Dù mới đạt tỷ lệ khá thấp trong các chỉ tiêu đề ra nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thay đổi kế hoạch kinh doanh. Vì sao?
Còn nước còn tát
Tuyên bố của CTCK TP. HCM - HSC (mã CK: HCM) về việc Công ty chỉ có thể đạt được lợi nhuận sau thuế năm 2011 ở mức 75% so với kế hoạch ban đầu khiến nhiều người bất ngờ. Bởi trong số 19 CTCK niêm yết hiện tại, HSC là 1 trong số ít các CTCK còn lãi và lãi 6 tháng đầu năm 2011 ở mức cao nhất.
Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC, vì chỉ tiêu cũ được đề ra từ cuối năm 2010 nên có những điều không lường hết. Chẳng hạn, kế hoạch lợi nhuận cũ được xây dựng trên kịch bản giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường năm 2011 là 3.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2011, giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường chỉ đạt mức 1.150 tỷ đồng/ngày, tương đương 38% dự kiến. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, con số này đã về dưới 800 tỷ đồng/phiên. Vì thế, HSC buộc phải có những tính toán mới. Theo ông Giang, sự thay đổi trong kế hoạch của HSC chủ yếu ở mảng dịch vụ thị trường. Với diễn biến thanh khoản sụt giảm và chưa có vẻ gì là sẽ tăng trở lại, việc giữ nguyên chỉ tiêu doanh thu môi giới là không khả thi.
HSC đã nhìn thẳng vào sự thật để thông báo với nhà đầu tư về khả năng không thể thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Điều này hơi khác biệt không chỉ với nhóm các CTCK khác mà cả với phần đông các doanh nghiệp niêm yết. Dù đang thua lỗ hàng trăm tỷ đồng và đích lợi nhuận ngày càng trở nên khó đạt, nhưng các CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS), Sacombank (SBS) và VNDirect (VND) vẫn chưa có động thái gì cho thấy sẽ hạ mục tiêu kế hoạch kinh doanh.
Với PPI, DBC, VC1, VC2… chặng đường về đích còn rất chông gai, bởi các doanh nghiệp này chỉ mới đi được cao nhất 1/4 chặng đường. Thậm chí như KAC, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt hơn 1% kế hoạch năm. Khó khăn là thế nhưng cũng chưa thấy các doanh nghiệp này tuyên bố điều chỉnh chỉ tiêu đề ra.
Ông Lê Thanh Đức, Phó tổng giám đốc CTCK Liên Việt nhận định, có thể doanh nghiệp cho rằng "còn nước còn tát" và kỳ vọng, lợi nhuận 6 tháng còn lại sẽ giúp doanh nghiệp cán đích.
Nhận định này có thể đúng khi ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PPI cho biết, dù lợi nhuận 6 tháng của PPI chỉ đạt 6,3 tỷ đồng, mới bằng 13% kế hoạch, nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của PPI vẫn còn, vì trong mảng xây lắp, doanh thu và lợi nhuận thường tập trung vào thời điểm cuối năm.
Ông Nguyễn Xuân Trình, Phó chủ tịch HĐQT của Đường Biên Hòa (BHS) cũng khẳng định, yếu tố mùa vụ và diễn biến giá đường đang tăng sẽ giúp BHS thực hiện 67% chỉ tiêu lợi nhuận còn lại.
Lạc quan quá mức?
Niềm tin của ông Trình được giới chuyên gia đánh giá là có cơ sở. Giá đường thực tế đang có xu hướng tăng trở lại. Trong tháng 7, giá đường thế giới đã tăng do cầu tăng mạnh từ các quỹ hàng hoá trước những lo ngại sản lượng thu hoạch mía đường tại khu vực trung tâm phía Nam Brazil giảm và hoạt động xuất khẩu của nước này vẫn đang tiếp tục bị tắc nghẽn tại cảng do thiếu phương tiện vận chuyển. Trong khi đó, tại Việt Nam, sau tháng 6 là mùa hè và chuẩn bị cho Tết Trung thu nên nhu cầu tiêu thụ đường đang tăng lên. Vì thế, dù tồn kho đường cao hơn cùng kỳ nhưng Cục Quản lý giá dự báo, giá đường trong nước vẫn đứng ở mức cao.
Tuy nhiên, với những ngành hàng không thuộc nhóm nhu yếu phẩm thì khác. Thép là một ví dụ. Dù đã đạt 55% kế hoạch năm và là doanh nghiệp đầu ngành nhưng lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cảm nhận, việc hoàn thành 45% chỉ tiêu còn lại không hề dễ dàng. Theo nhận định của Hòa Phát, với những diễn biến hiện nay, tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn 6 tháng đầu năm.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết, nếu lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản trông đợi vào những đợt bán sản phẩm trong năm nay thì sẽ rất khó khăn. Lợi nhuận chỉ khả thi khi đó là lợi nhuận ghi nhận lại nguồn thu từ các dự án đã bán từ những năm trước, nay chỉ bán thêm một ít và hoàn tất giao sản phẩm.
Trong một cục diện khó khăn này, ông Lê Thanh Đức dự đoán, số doanh nghiệp không hoàn thành được mục tiêu đề ra sẽ rất cao. Nhưng sở dĩ các doanh nghiệp không tính chuyện rút lui hay thu hẹp kế hoạch, có thể vì doanh nghiệp thấy động thái này không còn cần thiết nữa.
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp công khai như HSC, nhà đầu tư hẳn sẽ vui hơn. Bởi khi doanh nghiệp công khai khả năng hoạt động trước cổ đông, nhà đầu tư sẽ thấy họ được tôn trọng và được chia sẻ mọi thông tin.
Ngọc Thủy
Tuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. StockBiz sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
(StockBiz )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com