Trong tháng 5/2010, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ. Điều 26 trong dự thảo này quy định: “Giá trị của cổ phiếu được sử dụng để thanh toán cổ tức phải được tính theo giá trị trường tại thời điểm trả cổ tức”... đã tạo ra không ít tranh luận trong thời gian gần đây. Về vấn đề này, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJCS trao đổi với báo giới:
Khoản 2, điều 26, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139 quy định: “Giá trị của CP được sử dụng để thanh toán cổ tức phải được tính theo giá thị trường tại ngày quyết định chi trả cổ tức, mỗi cổ đông được nhận số CP có giá trị tương đương với số cổ tức như trường hợp công ty chi trả cổ tức bằng tiền”. Ông có nhận xét gì về qui định này?
Ông Huỳnh Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi, hiện nay, việc chi trả cổ tức đã được quy định theo Điều 93 của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp có quyền chi trả cổ tức dưới nhiều hình thức, hoặc bằng tiền, bằng cổ phần hoặc bằng một tài sản nào khác. Quy định các doanh nghiệp phải chia cổ tức theo thị giá có vẻ cứng nhắc và ép buộc. Việc chia cổ tức, về mặt nghiệp vụ, chỉ là chuyển đổi lợi nhuận của doanh nghiệp từ trạng thái này qua trạng thái khác. Tức là về mặt nguyên tắc, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp doanh nghiệp giữ lại khoản lợi nhuận thặng dư, chuyển lợi nhuận này thành vốn điều lệ, việc này chỉ làm thay đổi số lượng cổ phiếu lưu hành. Cho nên tôi nghĩ là Dự thảo này có thể gây khó cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của tôi, doanh nghiệp có thể lựa chọn nhiều hình thức khác như thưởng cổ phiếu cho cổ đông, vì cổ phiếu thưởng thì không bị chi phối bởi qui định này.
Theo ông thì qui định này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao?
Nói về quyền lợi của doanh nghiệp thì rõ ràng là nếu tuân thủ quy định này thì doanh nghiệp có ít quyền lựa chọn hơn trong việc chia cổ tức. Nếu doanh nghiệp chia cổ tức trên mệnh giá đồng nghĩa với việc số lượng cổ phần của doanh nghiệp đó được gia tăng, ngược lại, nếu chia cổ tức theo thị giá, những doanh nghiệp nào có thị giá cao hơn 10.000 đồng thì có thể số lượng cổ phần sẽ ít hơn, ảnh hưởng tính thanh khoản của cổ phiếu đó trên thị trường. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn số lượng cổ phần của họ nhiều hơn thì vẫn có thể tìm cách khác để tăng số lượng cổ phiếu lưu hành. Hơn nữa, chia cổ tức dưới dạng nào đi nữa thì cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư bỏ tiền ra mua lại cổ phiếu, thực hiện mục tiêu đầu tư vào doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ tạo ra một áp lực lớn hơn cho doanh nghiệp, nghĩa là khi số cổ phiếu lưu hành nhiều hơn, để duy trì tỷ suất lợi nhuận như ban đầu sau khi chia thì bản thân Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo công ty phải làm việc vất vả hơn để duy trì tỷ suất lợi nhuận như trước khi chia, đó cũng là một gánh nặng cho doanh nghiệp. Do vậy, theo tôi, nên để doanh nghiệp có quyền cân nhắc lựa chọn hình thức trả cổ tức nào phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, cách chia cổ tức theo mệnh giá như hiện tại đang ủng hộ nhà đầu tư lướt sóng? Quan điểm của ông về vấn đề này?
Quan điểm của tôi là dù hình thức chia cổ phiếu dưới dạng nào đi nữa thì cũng còn tuỳ thuộc vào thị trường. Không thể nói là chia cổ tức theo mệnh giá là ủng hộ nhà đầu tư lướt sóng. Chúng ta phải xem xét tình hình thị trường. Có thời điểm giá cổ phiếu giảm liên tục, đồng nghĩa với việc nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, về mặt nguyên tắc, nhà đầu tư bị thiệt hại. Ví dụ, cổ phiếu A có mệnh giá 50.000 đồng, giả sử chúng ta chia theo tỷ lệ 1:1 tính trên mệnh giá 10.000 đồng. Đến khi cổ đông nhận được cổ phiếu thì thị giá của cổ phiếu đó trên thị trường đã giảm đi phân nửa, cổ đông cũng không được lợi gì.
