Hai phiên giao dịch đầu tiên sau khi NHNN chính thức cho phép thỏa thuận lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn (26.2.2010), nhóm CP ngân hàng đã có mức tăng giá đột biến.
Thị trường đã diễn giải một cách rất tích cực khi “vòng kim cô” lãi suất đầu ra đã được gỡ bỏ, ngân hàng sẽ là đối tượng hưởng lợi. Tuy nhiên ngày 2.3, sự hưng phấn đã hạ nhiệt nhanh chóng.
"Sập bẫy” T+?
Hiện tại có 6 CP ngân hàng đang niêm yết trên cả hai sàn. Mặc dù số lượng ít, nhưng quy mô vốn hóa của nhóm này chiếm tới gần 24% giá trị thị trường. Những quan ngại về thanh khoản, lợi nhuận biên thấp do khống chế lãi suất đầu ra trong khi lãi suất đầu vào không khuyến khích người gửi tiền là nguyên nhân của tình trạng thị trường định giá thấp CP ngân hàng thời gian qua.
Lo ngại này đã phần nào được giải tỏa khi NHNN cho phép các tổ chức tín dụng thỏa thuận lãi suất cho vay bằng VND với các khoản vay trung và dài hạn. Diện cho vay khá rộng và bao gồm nhiều hoạt động quan trọng của DN và cá nhân. Như vậy việc NHNN giữ nguyên lãi suất cơ bản là có lợi cho tổ chức tín dụng vì lãi suất kinh doanh có điều kiện tăng cao hơn.
Đây thông thường là suy luận hợp lý và cũng là nguyên nhân khiến giới đầu tư chú ý đến nhóm CP ngân hàng sau một thời gian dài quên lãng. Thống kê cho thấy nhóm CP này trong hai phiên 26.2 và 1.3 đã có mức tăng trưởng đột biến, đặc biệt là nhóm niêm yết tại sàn HoSE. Mức tăng bình quân theo chỉ số chung của nhóm CP này đạt tương ứng 2,6% và 2%, trong khi VN-Index chỉ tăng 0,4% và 1,2%.
Tuy nhiên qua hai phiên hưng phấn với thông tin hỗ trợ, nhóm CP ngân hàng đã trở lại quỹ đạo bình thường, thậm chí là giảm mạnh trong ngày 2.3. Chỉ số chung của nhóm này giảm tới 2,6%, mạnh hơn nhiều mức giảm 0,4% của VN-Index. Đặc biệt khá nhiều mã giảm rất mạnh, thậm chí là chạm sàn như VCB (-4,8%), CTG (-4,4%), STB (-1,3%), EIB (-0,9%), ACB (-1,1%) và SHB (-0,9%).
Diễn biến quá nhanh này cho thấy: Thứ nhất, dù có thông tin hỗ trợ, nhưng khó có CP nào đi ngược được xu hướng thị trường một cách dài hơi. Thứ hai, hoạt động đầu cơ theo tin đã diễn ra mạnh mẽ và chỉ với NĐT có lợi thế về T+ hoặc tranh thủ lướt sóng bằng CP có sẵn mới có khả năng lợi nhuận.
Nhóm CP ngân hàng đã được tích lũy từ một vài phiên trước thời điểm công bố tin từ NHNN và hoạt động chốt lời được thực hiện rất nhanh khi lực cầu của NĐT “chậm chân” tăng cao. Mặc dù vẫn chưa thể nói chính xác lực đỡ của nhóm CP ngân hàng còn mạnh hay không, nhưng với những diễn biến ngắn hạn này, sự hưng phấn thái quá đã bị “sập bẫy”.
Hiệu quả hơn với xu hướng đầu tư
Việc cho phép ngân hàng và người đi vay thỏa thuận lãi suất tạo điều kiện cho dòng vốn lựa chọn địa chỉ một cách cẩn thận hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là ngân hàng có thể thu được lời lớn nếu đẩy được lãi suất đầu ra lên cao khi sức chịu đựng của DN có hạn.
Mặt khác, khả năng cho vay trung và dài hạn của ngân hàng còn phụ thuộc vào cơ cấu nguồn vốn. Nếu ngân hàng sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn vào cho vay dài hạn quá nhiều sẽ dẫn đến rủi ro kỳ hạn. Đó là chưa kể đến lãi suất đầu vào có khả năng thu hút thêm tiền gửi hay không, hay ngân hàng vẫn phải áp dụng các hình thức khuyến mãi. Do đó khả năng một thời gian nữa mới có thể hình thành được một mặt bằng lãi suất cho vay ổn định.
Theo phân tích của nhiều CTCK, ngành ngân hàng không hẳn là ngành được ưu tiên trong năm 2010, nhưng vẫn là ngành có triển vọng tăng trưởng cao và phù hợp hơn với hoạt động đầu tư dài hạn.
Từ thực tế tăng trưởng huy động khá thấp trong thời gian qua, CTCK Dầu khí cho rằng trong năm 2010, khả năng huy động vốn của các ngân hàng vẫn sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với các kênh đầu tư khác: “Hoạt động kinh doanh của hầu hết các NHTM được dự báo vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2010, nhưng lợi nhuận sẽ không có nhiều đột biến, thậm chí một số NHTM phụ thuộc quá mức vào hoạt động tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu phát triển thận trọng, ổn định và bền vững lên sẽ được đặt lên hàng đầu”.
Báo cáo phân tích ngành của CTCK Phố Wall cũng nhận định ngay trong năm 2009, CP ngân hàng ngoài ưu điểm về tính thanh khoản còn lại không được đánh giá cao như những năm trước. Nhóm CP này có thể là một lựa chọn tốt đối với những NĐT có nhu cầu thanh khoản cao hoặc đầu tư mang tính dài hạn.
Mặc dù có tính thanh khoản cao, nhưng CP ngân hàng cũng được giới đầu tư đánh giá là “nặng nề”, khó bứt phá mạnh mẽ nếu xu hướng thị trường chung không thực sự mạnh. Tuy nhiên từ kết quả kinh doanh khả quan năm 2009, hiện mức P/E bình quân của 6 mã CP ngân hàng đang niêm yết ở mức khoảng 12,2 lần, thấp hơn bình quân thị trường. Một số mã có mức P/E hiện dưới 10 lần được xem là hấp dẫn cho trung và dài hạn.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com