Đại biểu HĐND TPHCM Trương Trọng Nghĩa chất vấn về chuyện tăng vốn dự án metro Bến Thành-Suối Tiên tại kỳ họp HĐND - Ảnh: Văn Nam |
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên đội vốn lên cao so với ban đầu dù chưa xây dựng là đề tài nóng bỏng tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, liên quan nhiều tới việc thẩm định, thuê tư vấn nước ngoài và vai trò của phản biện.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, dự án metro Bến Thành-Suối Tiên (có vốn dự toán ban đầu gần 1 tỉ đô Mỹ), sau khi đấu thầu tư vấn thì có một loạt nhà đầu tư Nhật tham gia. Lúc này, Ban Đấu thầu tư vấn thành phố mới cụ thể hóa thiết kế ban đầu và đề xuất tăng vốn lên thành 2,3 tỉ đô la Mỹ, mặc dù ý kiến tăng vốn này được xem là có thẩm định, nhưng lại do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thuê thẩm định.
“Nếu tôi là một công ty Singapore được JICA thuê thẩm định thì tôi là người làm thuê, tất nhiên tôi sẽ phục vụ cho người đó. Tư vấn này nói là thẩm định khách quan, nhưng thực sự chưa hẳn như vậy”, đại biểu Nghĩa chất vấn.
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên có tới 2 lần thẩm định do JICA thuê đơn vị thẩm định Singapore và cho rằng tăng vốn là hợp lý, nhưng ông Nghĩa đặt vấn đề rằng phía Việt Nam phải có phản biện về vấn đề này. “Tôi đề nghị phải để Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam có cơ hội tham gia phản biện, thẩm định lại dự án này”, đại biểu Nghĩa đề nghị.
Dự án metro Bến Thành-Suối Tiên, riêng phần tư vấn lên tới 70 triệu đô la Mỹ. Do vậy, ông Nghĩa cho rằng Sở Giao thông vận tải có dành khoản kinh phí (vài trăm triệu đồng) để các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu hồ sơ, xem xét việc tăng vốn từ 1 tỉ lên 2,3 tỉ đô la có hợp lý hay chưa?
"Có thể chuyện này chưa có tiền lệ, nhưng nếu chúng ta cứ lệ thuộc vào vốn ODA, lệ thuộc vào JICA, lệ thuộc vào những công ty tư vấn do người cấp vốn thuê thì họ muốn tăng bao nhiêu thì tăng, còn chúng ta thì bất lực", ông bức xúc.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Phượng, tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam. Trước đây, Bộ Giao thông vận tải chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của đường sắt đô thị là như thế nào. Phải mất 2 năm bộ mới trả lời được, nhưng cuối cùng thành phố phải lấy bộ tiêu chuẩn của nước ngoài mà thành phố cho là hợp lý để áp dụng cho Việt Nam. “Vì đây là tuyến metro đầu tiên nên khi hình thành dự án thì không tránh khỏi những thiếu sót”, ông Phượng thừa nhận.
"Thành phố sẽ làm cả thẩy 6 tuyến metro. Bến Thành-Suối Tiên là tuyến đầu tiên mà chúng ta đã không có cách thẩm định, để phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị tài trợ vốn, liệu chúng ta sẽ 'chịu đựng' bao nhiêu vốn nữa cho 5 tuyến metro tiếp theo? Nếu tiếp tục không có giải pháp, tôi không tin rằng con số sẽ dừng ở 2,3 tỉ đô la Mỹ, mà trong quá trình thi công, tôi nghĩ rằng sẽ còn tiếp tục đội vốn nữa”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lo lắng. |
Ông Phượng liệt kê một số yếu tố làm đội vốn dự án metro chưa thi công này.
Yếu tố thứ nhất là do trượt giá các loại vật liệu. Dự án metro này được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2007, thời kỳ bắt tay nghiên cứu là từ năm 2003, nên thành phố lấy toàn bộ giá trong thời gian nghiên cứu đưa vào tính, nhưng giá vật tư, nguyên liệu từ năm 2007 đến 2009 đã tăng lên rất nhiều. “Chỉ trong 3 năm, từ 2006 đến 2009, giá vật liệu xây dựng đã tăng đến 40% rồi, thậm chí có nhiều loại vật tư tăng đến 100%”, ông Phượng nói.
Yếu tố thứ hai là do đây là tuyến metro đầu tiên nên chưa có kinh nghiệm trong lập dự án. "Chúng ta làm nhưng chưa biết gì cả, cho nên từ năm 2006 đến 2008, chúng ta tiếp nhận nhiều công nghệ mới. Thành phố cũng cho cán bộ đi nước ngoài tham khảo. Sau khi đi nước ngoài, chúng ta mới thấy dự kiến ban đầu về metro còn quá thiếu", ông Phương cho hay.
Yếu tố nữa là trước đây, quy định của Bộ Xây dựng cho khoản “dự phòng phí” còn quá thấp. Bây giờ mới mở ra, ưu tiên cho tuyến đường sắt đô thị này có khoảng “dự phòng phí” cao hơn để phòng hờ các vấn đề phát sinh khác.
Do vậy, Thủ tướng Chính phủ sau khi nhận báo cáo đầy đủ của thành phố, đã yêu cầu thành phố phải bàn với JICA cùng thẩm định lại và JICA mới thuê một đơn vị của Singapore (một đơn vị có uy tín trong hoạt động xe buýt ở Singapore) tiến hành thẩm định lại toàn bộ dự án metro.
Ông Phượng cũng cho biết thành phố sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm cho 5 tuyến metro còn lại.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Thái Văn Rê, cho biết: “Khoản chi phí thẩm định được JICA bỏ ra để thuê đơn vị của Singapore thực hiện làm cơ sở cho JICA hỗ trợ vốn đầu tư. Theo thông lệ quốc tế thì có một số điều nếu nhà tài trợ có yêu cầu thì chúng ta phải đáp ứng. Sau khi có sự thẩm định cuối cùng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Bộ Xây dựng sẽ trình lên Quốc hội vì có thể số vốn sẽ tăng đến mức Quốc hội phải xem xét". |
(Theo Văn Nam // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com