Tuyến đường ống dẫn nước của nhà máy nước BOO Thủ Đức vẫn đang... tiếp tục thi công |
Được biết, chủ đầu tư là Cty CP BOO nước Thủ Đức (TDW), công trình được chủ đầu tư thuê tập đoàn CDM International Inc (Mỹ), làm tư vấn, quản lý dự án và giám sát thi công. Nhà thầu thiết kế và thi công là Tập đoàn Hyundai Mobis (Hàn Quốc) - nay đổi tên là Hyundai Rotem. Tuy nhiên, tại “đơn xin được giúp đỡ khẩn cấp”, đại diện Hyundai Rotem cho rằng mình bị TDW “chơi xấu” khi đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ngày 28/7/2008, gói thầu số 1 là nhà máy xử lý nước công suất 300.000 m3 đã được Hyundai Rotem hoàn thành. Tuy đã có nước nhưng do vướng đền bù giải tỏa nên gói thầu thi công 25,7 km đường ống dẫn nước về quận 2,7,9, huyện Nhà Bè vẫn chưa hoàn chỉnh. Tổng kết toàn bộ hai gói thầu thì Hyundai Rotem đã hoàn thành 91% khối lượng công việc.
Ngày 23/9/2008, lấy lý do Hyundai Rotem chậm gia hạn bảo lãnh gói thầu thi công hệ thống ống dẫn nước, Ban Giám đốc TDW đã gửi công văn đơn phương chấm dứt hợp đồng với Hyundai Rotem. Ngay sau đó, ngày 24/09/2008, Hyundai Rotem đã gửi đơn khiếu nại đến UBND TP HCM. Ngoài ra, đại diện Hyundai Rotem cũng có đơn khiếu nại gửi Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước phía Nam.
Căn cứ vào tờ trình của Sở Giao thông Vận tải, ngày 28/11/2008, UBND TP HCM đã có Văn bản số 7403/UBND-ĐTMT với nội dung: Chấp thuận báo cáo của Sở GTVT về việc Cty cổ phần BOO nước Thủ Đức ngưng hợp đồng với Hyundai Rotem là phù hợp. Cũng trong văn bản này, UBND TP HCM khẳng định mặt bằng thi công tuyến ống dẫn nước vẫn chưa bàn giao hết cho nhà thầu.
Sau khi tiếp nhận đơn của đại diện Hyundai Rotem, ngày 22/01/2009, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 576/VPCP, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, giao Chủ tịch UBND TP HCM, chỉ đạo kiểm tra, xem xét khiếu nại của Hyundai Rotem và giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại diện Hyundai Rotem, nguyên nhân chính dẫn đến việc tranh chấp là tiền bảo lãnh thầu. Giá trúng thầu của Hyundai Rotem đối với dự án là 57,3 triệu USD. Theo hợp đồng EPC, ký ngày 6/9/2005, Hyundai Rotem phải cung cấp cho TDW, một “giấy bảo lãnh” trị giá 10% (là 5,7 triệu USD) của tổng giá trị hợp đồng để phòng khi Hyundai Rotem phá sản giữa chừng hoặc không hoàn thành trách nhiệm thi công, thì TDW sẽ được quyền yêu cầu ngân hàng chuyển khoản tiền này để bù vào các thiệt hại. Tuy nhiên, nguyên tắc hợp đồng thì TDW chỉ được giữ “giấy bảo lãnh” chứ không được giữ tiền mặt. Số tiền bảo lãnh sẽ được Hyundai Rotem tạm gửi vào Ngân hàng KEB. Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ phát hành giấy bảo lãnh thầu, cung cấp cho TDW.
Khi bắt đầu khởi công dự án, TDW đã tạm ứng cho Hyundai Rotem 10% tổng giá trị hợp đồng (tương đương 90,5 tỷ). Mỗi đợt thanh toán, TDW giữ lại 10%. Tính đến cuối tháng 2/2008, phần tạm ứng mà Hyundai Rotem còn giữ của TDW là 790 ngàn USD. Trong khi đó, phần bảo lãnh công trình mà TDW hiện đang giữ của Hyundai Rotem là 5.712,964 USD, cùng một số tiền hơn 5 triệu USD là kinh phí phải trả theo tiến độ thi công cũng chưa được TDW thanh toán cho Hyundai Rotem.
Tiếp xúc với báo chí, đại diện Hyundai Rotem đã bày tỏ sự bất ngờ về việc Ban Giám đốc TDW liên tục đòi nhận tiền mặt, thay vì phải tuân thủ nguyên tắc chỉ được giữ “giấy bảo lãnh” thầu. Thậm chí, ông Seong Gon Choi - Giám đốc dự án của Hyundai Rotem còn cho rằng họ đã bị chơi khăm, khi vào ngày 23/9/2008, Ngân hàng KEB sau khi đã chuyển toàn bộ 5.712,964 USD vào tài khoản của TDW tại Vietcombank chi nhánh Hồ Chí Minh, thì cũng ngay trong ngày, Ban giám đốc TDW ký công văn chấm dứt hợp đồng với Hyundai Rotem.q
( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com