Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Điamôn Phốtphát (DAP) số 2 vừa được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai sớm hơn thời gian dự kiến trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2010, có tính đến năm 2020.
Nếu theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2010, có tính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó tại Quyết định số 343/2005/QĐ-TTg ngày 26/12/2005, thì trong giai đoạn sau năm 2010 Dự án DAP số 2 mới được triển khai. Tới nay, cùng với việc cho phép Dự án này được triển khai sớm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008. Nhà máy phân bón Điamôn phốt phát (DAP) số 2 của Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem có công suất 330.000 tấn/năm, tổng mức vốn đầu tư là hơn 200 triệu USD. Nhà máy được xây dựng tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Được biết về quy mô, Dự án được đầu tư xây dựng mới một nhà máy sản xuất phân bón DAP trên khu đất diện tích khoảng hơn 70 ha, gồm: Xưởng sản xuất Xít Sunfuríc; Xưởng sản xuất Xít Phốtphoríc; Xưởng sản xuất phân bón DAP; Các xưởng sản xuất phụ trợ phát điện, cấp hơi, nước; Các công trình hành chính sinh hoạt, kho tàng, phục vụ sản xuất.Đầu tư Nhà máy sản xuất phân bón Điamôn phốtphát (DAP) số 2 có công suất 330.000 tấn/năm - Ảnh minh họa
Tính đến thời điểm tháng 1/2010, Dự án đã tiến hành một số công việc liên quan đến thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần DAP số 2 đã lên kế hoạch đấu thầu dự án đầu tư Nhà máy phân bón Điamôn Phốtphát (DAP) số 2; thực hiện bồi hoàn giải phóng mặt bằng giai đoạn 1; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường,...
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, mục tiêu đầu tư xây dựng Nhà máy DAP số 2 là nhằm nâng sản lượng phân bón DAP sản xuất trong nước lên 660.000 tấn/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường về phân bón DAP, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên có sẵn của Việt Nam.
Kế hoạch thời gian thực hiện dự án trong khoảng 45 tháng.
(Theo Hà Phương // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com