Nếu như trong năm 2009, kinh tế Việt Nam đã vượt qua thử thách của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đạt được những kết quả ấn tượng, thì năm 2010, với ưu tiên ổn định vĩ mô, tạo đà tăng trưởng cho giai đoạn sắp tới, đồng thời kiềm chế lạm phát, việc giải quyết bài toán tăng trưởng và lạm phát đang nổi lên thành vấn đề trung tâm của năm 2010.
Giá than, giá xăng dầu tăng, và tới đây giá điện sẽ tăng, nguy cơ tái lạm phát liệu có diễn ra và thị trường tài chính - chứng khoán, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp, sẽ như thế nào trong năm 2010?
Chuyên gia kinh tế, Ts. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - đã trao đổi với báo giới xung quanh chủ đề này.
“Cẩn trọng trong điều chỉnh các loại giá dịch vụ công”
Thưa ông, chỉ số CPI tháng 2 đã được công bố và đạt mức tăng cao nhất trong 7 tháng vừa qua. Mới đây, giá than, giá xăng dầu đã được điều chỉnh, giá điện cũng sẽ tăng từ đầu tháng 3. Đây có phải là dấu hiệu của lạm phát sẽ quay trở lại trong năm 2010?
Ts. Trần Du Lịch: Thật sự thì nguy cơ tái lạm phát năm 2010 đã được đề cập và dự báo từ cuối năm 2009, chính vì vậy Thông điệp đầu năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Năm 2010 tập trung ổn định vĩ mô. Ổn định vĩ mô, trước hết là không để tái lạm phát cao, đó là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, nhìn lại diễn biến từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 1, tháng 2 năm 2010, tuy trong dịp Tết không có đột biến nhưng CPI đã tăng trên 1% mỗi tháng. Như vậy, việc kiềm chế mức tăng CPI trong năm 2010 dưới 7% theo Nghị quyết Quốc hội, tiếp tục là thử thách đối với công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2010.
Phải nói rằng bước vào năm 2010, nền kinh tế nước ta đã đạt thành quả rất lớn, trong đó quan trọng nhất là ngăn chặn suy giảm và thực sự là kinh tế đang phục hồi. Quý IV/2009, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bằng năm 2008, tức là trước khi có tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, khó khăn ngắn hạn đặt ra rất gay gắt: Thứ nhất, chúng ta phải giải quyết một mâu thuẫn trong kinh tế vĩ mô, tức là vừa muốn đẩy nhanh phục hồi tăng trưởng, đạt tốc độ trên 6,5%, nhưng lại vừa muốn kiềm chế lạm phát. Sử dụng công cụ để kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, ảnh hưởng đến sức mua và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Còn muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thì nguy cơ phát triển nóng sẽ dẫn đến lạm phát.
Một vấn đề ngắn hạn nữa mà tôi nghĩ cần đặc biệt chú ý: Lạm phát tăng do tăng tổng cầu, ví dụ như trong năm 2009, chúng ta đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng rất lớn, tăng đầu tư, tăng công chi, dẫn đến tăng CPI. Nếu kìm giữ tốc độ tăng tổng cầu chậm lại khoảng 5,6 tháng, việc này ít nhất cũng còn tiếp tục đến hết quý II/2010. Trong bối cảnh như vậy mà nếu chúng ta có những biện pháp tăng chi phí, ví dụ như điều chỉnh thái quá giá xăng dầu, giá vận tải, giá điện, thì sẽ làm tăng lạm phát do chi phí đẩy. Lạm phát là tổng hợp của cầu kéo và chi phí đẩy. Bên cạnh đó, cầu kéo cũng tăng do tăng tổng cung tiền và lượng tiền đưa vào lưu thông, tăng tín dụng, tăng chi tiêu của Chính phủ. Hai mặt này cộng lại thì nguy cơ lạm phát rất dễ xảy ra.
Do đó, tôi nghĩ rằng, để ổn định vĩ mô, chúng ta cần rất cẩn trọng trong việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ công, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm 2010. Nếu như thử thách ngắn hạn này chúng ta vượt qua được thì có thể giữ ổn định trong 2010 và nền kinh tế sẽ phát triển rất tốt 6 tháng cuối năm 2010. Tôi cho là giai đoạn từ nay đến khoảng tháng 4, tháng 5, là giai đoạn rất nhạy cảm về CPI, tức là chỉ số lạm phát. Do đó, những chính sách, những biện pháp được ban hành cần cẩn trọng trong những tháng sắp tới này để tránh việc tạo ra vòng xoáy mới về giá.
