Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam vào Myanmar (AVIM), trong chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 19 đến 21/12/2011, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cam kết và được cấp phép đầu tư vào Myanmar trong các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bất động sản, khai khoáng.
Trong đó, dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trên diện tịch 8 héc ta tại Yangon được xem là có vốn đầu tư cao nhất. Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu đô la Mỹ, dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản này sẽ được thực hiện theo hình thức BOT trong thời gian 60 năm.
Trong khi đó, về lĩnh vực sản xuất dược phẩm thì dự án liên doanh sản xuất dược phẩm giữa Tập đoàn ASV Pharma Corporation và Công ty Myanmar Entrepreneur Investment Group có tổng mức đầu tư ước tính 20 triệu đô la Mỹ tại Yangon, sản xuất các loại thuốc kháng sinh, thuốc tiêm và dịch truyền.
Theo AVIM, lĩnh vực phát triển nông nghiệp thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất.Chính phủ Myanmar đánh giá rất cao hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ trên tinh thần hai bên cùng có lợi; đồng thời mong muốn Việt Nam tiếp tục giúp Myanmar sớm có một nền nông nghiệp phát triển, góp phần nâng cao mức sống của người dân tương tự như mô hình và cách làm của Việt Nam.
Cụ thể dự án liên doanh trong lĩnh vực sản xuất giống và kinh doanh nông nghiệp của công ty Viettranimex với đối tác là Công ty Sann Shwe Li Co .Ltd có tổng mức đầu tư khoảng 15 triệu đô la Mỹ. Dự án sẽ triển khai trên diện tích 10.000 héc ta tại Nay Pyi Taw. Hiện Viettranimex đang trồng trình diễn 12 giống lúa tại trang trại của Tổng thống và Công ty Sann Shwe li.
Trong lĩnh vực này còn có dự án liên doanh đầu tư khu phức hợp dịch vụ nông nghiệp giữa Vinacapital, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty Green Asia của Myanmar bao gồm trồng, cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nhà máy xay xát lúa gạo (công suất có thể mở rộng đến 250.000 tấn), sản xuất bao bì, mì gói, sản xuất nông sản xuất khẩu… tại huyện East-Dagon, Yangon. Tổng mức đầu tư dự kiến 55 triệu đô la Mỹ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến 15 triệu đô la Mỹ bao gồm nhà máy xay xát gạo (công suất 100.000 tấn/năm) và hệ thống kho chứa, nhà máy sản xuất bao bì, mì gói và trang trại sản xuất lúa giống.
Bên cạnh những dự án đã được cấp phép, một số dự án khác của các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến cũng sẽ đạt được liên doanh và cấp phép trong thời gian tới như dự án khai thác đá marble của Simco Sông Đà, sản xuất mía đường, trồng và chế biến bông, nhà máy sản xuất bia, nước giải khát, nhà máy sản xuất xi măng; sản xuất thiết bị nội thất…
Theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch AVIM, so với hơn 1 năm trước đây Chính phủ Myanmar có quyết tâm rất cao về việc sửa đổi cơ chế chính sách trong đầu tư nước ngoài với mục đích nhanh chóng đưa Myanmar trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Myanmar có thiện chí, dành tình cảm chân thành và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế giữa Myanmar và Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam cần kiên trì bền bỉ trong việc thăm dò khảo sát và tăng cường hiểu biết, nắm vững, cập nhật sự thay đổi về cơ chế, chính sách và luật pháp Myanmar để chủ động trong quá trình đàm phán và hợp tác với phía bạn theo nguyên tắc an toàn, bền vững hai bên cùng có lợi với sự chân thành và thiện chí.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com