Bên cạnh những công cụ đầu tư đã xuất hiện như P-notes, một số NĐT tổ chức nước ngoài đang xin phép cơ quan quản lý phát hành chứng chỉ lưu ký DR.
Cuộc hẹn mới đây của phóng viên với đại diện Công ty Quản lý quỹ Blackhorse (Blackhorse Asset Management, trụ sở tại Singapore) xen giữa lịch trình hai chuyến viếng thăm doanh nghiệp của đại diện quỹ này.
“Chúng tôi rất bận rộn vào thời điểm hiện nay, như việc hôm nay viếng thăm 2 công ty, một trong lĩnh vực xuất khẩu tại thị xã Tân An (Long An) và một trong ngành bông vải sợi tại Gò Vấp (TP. HCM). Chúng tôi đang cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất nhằm thực hiện quá trình tái cơ cấu danh mục chuẩn bị cho năm 2011”, vị đại diện này phân trần với ĐTCK về sự bận rộn.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài
Năm
Mua
Bán
Mua ròng
2000
0
0
0
2001
12
2
10
2002
143
47
96
2003
109
11
98
2004
529
95
435
2005
635
202
432
2006
10.505
3.079
7.426
2007
56.412
32.196
24.216
2008
28.681
22.632
6.050
2009
36.386
32.978
3.407
2010*
42.483
28.109
14.374
(Số liệu tính đến ngày 30/12/2010. Nguồn: Thống kê từ HOSE. Đơn vị: tỷ đồng) Tre già
Tháng 2/2007, Blackhorse khai trương Quỹ Blackhorse Enhanced Vietnam Inc (BEVI) tại Việt Nam. Đây là quỹ mở, đầu tư tập trung vào các công ty đã niêm yết và các công ty trên thị trường OTC, giúp NĐT nước ngoài nắm bắt cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Cuối năm 2009, phát biểu với báo giới, ông Paul Thomas Rubens, Giám đốc điều hành BEVI bày tỏ tham vọng trong năm 2010 sẽ tăng quy mô tài sản của Quỹ lên gấp 3 lần, đạt 100 triệu USD. Mục tiêu này xuất phát từ thực tế năm 2009 BEVI là một trong các quỹ đầu tư nước ngoài có mức phục hồi giá trị tài sản ròng (NAV) ấn tượng nhất tại Việt Nam. Dù vậy, thành tích này không đủ để ngăn cản một số NĐT rút vốn về. Không nhận thêm tiền mới trong năm 2010, hoạt động chủ yếu của Quỹ BEVI là tái cơ cấu danh mục.
Với các quỹ đầu tư đóng đô ở TTCK Việt Nam, tình hình hoạt động trong năm 2010 thực sự là một nốt trầm. Các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, Blackhorse và Saigon Asset Managerment (SAM) thất bại trong việc huy động vốn mới, dù đã tuyên bố khá chắc chắn. Im hơi lặng tiếng, nhưng tạo được ấn tượng là một số quỹ thành viên như Red River Holding, quỹ đến từ Pháp khá mạnh tay mua vào các mã HDC, CTD, VSC, LIX… rải rác nhiều đợt trong năm. Không gây chú ý, nhưng Công ty Quản lý quỹ Vietnam Asset Management (VAM) cũng đã thành công với quỹ mới Hong Leong Vietnam Strategic Fund (HLVSF), quy mô vốn 31 triệu USD. Bên cạnh đó, thông tin từ một số CTCK hàng đầu cho biết, NĐT đến từ các quốc gia Đông Á đã tham gia sâu hơn vào TTCK Việt Nam.
Hoạt động nổi bật trong năm qua của các quỹ có thâm niên là quá trình tái cơ cấu danh mục liên tục: Dragon Capital thoái vốn hoàn toàn ở CII, bán một phần STB, VNM, REE; PXP Asset Managermant công bố nhiều đợt bán ra SAV, VHG, TMS, SSC, KSB, GIL để giảm tỷ lệ sở hữu; MekongCapital thoái vốn tại Masan Food và chuỗi nhà hàng lẩu nấm Ashima để đầu tư vào hệ thống Trường Việt Úc... Tuy nhiên, sự kiện số 1, gây chú ý hơn cả là việc Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited, do Dragon Capital quản lý, suýt bị ép thoái vốn vào tháng 7. Một năm trầm lắng của các quỹ chuyên đầu tư vào Việt Nam kết thúc bằng sự ra đi của một quỹ thuộc Golden Brigde (Hàn Quốc) vào cuối năm. … măng mọc
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tính đến hết tháng 11/2010, tổng số tài khoản của NĐT nước ngoài là 14.731, trong đó có 1.416 NĐT tổ chức, tăng so với đầu năm 1.142 tài khoản, với 267 tài khoản NĐT tổ chức. Con số này tất nhiên khá khiêm tốn so với giai đoạn giai đoạn 2006 - 2007 khi NĐT nước ngoài “đổ bộ” xuống sàn chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, theo thống kê của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), năm 2010 là năm khối ngoại có giá trị mua ròng cao thứ hai trong lịch sử (Xem bảng).