![]() |
Giá xăng thực tế tăng, giá điện thực tế cũng đã được chấp nhận sẽ tăng. Vậy theo ông, hai loại giá căn bản đối với mọi hoạt động dịch vụ công và sản xuất kinh doanh này sẽ tác động như thế nào đến chỉ số CPI của cả năm?
Thực sự khi Bộ Tài chính công bố các loại giá, cũng đã tính đến việc điều chỉnh giá điện, điều chỉnh giá xăng sẽ góp vào CPI bao nhiêu. Việc tính toán đó được đo lường và dự báo ở mức độ trực tiếp. Tuy nhiên, việc tăng giá hai mặt hàng thiết yếu này bao giờ cũng có tác động gián tiếp, tức là tăng cái này sẽ tạo tác động dây chuyền tăng cái kia. Ví dụ giá xăng dầu tăng, giá vận tải tăng, giá dịch vụ như giá điện tăng thì nó sẽ làm tăng giá các sản phẩm khác, chưa kể khi giá đầu vào nguyên liệu tăng thì giá thành mọi thành phẩm cũng sẽ phải tăng. Cũng chưa tính là từ ngày 1 tháng 5 năm nay, chúng ta lại điều chỉnh lương cán bộ CNV trong hệ thống của Nhà nước. Như vậy, tất cả yếu tố này có khả năng đẩy chi phí lên. Nhìn gần hơn, mới đây, Ngân hàng Nhà Nước đã điều chỉnh tỷ giá. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhập khẩu nguyên liệu để mà gia công xuất khẩu, do đó, mọi chi phí cũng sẽ phải tăng lên. Đây là những yếu tố tôi nghĩ rằng cần phải rất cẩn trọng, nếu không thì khó kiềm chế được tốc độ tăng CPI cả năm dưới 7%.
Theo quan điểm của tôi, năm 2010, nếu chúng ta kiềm chế mức tăng giá cả ở một con số, tức là dưới 10%, là đã thành công, chứ đừng nói một con số thấp xa dưới 10%. Một số nhà quản lý doanh nghiệp khi trao đổi với tôi cũng cho rằng nên cân đối CPI dưới 10%, sẽ tương đối an toàn cho cả hệ thống kinh tế.
Đặt giả thiết việc nếu có thể kiềm chế chỉ số CPI dưới 10%, thì theo ông, mục tiêu tăng trưởng của kinh tế nói chung và tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng sẽ ảnh hưởng thế nào?
Tôi cho rằng nếu CPI tăng dưới 10%, tức là một con số, trong điều kiện Việt Nam hiện nay thì sẽ rất tốt, không có vấn đề gì cả. Nói cụ thể, năm nay, nếu ổn định vĩ mô, ổn định CPI dưới 10% và những chính sách khác thực hiện tốt như Thông điệp đầu năm Thủ tướng đã nêu, thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% GPD không có gì khó khăn cả, là bởi vì sức sống của kinh tế Việt Nam rất mạnh, sức sống của các doanh nghiệp rất lớn. Nếu chính sách của Chính phủ tập trung ổn định vĩ mô thành công thì tự các doanh nghiệp, tự thị trường sẽ có mức tăng trưởng ổn định.
Theo tôi, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5% vẫn là dưới tiềm năng, nếu xét trên các yếu tố sản xuất hiện nay của Việt Nam.
Để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP đã đặt ra, vấn đề chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ có thể dự đoán như thế nào?
Về quan điểm thì căn cứ vào Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, tôi cho rằng năm 2010, Chính phủ sẽ cố gắng ổn định, không tạo ra biến động lớn chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ví dụ, liên quan đến chính sách tài khóa về ổn định thuế và đầu tư công, mức bội chi ngân sách mà Quốc hội đặt ra khoảng 6,2% GDP, là có thể đạt được. Còn về chính sách tiền tệ, việc cố gắng giữ ổn định giá trị đồng tiền bằng các biện pháp điều chỉnh lãi suất linh hoạt và ổn định tỷ giá linh hoạt ở mức độ không biến động, là điều mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong thông điệp đầu năm. Đó là những điều kiện cần thiết để tạo ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, nền kinh tế VN hiện nay cũng cần phải đặt trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Sẽ có những yếu tố bên ngoài tác động sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, và hệ quả của nó bao gồm sự phục hồi của các thị trường có liên quan đến nước ta. Tôi cho rằng yếu tố bên ngoài sẽ không tác động lớn đến kinh tế Việt Nam trong năm 2010, mà chủ yếu là chúng ta cần tập trung vào vấn đề ổn định vĩ mô thông qua các chính sách đối nội để doanh nghiệp có thể tính toán được mọi yếu tố để phát triển. Với tinh thần như vậy, tôi nghĩ rằng thị trường tài chính Việt Nam năm 2010 sẽ không có biến động lớn và có thể ổn định, phát triển tốt hơn 2009.