Số cổ phiếu mà các cổ đông được nhận sau khi chia cổ tức cũng cần một thời gian, có thể là 1, 2 tháng tùy từng doanh nghiệp, sau đó cổ đông mới có quyền sử dụng mua bán trao đổi. Đây có thể xem như là một rủi ro cho cổ đông. Trong thời điểm thị trường chứng khoán suy giảm, hầu như không một cổ đông nào thích chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng. Vì khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, trên thị trường, giá của cổ phiếu họ nắm giữ trước đó đã giảm rồi, cộng thêm số cổ phiếu nhận được sau khi chia cổ tức cũng bị giảm giá. Như thế thì thiệt hại của nhà đầu tư là rất rõ. Ngược lại, trong trường hợp thị trường tăng giá, nguồn cung ít, nếu chia bằng cổ phiếu tính theo mệnh giá thì nhà đầu tư sẽ ưa thích hơn, vì họ có nhiều cổ phiếu hơn mà giá cổ phiếu lại đang tăng. Do vậy, không hẳn cứ chia cổ phiếu tính theo bằng mệnh giá là có lời. Còn ngược lại, nếu chia bằng thị giá thì có rủi ro ở đây. Thứ nhất, trong trường hợp thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá, Ví dụ, giá cổ phiếu A là 5.000 đồng/cp, nếu chia theo thị giá tức là số lượng cổ phiếu lưu hành lúc này sẽ nhiều hơn thực tế vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đây là một nghịch lý, dẫn đến khả năng phải điều chỉnh lại vốn điều lệ của doanh nghiệp. Cho nên, việc làm giá hay không làm giá cổ phiếu là còn tuỳ thuộc vào diễn biến thị trường và nhà đầu tư có ủng hộ hay không. Tôi nghĩ việc chia cổ tức như thế nào là tuỳ thuộc vào quyền chủ sở hữu, bởi đây là tài sản của chủ sở hữu, họ muốn chia theo hình thái nào là quyền của họ, đương nhiên là phải theo quy định của pháp luật, nhưng nếu luật quá cứng nhắc thì cổ đông thiệt thòi.
Nếu qui định này được thông qua, theo ông, làm thế nào xác định thị giá cổ phiếu khi thị trường chứng khoán niêm yết có 3 mức giá là giá trần, giá sàn và giá tham chiếu, bên cạnh đó là không ít mã cổ phiếu chưa lên sàn giao dịch nào cả?
Tôi nghĩ nếu quy định theo giá thị trường thì các nhà làm luật chắc phải thêm một định nghĩa nữa, giá thị trường là giá như thế nào, được xác định ra sao. Chứ nếu chỉ quy định chung chung như vậy thì rất khó xác định thị giá. Cá nhân tôi thì nghĩ là nên chọn giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất để làm giá mở cửa của ngày giao dịch không hưởng quyền, hiện nay mọi người vẫn quen gọi là giá tham chiếu. Ngoài ra, khó khăn nhất theo tôi là việc xác định thị giá của các cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC, cũng như trường hợp cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá. Đó những vấn đề sẽ gặp phải nếu quyết định này được thông qua.
Luật sư Trần Phương Bắc, Công ty Luật Hợp danh Luật Việt cho biết: Việc qui định giá trị thanh toán cổ tức bằng giá thị trường ngày thanh toán cổ tức là hoàn toàn mâu thuẫn với qui định của pháp luật hiện hành. Chúng ta có thể phân tích việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là gì? Là vấn đề không chi trả lợi nhuận để tăng cổ phần của công ty, thay vì trả cổ tức thì lại chi trả bằng cổ phiếu cho cổ đông.
(StockNews)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com