Dự án Saigon Sunbay vẫn chưa triển khai được vì thiếu vốn. Ảnh: St |
Bài 2: Dự án Saigon Sunbay: Không nhúc nhích vì... thiếu vốn
Được khởi công từ tháng 12/2007, song Dự án Khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ, Vịnh Mặt Trời (Saigon Sunbay) chỉ dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2010.
Kế hoạch trên được ông Nguyễn Đình Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Biển Cần Giờ (CTC) cho biết khi được hỏi về tiến độ của Dự án trọng điểm sau hơn hai năm làm lễ khởi công. Tuy nhiên, dự định vẫn có thể thay đổi, nếu như chủ đầu tư không tìm được nguồn vốn. Đây là vướng mắc lớn nhất của Dự án Saigon Sunbay hiện nay.
Thời gian qua, nhiều cử tri ở huyện Cần Giờ đã kiến nghị với HĐND Thành phố rằng, dù theo cam kết ban đầu, nhà đầu tư sẽ hoàn thành quy trình san lấp biển trong năm 2010, nhưng tại sao, hơn 2 năm trôi qua kể từ ngày khởi công mà xem ra, Dự án vẫn chưa... nhúc nhích?
Trên thực tế, cuối năm 2007, khi khởi công, Dự án Saigon Sunbay đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi đây là dự án có quy mô lớn (rộng tới 600 ha), lại là khu đô thị du lịch lấn biển tiêu biểu đầu tiên không chỉ của TP.HCM, mà còn của cả nước. Trước ngày dự án khởi động, CTC đã ký kết hợp đồng với Liên doanh các nhà thầu gồm Công ty Semtech Limited (Mỹ) và Công ty CCC Guangzhou Dredging Co., Ltd. (Trung Quốc) để thi công phần hạ tầng lấn biển cho toàn bộ dự án. Theo đó, phía Mỹ đảm trách việc thu xếp tài chính và nhà thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm thi công.
Theo hợp đồng, nhà thầu sẽ ứng vốn thi công phần hạ tầng trong vòng 3 năm đầu. Sau khi hoàn chỉnh, nhà thầu sẽ bàn giao cho CTC và CTC có trách nhiệm thanh toán khoản nợ này. Tuy nhiên, theo ông Thái, hợp đồng đã không thể thực hiện được do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhà thầu cũng không thu xếp được nguồn tài chính 200 triệu USD cho phần san lấp. Hơn nữa, cả CTC cũng gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn.
Theo tính toán ban đầu, Dự án Saigon Sunbay sẽ "nuốt" gần 500 triệu USD, nhưng hiện nay, con số do CTC đưa ra đã lên đến 600 triệu USD (trên 11.000 tỷ đồng). Trong khi đó, phần vốn góp của các cổ đông mới chỉ khoảng 300 tỷ đồng. Hiện tại, dù dự án đã hoàn thành các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản như phê duyệt quy hoạch 1/2000, đền bù trên 50 tỷ đồng cho các hộ nuôi trồng trong vùng dự án (chủ yếu là nuôi nghêu), có giấy phép xây dựng, rà soát bom mìn..., song không có đủ vốn để triển khai.
Xuất phát từ tình hình thực tế, CTC cũng đề xuất một số phương án. Theo đó, trong trường hợp chưa huy động được vốn, CTC sẽ thực hiện trước một tiểu dự án (quy mô khoảng 100 ha), thay vì phải triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, các cổ đông của CTC vẫn muốn kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư có đủ tiềm lực tài chính cả trong và ngoài nước.
Ông Thái cho biết, khi thị trường bất động sản "sốt" như đầu năm 2008, không dưới 3 quỹ đầu tư đề nghị mua lại 30% cổ phần trong dự án với giá cao gấp 2,5 lần so với giá trị thực, nhưng CTC không chấp thuận. Còn hiện nay, HĐQT CTC đề ra chủ trương, nhà đầu tư có thể nắm giữ đến 80% cổ phần, đồng nghĩa với việc CTC không nắm quyền chi phối dự án.
Song song với việc chọn nhà thầu mới có năng lực tài chính (hiện tại, CTC đang nhắm đến một nhà thầu của Australia), CTC cũng nhắm đến phương án vay vốn nước ngoài để chứng minh với nhà thầu rằng, chủ đầu tư hoàn toàn có khả năng thu xếp tài chính. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại của CTC hiện nay là chưa một ngân hàng nào trong nước đứng ra bảo lãnh cho dự án và CTC cũng chưa tự tin vào phương án trả nợ.
Khi được hỏi, nếu chưa thu xếp được tài chính, liệu việc triển khai Dự án Saigon Sunbay có tiếp tục bị gián đoạn, đại diện CTC cho rằng, dù mọi người nghi ngại về kinh nghiệm xây dựng dự án lấn biển, nhưng điểm mấu chốt lại nằm ở nguồn vốn và nếu không có lời giải trong năm nay, việc triển khai có thể dời sang... năm 2011.
(Bài 3: Dự án Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam: Chưa triển khai vì... chờ thị trường!)
(Theo Hải Âu // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com