Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sóng ngầm M&A công ty chứng khoán

Ngày 7/12, CTCK Gia Quyền (EPS) thông báo đã phát hành riêng lẻ thành công toàn bộ 12.864.600 cổ phần cho Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc. Kết thúc giao dịch này, Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc sở hữu số lượng cổ phần gần kịch trần tỷ lệ mà NĐT nước ngoài được phép nắm giữ, với gần 49% cổ phần của EPS.

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh danh sách CTCK bị thua lỗ đến hết quý III/2010 có thể còn dài thêm vào cuối năm nay do TTCK tiếp tục diễn biến bất lợi. Trong khi đó, thời điểm TTCK Việt Nam phải mở cửa cho NĐT nước ngoài vào thành lập CTCK 100% vốn ngoại theo cam kết WTO đang đến gần (1/1/2012). "Sóng ngầm" trong hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) các CTCK đang lớn dần.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT EPS cho biết, mục tiêu của đợt chào bán cổ phần riêng lẻ cho Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc, một DN có gần 10 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam, không đơn thuần là gia tăng sức mạnh tài chính cho EPS, mà quan trọng hơn là tranh thủ kinh nghiệm, cũng như khả năng quản trị của đối tác. Đặc biệt, với việc Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn, EPS có cơ hội gia tăng thị phần nhờ được đối tác chia sẻ khách hàng, nhất là NĐT từ Hàn Quốc…

Trả lời câu hỏi, liệu đây có phải là bước 1 để Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc thực hiện mục tiêu thâu tóm EPS, khi thời điểm NĐT nước ngoài được phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài theo cam kết WTO đang cận kề, ông Ân cho hay, không loại trừ đối tác có chiến lược này. Việc có chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho đối tác khi đến thời điểm pháp luật cho phép hay không tuỳ thuộc vào quyết định của cổ đông. Hơn ai hết, họ là người biết hành động thế nào để có lợi nhất cho Công ty, cũng như bản thân họ…

Thông điệp của ông Ân cho thấy, với sức mạnh của mình, dường như CTCK ngoại đang chờ thời điểm 1/1/2012 để hiện thực hoá chiến lược "mua đứt" CTCK nội và để đi đến bước cuối cùng này, họ đang có những bước khởi động đáng chú ý. Nhìn lại 105 CTCK đang hoạt động, không khó nhận ra, số CTCK có "sếp Tây" nắm giữ các vị trí chủ chốt như uỷ viên HĐQT, tổng giám đốc ngày một nhiều. Các CTCK có NĐT cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài nắm giữ cổ phần cũng tăng lên theo thời gian.

Theo tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội, hiện là thời điểm khá chín muồi cho hoạt động M&A các CTCK. Với quy mô của TTCK hiện tại, số lượng 105 CTCK là khá nhiều, nên tự thân thực tế này làm phát sinh nhu cầu M&A. Mặt khác, 9 tháng đầu năm nay, không chỉ các CTCK nhỏ với số vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng, mà nhiều "đại gia" cũng rơi vào cảnh thua lỗ như: CTCK Kim Long, CTCK Bảo Việt, CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam…

Bối cảnh đó sẽ tạo ra cơ hội đàm phán, tiến tới mua bán, sáp nhập thuận lợi cho NĐT ngoại đang theo đuổi mục tiêu M&A các CTCK nội.

 

"Mua" giấy phép

Với những DN thuộc các lĩnh vực khác, khi tiến hành M&A thường dễ bị "lộ", do phải thông qua các đối tác làm tư vấn, tìm kiếm NĐT, thì các bước này hoàn toàn do CTCK tự "đạo diễn" nếu họ có ý định M&A, nên hoạt động mua bán, sáp nhập CTCK diễn ra theo kiểu "sóng ngầm".

Khảo sát tại một số công ty trong lĩnh vực M&A cho thấy, từ giữa năm đến nay, TTCK diễn biến theo chiều hướng bất lợi, nên đã tạo ra những điều kiện lý tưởng cho hoạt động M&A các CTCK. Thông qua các công ty M&A, gần đây có khá nhiều NĐT nước ngoài là tổ chức, cũng như cá nhân muốn tìm mua cổ phần tại các CTCK có số vốn từ 40-50 tỷ đồng, số lượng cổ đông lớn càng ít càng tốt, để không chỉ dễ đàm phán trong quá trình M&A, mà còn thuận lợi trong quản trị nếu M&A thành công. Đặc biệt, các CTCK bậc trung này cũng là "mặt hàng" được một số công ty tài chính trong nước săn mua. Điểm chung của hai đối tượng đi mua này là họ không trông mong gì các CTCK mang lại uy tín, hay lợi nhuận, mà mục tiêu chính là "mua" giấy phép, để tính chuyện lâu dài.

Một số khách hàng, nhất là NĐT nước ngoài không giấu giếm tham vọng khi tiết lộ, việc M&A thành công với những CTCK có số vốn nhỏ là tiền đề lý tưởng để tiến tới thâu tóm toàn bộ CTCK, bởi để sở hữu giấy phép thành lập CTCK có mức vốn này là khá rẻ cả về chi phí, lẫn thời gian so với đứng ra thành lập một CTCK mới. Bởi vậy, nhiều khả năng, hoạt động M&A các CTCK sẽ diễn ra sôi động ở phân khúc CTCK có số vốn dưới 100 tỷ đồng trong thời gian tới.

(Đầu tư chứng khoán Điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!