCK nhiều hơn, và đây cũng là rủi ro chung cho thi trường chứng khoán.
(StockNews)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com