![]() |
“Nhiều doanh nghiệp lớn sẽ IPO”
Với những dự đoán như ông vừa nêu, có thể hiểu doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2010 sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong huy động vốn cũng như khai thác thị trường? Và thị trường chứng khoán VN – “sân” huy động vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp – cũng sẽ không gặp khó?
Hiện nay, thị trường tài chính trong quý I vẫn đang khó khăn về vốn trung hạn. Nói cách khác, hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay đang rất khó khăn trong việc huy động nguồn vốn trung hạn, vì huy động vốn hiện nay chủ yếu vẫn chỉ là ngắn hạn và một số cá biệt có khó khăn về thanh khoản. Tuy nhiên, đấy chỉ là khó khăn nhất thời trong quý I/2010. Nếu Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng tín dụng của cả hệ thống trong năm 2010 ở mức 25%, thì cũng sẽ đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua nhiều nguồn khác nhau, và giảm khó khăn về huy động vốn. Nhưng khi hệ thống ngân hàng khó khăn ở nguồn vốn trung hạn thì đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể huy động vốn trực tiếp qua phát hành cổ phiếu. Tôi tin rằng năm 2010, nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và tăng vốn qua thị trường chứng khoán. Nếu trong 2 năm vừa qua, thị trường chứng khoán chủ yếu hoạt động trên thị trường thứ cấp thì tôi hy vọng rằng năm 2010, thị trường sơ cấp sẽ phát triển cao hơn và chính điều đó sẽ khẳng định vai trò của thị trường chứng khoán trong lĩnh vực huy động vốn cho nền kinh tế. Thì tôi nghĩ rằng cơ hội trong 2010 để phát triển thị trường sơ cấp là rất lớn, bởi kinh tế thế giới cũng như trong nước đã ổn định hơn và niềm tin của nhà đầu tư đã được củng cố. Những lo âu sợ hãi do cuộc khủng hoảng không còn nữa. Đây chính là nhấn tố thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.
Một vấn đề mà giới đầu tư rất quan tâm là liệu lãi suất cơ bản và tỷ giá sẽ còn điều chỉnh, và với biên độ ra sao trong thời gian tới?
Tôi cho rằng chắc chắn Chính phủ không phá giá đồng tiền Việt Nam, có nghĩa là sẽ không điều chỉnh giá trị đồng tiền Việt Nam so với đồng đô la Mỹ trên 5%, nhưng sẽ điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường, ví dụ như trước Tết , tỷ giá này đã được điều chỉnh ±3%. Tôi nghĩ rằng việc này còn tiếp tục để phù hợp với biến động CPI và với cung cầu ngoại tệ, sao cho hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Còn về lãi suất cơ bản, trước mắt tôi tin rằng chưa thể tăng hay giảm mà vẫn giữa ở mức lãi 8% và Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng giữ ở mức này. Nếu như chỉ số CPI năm 2010 tăng dưới 10%, thì rõ ràng việc duy trì lãi suất cơ bản hiện nay là phù hợp, còn điều chỉnh hay không và ở mức độ nào thì tùy thuộc vào biến động CPI. Tôi hy vọng rằng CPI sẽ không biến động lớn.
Vâng, một câu hỏi cuối cùng là với diễn biến như hiện nay, nguy cơ lạm phát cao như tình trạng của nền kinh tế năm 2008 có lặp lại?
Năm 2009, tôi đã đề nghị là chúng ta không nên để tái diễn nguy cơ lạm phát cao như năm 2008. Với cách làm vừa qua, với kinh nghiệm rút ra từ 2008, tôi tin Chính phủ đang điều hành để không xảy ra một cú sốc như năm 2008!
Xin cảm ơn ông!
(Stocknews)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com