Dự án xây dựng khách sạn SAS Royal đã bị dừng lại. |
Trước đó, theo văn bản của SIH gửi UBND thành phố Hà Nội, nhà đầu tư này đã đưa ra 6 khoản thiệt hại sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng triển khai dự án khách sạn SAS Royal vào tháng 4/2009. Tổng số tiền thiệt hại mà doanh nghiệp này đòi bồi thường lên đến gần 80 triệu USD, trong đó riêng khoản thiệt hại do mất cơ hội đầu tư lên tới hơn 63,7 triệu USD.
Theo luật sư Ngô Cao Tùng, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thẩm định giá Á - Âu, về nguyên tắc, việc bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do dừng xây dựng khách sạn trên có liên quan đến ngân sách Nhà nước, nên UBND thành phố Hà Nội mời Kiểm toán Nhà nước tham gia tính toán thiệt hại là hợp lý. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, chỉ có thể kiểm toán được phần vốn góp, khoản vay bổ sung, chi phí phát sinh… chứ không thể thẩm định được phần chi phí cơ hội.
“Khoản thiệt hại lớn nhất mà phía chủ đầu tư đưa ra là khoản chi phí cơ hội, mà khoản này không tính toán chính xác được, vì dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động đâu mà biết được cụ thể mức lợi nhuận nó mang lại. Do vậy, đây chỉ là ý kiến chủ quan của phía nhà đầu tư và không dễ để thẩm định mức chi phí này cũng như đi đến thỏa thuận giữa hai bên”, ông Tùng nhận định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Việt Nam (Bộ Tài chính) lại cho rằng, sẽ có đủ yếu tố để thẩm định mức chi phí cơ hội của dự án trên. Còn các khoản khác mà SIH đưa ra như vốn góp bằng tiền mặt của SIH, vốn vay, khoản vay bổ sung, chi phí phát sinh... còn phụ thuộc vào việc SIH đã giải ngân vốn góp được bao nhiêu, đã trả cho các nhà thầu và công ty tư vấn bao nhiêu… "Vì thế con số thực tế phải bồi thường chưa chắc đã lên tới mức trên", ông Thọ nhận định.
Ông Trần Hữu Trường, nguyên Phó cục trưởng Quản lý giá, hiện công tác tại Bộ Tài chính, cho biết, trường hợp Kiểm toán Nhà nước không đủ thẩm quyền để thẩm định phần chi phí cơ hội lên tới hơn 63 triệu USD mà phía chủ đầu tư đưa ra, thì sẽ nhờ tới cơ quan thẩm định giá của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính hiện có hai công ty về thẩm định giá là Công ty CP Định giá và dịch vụ tài chính; Công ty CP Thông tin và thẩm định giá Việt Nam. Hiện chưa có công ty nước ngoài nào được Việt Nam cấp giấy phép hoạt động về lĩnh vực thẩm định giá trong nước, nên không thể mời công ty nước ngoài tham gia vào việc này.
Phía chủ đầu tư dự án là Công ty SIH Investment đã nhờ Công ty kiểm toán Grant Thornton xem xét lại các số liệu về thiệt hại trước khi chính thức gửi UBND Thành phố Hà Nội. Nếu kết quả cuối cùng của phía chủ đầu tư và của Kiểm toán Nhà nước không trùng nhau và không đi đến được thỏa thuận chung, theo ông Trường, sẽ phải nhờ đến sự can thiệp của tòa án hoặc trọng tài thương mại quốc tế, tùy vào yêu cầu trong hợp đồng.
Các khoản tiền mà UBND thành phố Hà Nội phải bồi thường, theo SIH là: vốn góp bằng tiền mặt của SIH (8,4 triệu USD), vốn vay (4.536.000 USD), khoản vay bổ sung (220.000 USD), phải trả cho các nhà thầu và công ty tư vấn (1,57 triệu USD), chi phí phát sinh (gần 1,2 triệu USD), thiệt hại do mất cơ hội đầu tư (63,7 triệu USD). |
(Theo Đông Nhiên – Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com