Khi nguồn tài chính bơm thêm cho các quỹ lâu năm chỉ ở mức khiêm tốn, thì các gương mặt mới bắt đầu tạo dấu ấn trên thị trường. Đó là các quỹ mạo hiểm hay các định chế tài chính hàng đầu như Deutsche Bank, Citygroup, HSBC, Crédit Suisse. Các quỹ đầu tư chỉ số ETF mới xuất hiện trên thị trường tròn năm như The Market Vector Vietnam cũng đã cất lên “tiếng nói” riêng. Bằng việc mua vào một số cổ phiếu blue-chip trong quý IV/2010, các ETF đã thành công trong việc “neo” VN-Index, ngăn đà trượt quá sâu. Thông tin về dòng vốn này hiện chưa đầy đủ, chưa được thống kê kịp thời, nên rất khó nhận biết tức thời xu hướng vận động.
Năm 2010 đánh dấu sự thành công trên phương diện “cá nhân” của một số công ty niêm yết trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điển hình có thể kể tới việc Tập đoàn Masan đã huy động khoảng 120 triệu USD từ các tổ chức uy tín như Goldman Sachs, Công ty Tài chính Quốc tế đến các tên tuổi “lạ” như Quỹ Orchid Fund Pte Ltd. Tương tự, vào cuối quý III/2010, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) phát hành thành công 1.100 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu chuyển đổi cho Quỹ Northbrooks Investments (Mauritius) Pte Ltd, thuộc Tập đoàn Temasek Holdings, Singapore. HAG còn phát hành thành công hơn 16 triệu cổ phiếu cho Deutsche Bank Trust Company Americas. CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) thì “bắt tay” với một quỹ thuộc Goldman Sachs, thu về 25 triệu USD. Dù đây là các “giao dịch” không qua sàn, nhưng ghi nhận sự xuất hiện một số gương mặt quỹ mới bên cạnh các tên tuổi đã thành danh. Có thể nói, thành phần NĐT nước ngoài đang có sự chuyển dịch
Thách thức và cơ hội
Năm 2011, dòng chảy vốn ngoại trên TTCK Việt Nam được nhận định là vẫn chịu ảnh hưởng mạnh của tỷ giá và lạm phát. Hai chiếc “van” này sẽ điều tiết dòng chảy vốn ngoại theo hướng khơi thông hay hờ hững đứng ngoài? Hiện tại, dự báo của giới phân tích về dòng vốn ngoại vẫn ở thời tương lai khi dựa trên từng kịch bản về tỷ giá, lạm phát, tăng trưởng… Tuy nhiên, đã có một số thách thức và cả cơ hội hiển hiện khá rõ trong năm 2011.
Sau sự thoái vốn Indochina Capital và Golden Brigde, các NĐT trong nước chuẩn bị chứng kiến ít nhất hai quỹ nước ngoài đến thời hạn đóng quỹ. Đây là hai gương mặt đến từ Đông Á. Quỹ giải ngân vào năm 2006, có thời hạn 5 năm. Dù trong cuộc khủng khoảng kinh tế vừa qua, một số NĐT đã rút bớt vốn về, tài sản của hai quỹ giảm xuống, nhưng quy mô tài sản hiện vẫn đạt hàng trăm triệu USD. Do đó, sự ra đi của hai quỹ có thể không hoàn toàn bình lặng như khi Golden Brigde thoái vốn. Áp lực này đã hiện hữu khi tại thời điểm cuối năm 2010, một vài quỹ Hàn Quốc chào bán một số cổ phiếu lô lớn theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Đây thuần túy là việc tới cơ cấu danh mục hay là hành động “đi trước một bước” do lo ngại TTCK Việt Nam vẫn thất thường về thanh khoản? Nhận xét về áp lực này, ông Fiachra MacCana, Trưởng bộ phận Phân tích CTCK HSC nói rằng: “Đây là vấn đề có tính chu kỳ và hoàn toàn bình thường. Khi một quỹ đến hạn đóng lại thì một quỹ mới lại được mở ra”.
Năm 2010, khi Dragon Capital bán 3,4 triệu cổ phiếu VNM, ngay lập tức một NĐT tổ chức nước ngoài đã thỏa thuận mua cao hơn giá thị trường 15%. Lý do là từ lâu nhiều NĐT tổ chức đã ưa thích mã này, nhưng hết “room”. Nhu cầu của NĐT nước ngoài với nhiều loại chứng khoán Việt Nam như VNM vẫn rất lớn. Bản thân VNM đã đánh tiếng về việc niêm yết trên sàn ngoại. Nhưng giữa kỳ vọng và thực tế có một khoảng cách. Đó là rào cản về chế độ công bố thông tin, lưu ký, chuẩn mực kế toán, chi phí… Tuy nhiên, các khó khăn này có thể sắp được khơi thông.
Bên cạnh những công cụ đầu tư đã xuất hiện như P-notes, một số NĐT tổ chức nước ngoài đang xin phép cơ quan quản lý phát hành chứng chỉ lưu ký DR (Depositary Receipt). Đây là chứng chỉ cho phép NĐT nước ngoài mua cổ phiếu ở các thị trường hải ngoại mà không cần hiện diện ở TTCK địa phương. Thông thường, các công ty niêm yết lớn chuyển cổ phiếu cho một tổ chức phát hành - thường là ngân hàng toàn cầu. Tổ chức này sẽ giữ số cổ phiếu phổ thông trên như tài sản lưu ký, sau đó phát hành giấy chứng nhận ra TTCK nước ngoài. NĐT tại hải ngoại sẽ giao dịch các chứng chỉ này. Nhờ DR, các công ty nội địa có thể huy động vốn quốc tế mà không cần trực tiếp niêm yết tại sàn giao dịch nước ngoài. 16 triệu cổ phiếu mà HAG phát hành cho Deutsche Bank là một “gói” DR. Con đường cho chứng khoán Việt lên sàn ngoại sắp được khơi thông.