Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng đầu tư của Dự án đường sắt cao tốc có thể vượt 56 tỷ USD

Nhìn ở tầm chiến lược, Uỷ ban KH-CN-MT tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng ĐSCT.Ảnh: Nguồn Internet
Tán thành với Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội – TP.HCM của Chính phủ ở tầm chiến lược, nhưng Ủy ban Khoa học – Công nghệ - Môi trường cho rằng, tổng vốn đầu tư quá lớn so với khả năng ngân sách.
 
Tiếp tục phiên làm việc chiều 20/5, Quốc hội (QH) đã nghe Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đọc Tờ trình Báo cáo đầu tư dự án ĐSCT Hà Nội – TP.HCM và Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ - Môi trường ( UB KH-CN-MT) Đặng Vũ Minh trình bày.

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM đóng góp trên 90% vào GDP của quốc gia, nên việc đáp ứng nhu cầu đi lại trên trục Bắc - Nam kết nối hai đầu đất nước là một vấn đề rất quan trọng.

Đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ là 534 nghìn hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm (chỉ tính những chuyến đi liên tỉnh), tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 6,59%. Nếu không có ĐSCT thì tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc – Nam không thể đáp ứng nổi.

Với năng lực chuyên chở một chiều bình quân mỗi năm đạt 50 triệu - 70 triệu người, ĐSCT đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2020, sau năm 2035 và trong tương lai trên trục Bắc - Nam.

Theo tờ trình, sau khi nghiên cứu các phương án, các đơn vị khảo sát, tư vấn đề nghị xây dựng đường sắt mới có tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế 350 km/h) phục vụ vận chuyển khách. Dự kiến, quy mô tuyến là 1.570km, với tổng mức đầu tư khoảng 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55,853 tỷ USD. Tổng diện tích đất sẽ phải thu hồi khoảng 4.170 ha đất và 16.529 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng, trong đó 9.480 hộ cần tái định cư.

Về phương án huy động vốn, tờ trình cho thấy mỗi năm bình quân phải huy động khoảng 4,368 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước 570 triệu USD, vốn ODA và vốn vay ít ưu đãi hơn 2,436 tỷ USD, vốn doanh nghiệp 1,268 tỷ USD.

Nếu được thông qua, Dự án sẽ bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012 và đến năm 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – TP.HCM. Đến năm 2030, đoạn Vinh - Đà Nẵng được đưa và khai thác và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Hiện nay, tổng mức đầu tư cho giao thông vận tải chỉ đạt 7% tổng đầu tư. Nếu tính đến Dự án ĐSCT với phương án huy động vốn kể trên thì đầu tư cho giao thông vận tải ở trong khoảng 10–15% tổng mức đầu tư của xã hội. “Như vậy, việc đầu tư vào Dự án ĐSCT vẫn nằm trong giới hạn đầu tư và không ảnh hưởng đến việc cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án ngành khác”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

“Nhìn ở tầm chiến lược, Uỷ ban KH-CN-MT tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết đầu tư xây dựng ĐSCT song song với việc nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đường sắt hiện có”, Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh cho biết.

Tuy nhiên, đa số ý kiến của Uỷ ban KH-CN-MT đề nghị cần làm rõ tính khả thi của một số nhiệm vụ quan trọng của dự án như thời điểm khởi động, khả năng huy động vốn, khả năng cân đối nguồn vốn nhà nước với vốn cho các mục tiêu phát tiển kinh tế - xã hội khác.

Theo ông Minh, để thấy được tính khả thi của Dự án, Chính phủ, chủ đầu tư cần phân tích sâu hơn nhu cầu thị trường vận tải hành khách đối với loại dịch vụ vận tải cao cấp này, những lợi thế vượt trội của việc đầu tư xây dựng ĐSCT với việc đầu tư cho các loại hình giao thông khác.

Chính phủ cũng cần tính toán, rà soát kỹ thời điểm đầu tư hợp lý xây dựng ĐSCT bảo đảm tính khả thi và đạt hiệu quả cao nhất trong khi hệ thống giao thông đường bộ như Quốc lộ 1A luôn được cải thiện, nâng cấp, đường Hồ Chí Minh đang chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2, các tuyến đường ven biển, đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang triển khai; các cụm cảng hàng không cũng như hệ thống đường sắt hiện tại không ngừng được đầu tư nâng cấp.

Bên cạnh đó, các ý kiến của Uỷ ban KH-CN-MT cũng cho rằng, phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này, đặc biệt là đối với những địa phương như TP.HCM, Đà Nẵng hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị.

Ngoài ra, tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư theo Báo cáo đầu tư là 30.437 tỷ đồng. Tuy nhiên, khả năng chi phí này sẽ phải lớn hơn nhiều khi tính đến cả chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân mà dự án chưa tính đến.

Đánh giá về tổng mức đầu tư, Uỷ ban KH-CN-MT cho rằng, nếu như tính toán đầy đủ như vậy, khả năng tổng đầu tư của Dự án sẽ vượt xa so với dự kiến (gần 56 tỷ USD mà Tờ trình đưa ra). Và đây sẽ là thách thức lớn với ngân sách nhà nước.

Hơn nữa, nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tính chung cho toàn ngành giao thông vận tải lên tới gần 160 tỷ USD. Với tổng mức đầu tư của dự án riêng cho giai đoạn đầu là 21 tỷ USD, thì mỗi năm bình quân cần tới 2,63 tỷ USD, phụ thuộc chủ yếu (khoảng 2/3) vào vốn vay nước ngoài gồm ODA và vốn vay ít ưu đãi hơn.

Trong bối cảnh hiện nay nợ nước ngoài của Việt Nam vào khoảng 38,9% GDP, nợ Chính phủ đã ở mức trên 42% GDP, tích lũy nội địa và dự trữ ngoại tệ thấp thì việc vay thêm để đủ vốn đầu tư cho dự án này sẽ làm gánh nặng nợ quốc gia tăng lên đáng kể. ”Uỷ ban KH-CN-MT rất lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy”, ông Minh khẳng định.

(Theo Phan Long // Báo đầu tư)

  • Ông Nguyễn Thanh Nghị: “Đề án đặc khu sẽ là bước ngoặt cho Phú Quốc”
  • Xuất ngoại tìm vốn cho dự án cao tốc
  • Siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Thủ tướng đã đồng ý
  • Hơn nửa dự án BT tại Hà Nội chưa có nhà đầu tư
  • Chuyên gia: Nên đầu tư "xe buýt nhanh" trước khi có metro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!