Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên cả 2 sàn hiện nay chỉ đạt khoảng 2.980 tỉ đồng nhưng thị trường lại đang đứng trước sức ép tăng vốn lên tới trên 45.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm.
Vốn tăng "đè" thị trường
Còn nhớ năm 2007, việc đấu giá 97,5 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với giá trúng thầu bình quân là 107.000 đồng/CP đã hút đi một lượng tiền lên đến gần 10.000 tỉ đồng (gấp 10 lần giá trị một phiên giao dịch tại thời điểm đó) trên thị trường. Việc đấu thầu này đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán (TTCK) trong thời gian nhà đầu tư nộp tiền.
Trở lại với tình hình hiện nay, thị trường đang đứng trước sức ép tăng vốn khổng lồ, lên tới trên 45.000 tỉ đồng, gấp 15 lần giá trị giao dịch mỗi phiên trên cả 2 sàn (theo thống kê, giá trị giao dịch trung bình trên cả 2 sàn từ đầu năm đến nay khoảng 2.980 tỉ đồng/phiên). Từ những con số này, có thể khẳng định, chứng khoán trong nửa cuối năm nay sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi lượng tiền quá lớn này bị hút ra khỏi thị trường.
Theo ông Lê Đạt Chí, chuyên gia tài chính tại TP.HCM, mức độ tác động thời điểm này còn mạnh hơn năm 2007 bởi chính sách tiền tệ năm 2007 khá cởi mở với tốc độ cung tiền M2 là 49%, lớn hơn so với mục tiêu năm nay là 25%. Nếu lượng vốn này bị hút đi, thị trường khó có thể nói đến chuyện bật tăng giá của các cổ phiếu.
"Lãi suất trên thị trường hiện nay đang cao hơn chủ trương nên các doanh nghiệp, dù cần vốn cho sản xuất cũng không mạnh vay. Đó là lý do khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao. Tuy nhiên, dòng vốn này (trên 45.000 tỉ đồng) không phải nộp cùng một lúc như VCB năm 2007 mà sẽ kéo dài. Tạo thành cơn sóng ngầm bên dưới thị trường, khiến chứng khoán khó có xu hướng tăng", ông Chí nói.
Theo thống kê của CTCK Chợ Lớn, hiện có khoảng 258 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn công bố kế hoạch kinh doanh trong năm 2010. Loại bỏ các phương án tăng vốn dưới các hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia thưởng cổ phiếu, ước tính lượng tiền mặt cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng vốn trong nửa cuối năm 2010 của 52 doanh nghiệp (trong tổng số 258 trên) là 9.877 tỉ đồng.
Tương tự, tính đến ngày 15.5.2010, có khoảng 23 trong tổng số 40 ngân hàng được khảo sát chưa đủ vốn pháp định 3.000 tỉ đồng phải thực hiện vào cuối năm 2010. Số lượng vốn mà các ngân hàng cần phải tăng thêm để đáp ứng lượng vốn này là 33.288 tỉ đồng, tương ứng với khoảng 3,3 tỉ cổ phần. Nếu tính luôn nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng lớn (dư vốn pháp định) cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay, ước tính dòng tiền cần thiết để tăng vốn lên tới 35.306 tỉ đồng.
Như vậy, trong nửa cuối năm 2010, ước tính thị trường tài chính cần khoảng 45.183 tỉ đồng để đáp ứng nhu cầu tăng vốn cho cả doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn và hệ thống ngân hàng. Và như phân tích ở trên, dòng vốn lớn này đang khiến các nhà đầu tư lo ngại có thể "đè" thị trường trong thời gian tới.
Cổ đông "vua"... lỗ kép
Đóng góp phần lớn trong tổng số trên 45.000 tỉ đồng vốn tăng thêm nửa cuối năm 2010 nhưng các cổ đông của nhóm cổ phiếu “vua” - cổ phiếu ngân hàng - đang đứng trước khả năng “lỗ kép” nếu hoàn tất kế hoạch này.
Khoản lỗ thứ nhất xuất phát từ việc giá cổ phiếu (CP) ngân hàng hiện nay đang thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng. Theo thống kê, hiện có 2/23 ngân hàng có giá CP dưới mệnh giá là Ngân hàng Nam Á (8.000 đồng/CP) và Ngân hàng GP Bank (9.800 đồng/CP). Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng Nam Á. Vốn điều lệ hiện nay là 1.252 tỉ đồng. Số vốn cần tăng thêm là 1.748 tỉ đồng, tương đương với 174,8 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/CP. So với giá hiện tại là 8.000 đồng/CP, mỗi CP cổ đông sẽ lỗ 2.000 đồng, tương đương với tổng số lỗ của phần vốn tăng thêm lên tới gần 350 tỉ đồng nếu như góp đủ vốn pháp định theo quy định. Nếu Nam Á có thể bán được cho nhà đầu tư chiến lược thì khoản lỗ này có thể bù bằng lợi ích của đối tác chiến lược. Nhưng cổ đông nhỏ thì mất trắng vì họ không nhận gì hơn ngoài tiền chia cổ tức trong khi giá thì giảm.
Theo ông Lê Đạt Chí, hiện nay, có khoảng 13/23 ngân hàng có vùng giá từ 10.000-11.000 đồng/CP. Không ít ngân hàng nói trên giá hiện tại chỉ cao hơn mệnh giá vài trăm đồng. Điều đáng nói, nhiều ngân hàng trong số này có mức vốn điều lệ chỉ 1.000 tỉ đồng và rất có thể phải chia thành 2 đợt tăng vốn điều lệ (từ 1.000 tỉ lên 2.000 tỉ đồng và sau đó lên 3.000 tỉ đồng). Do đó, ngay trong lần tăng vốn đầu tiên, tác động pha loãng CP có thể khiến cho nhà đầu tư đánh giá lại cổ phiếu và giá trở về thấp hơn so với mệnh giá.
Khoản lỗ thứ hai là chi phí cơ hội của đồng vốn. Việc tăng vốn mạnh khiến cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng, chỉ tiêu ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của 23 ngân hàng thiếu vốn pháp định là rất thấp. Theo ước tính của CTCK Chợ Lớn, phần lớn các ngân hàng đều có chỉ tiêu ROE bình quân 2010 dưới 12%/năm và chủ yếu nằm ở vùng 8 -10%/năm. So với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm hiện đang ở mức 11-11,5%/năm, các nhà đầu tư phải chịu khoản tổn thất thêm 2 - 3%/năm. Với mức tăng vốn của một số ngân hàng lên tới gần 2.000 tỉ đồng, khoản tổn thất này là không hề nhỏ.
(Thanh Niên)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com