Mặt bằng xây dựng nhà máy Giấy Lee & Man vẫn chưa san lấp xong. Ảnh: Hoàng Vũ. |
Khởi công từ đầu tháng 8-2007, nhà máy Giấy Lee & Man (Hồng Kông) ở Hậu Giang, lớn nhất Việt Nam, với vốn đầu tư lên tới 1,2 tỉ đô la Mỹ hiện nay ra sao?
Trả lời TBKTSG, ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, khẳng định: “Đang triển khai bình thường. Dự án đã đạt 60 - 70% khối lượng xây lắp. Cuối năm nay hoặc đầu năm tới, nhà máy sẽ đi vào sản xuất”.
Nhưng thực tế diễn ra trái ngược! Được chủ đầu tư tuyên bố là giai đoạn 1 của dự án sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2009, nhưng đến giữa tháng 4-2009, mặt bằng xây dựng nhà máy này ở xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, vẫn còn ngổn ngang và chưa hề có nhà xưởng nào mọc lên mà chỉ có rải rác... vài cây trụ điện, vài thanh sắt lớn. Chỉ có một nhóm công nhân uể oải làm việc. Một người dân sinh sống lân cận cho biết gần đây công trình này chỉ thi công cầm chừng.
TBKTSG đã cố gắng liên lạc với ông Tôn Lâm, người đại diện của Lee & Man tại Việt Nam, để tìm hiểu thông tin, nhưng các số điện thoại đều không thể liên lạc, kể cả số điện thoại văn phòng tại Hà Nội.
Hồi năm 2007, sau khi Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có công văn, trong đó có nêu thắc mắc về khả năng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, bởi nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong khu vực chắc chắn chỉ đáp ứng chưa tới 20% công suất nhà máy, phía Lee & Man đã cử cán bộ đi làm việc với một số tỉnh để bàn việc xây dựng vùng nguyên liệu.
Nhưng tại Cà Mau, nơi có tiềm năng phát triển vùng tràm nguyên liệu, theo ông Nguyễn Như Độ, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp: “Vào khoảng năm 2007, có đoàn bốn người của Lee & Man đến tìm hiểu, ngỏ ý muốn xây dựng vùng nguyên liệu 5.000 héc ta. Nhưng sau đó, họ lẳng lặng rút và đến giờ chưa thấy quay lại”.
Trong khi đó, một cán bộ tỉnh Hậu Giang thừa nhận, dự án này đang xin giãn tiến độ do chủ đầu tư gặp khó khăn. Cụ thể, Lee & Man bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế.
Cuối năm 2008, theo RISI (nhà cung cấp thông tin và giải pháp khai thác các sản phẩm từ rừng, có trụ sở tại Mỹ), Lee & Man buộc phải bán hai công ty con là HKLM và USLM với giá 26 triệu đô la Mỹ cho một công ty thuộc tập đoàn Worthy Pick tại đảo Virgin (Anh). Tiếp đó, Lee & Man phải dừng kế hoạch mở rộng hoạt động của mình cũng như tạm dừng dự án nhà máy giấy Hậu Giang đến cuối năm 2010.
Do khủng hoảng kinh tế, thời gian qua các nhà sản xuất giấy trên thế giới liên tục cắt giảm công suất nhằm cân đối cung cầu. Cũng theo RISI, tập đoàn giấy Nippon khổng lồ của Nhật cũng vừa tuyên bố các kế hoạch nhằm ngừng hoạt động vĩnh viễn 15 máy xeo giấy, bìa và máy tráng, đồng thời tạm ngừng sản xuất các máy xeo giấy ở những nhà máy khác đến cuối tháng 9-2009. Hồi tháng 9 năm ngoái, Nippon cũng đã đóng cửa ba nhà máy tại Nhật có tổng công suất 231.000 tấn/năm.
Đại diện một công ty kinh doanh giấy ở TPHCM cũng cho biết, các nhà máy giấy trong nước cũng đang gặp khó khăn, một số dây chuyền sản xuất ngưng hoạt động, lượng tồn kho hiện vào khoảng 100.000 tấn. Cả nước đang có khoảng 17 dự án giấy và bột giấy có quy mô lớn đang triển khai đầu tư, nhưng phần lớn chậm tiến độ do thiếu vốn, vướng thủ tục, quy hoạch vùng nguyên liệu chưa sát với thực tế... Tuy vậy, các loại giấy nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan có thuế suất đến 29% vẫn tiêu thụ được do công nghệ tiên tiến nên chất lượng tốt.
Còn công nghệ nhà máy tại Hậu Giang? Theo một cán bộ ở cảng Cần Thơ, Lee & Man đã nhập máy móc thiết bị và gửi ở kho của cảng này gần một năm qua. “Nhưng phần lớn là thiết bị cũ, chắc dời từ nhà máy ở Trung Quốc sang”, ông này nói. Mới đây, Lee & Man đã cho chở các máy móc, thiết bị cũ này đi và để chuẩn bị nhập tiếp lô thiết bị khác
(Theo Hồ Hùng - Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com