Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Núp bóng đại gia - Lạm phát ngân hàng

Các tập đoàn kinh tế lập ngân hàng (ảnh minh họa)

Nhìn danh sách các ngân hàng cổ phần đang tồn tại cũng như các ngân hàng đang chờ giấy phép thành lập người ta dễ dàng thấy bóng dáng của các đại gia là những cổ đông sáng lập hoặc cổ đông chiến lược ở trong đó.

Cho đến nay Việt Nam có 4 NHTM NN, 6 NH liên doanh, 37 NHTMCP, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 14 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Với lực lượng ngân hàng hùng hậu như vậy nhưng vẫn có nhiều hồ sơ gửi lên NHNN xin thành lập các ngân hàng mới.

Với chủ trương của Chính phủ cho phép thành lập thí điểm các Tập đoàn kinh tế Nhà nước và các tập đoàn này được phép kinh doanh đa ngành nhiều “đại gia “ (Tập đoàn kinh tế, TCT lớn NN) đã và đang sẵn sàng nhảy vào lĩnh vực ngân hàng với hy vọng thu thêm nhiều lợi nhuận từ lĩnh vực ‘béo bở” này. Nhiều ý kiến khác nhau về việc thành lập các ngân hàng mới đã được đưa ra công luận. Có ý kiến cho rằng không cần hạn chế việc thành lập mới vì đã là kinh tế thị trường thì cứ để cho quy luật thị trường đào thải. Nhiều ý kiến lại cho rằng nước ta đã có quá nhiều ngân hàng rồi, không cần thành lập thêm các ngân hàng mới làm gì. Những ý kiến này viện cớ Trung Quốc với 1,3 tỷ dân mà vẻn vẹn chỉ có 13 ngân hàng, và Singapore cũng chỉ có 3 ngân hàng mà họ vẫn phát triển rất tốt.

Khách quan mà nói nền kinh tế nước ta mới trong giai đoạn chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường chứ chưa phải thực sự là một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Chỉ cần nhìn vào hệ thống ngân hàng – mạch máu của nền kinh tế chúng ta mới chỉ có các NHNN, quốc doanh và thương mại cổ phần chứ chưa có các ngân hàng tư nhân. Kể cả việc ra đời các tập đoàn kinh tế cũng không phải tuân theo quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường mà theo chỉ đạo của Chính phủ chứ chúng ta cũng chưa có các tập đoàn kinh tế tư nhân. Nói tóm lại, nền kinh tế nước ta vẫn do khu vực kinh tế Nhà nước chi phối và là chủ đạo. Như vậy việc nói để cho các quy luật kinh tế thị trường chi phối xem ra có phần miễn cưỡng.

Do khu vực kinh tế Nhà nước là chủ đạo và chi phối nền kinh tế nên việc thành lập thêm nhiều ngân hàng mới trong bối cảnh quản lý kinh tế Nhà nước còn lỏng lẻo và thiếu các chế tài giám sát dễ tạo ra những khe hổng lớn trong hệ thống và có nguy cơ làm tổn thương cả hệ thống.

Lạm phát ngân hàng

Có thể nói năm 2006 và đầu năm 2007 là thời kỳ vàng son của các thị trường chứng khoán, ngân hàng và bất động sản. Giá cổ phiếu các ngân hàng được niêm yết và OTC đều có sức tăng chóng mặt và lợi nhuận kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng đã làm cho nhiều ngành kinh doanh khác thèm muốn và muốn nhảy vào kiếm lợi.

Trước đây việc thành lập ngân hàng chỉ cần có số vốn điều lệ tối thiểu là 70 tỷ VND nên rất dễ dàng cho nhiều DN hay địa phương muốn nhảy vào. Tuy nhiên quy chế mới ( Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ký tháng 6/2007 ) do NHNN ban hành về việc thành lập NHTMCP đã khép lại cánh cửa đối với nhiều tổ chức muốn xin thành lập. Theo quy định mới này, vốn điều lệ được nâng lên tối thiểu là 1000 tỷ VND từ nay đến cuối năm 2008 và trên 3000 tỷ VND từ sau 31/12/2008 với các điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn như: nguồn vốn phải là thuộc sở hữu của cổ đông, không được sử dụng vốn vay dưới mọi hình thức và các tổ chức, cá nhân phải cam kết trước pháp luật về nguồn tài chính này. Các cổ đông là tổ chức không được phép sở hữu quá 20% cổ phần và cá nhân không quá 10%. Cổ đông là DN chỉ được phép tham gia đóng cổ phần vào một ngân hàng . Các cổ đông không được phép chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 3 năm kể từ khi được cấp giấy phép thành lập, riêng các cổ đông sáng lập chỉ được quyền chuyển nhượng lẫn nhau sau thời gian 5 năm kể từ khi có giấy phép…

Cuộc đua tranh thành lập ngân hàng TMCP đạt đỉnh điểm vào thời kỳ đầu năm 2007 khi có tới 25 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép, trong đó có 10 hồ sơ của các tỉnh thành trong cả nước xin thành lập các ngân hàng của tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Khánh Hòa, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Sơn La… Đây cũng là nét đặc thù của hệ thống kinh tế Nhà nước, chẳng giống ai. Có thể nói việc xin giấy phép thành lập ngân hàng của địa phương hay của các đại gia đã trở thành phong trào rầm rộ, báo hiệu nguy cơ lạm phát ngân hàng ở Việt Nam.

Sau khi NHNN ban hành quy chế mới tính đến nay còn có 13 hồ sơ xin thành lập ngân hàng là các ngân hàng: Vân Phong, Trung Nghĩa, Liên Việt, Tiên phong, Việt Tín, Kinh Bắc… Tham gia vào các ngân hàng này là các đại gia như: TCT Bảo Việt, Tập đoàn dệt may, Tập đoàn Dầu khí (PVN), TCT Thép, TCT Sông Đà, FPT, Viettel, SSI, TCT nước giải khát và bia rượu HN…

Rõ ràng với số vốn điều lệ lớn như vậy thì việc liên kết giữa các đại gia vào các liên minh thành lập ngân hàng là điều dễ hiểu. Khi mà TTCK đang thời vàng son trong 2006 và đầu 2007 các cổ phiếu ngân hàng là những cổ phiếu hot nhất. Người ta kháo nhau là An Bình Bank đã có đại gia EVN đứng đắng sau, ngân hàng quân đội thì đã có Viettel tham gia… tạo ra tâm lý an tâm cho khách hàng khi mua các cổ phiếu của ngân hàng mà họ chưa hề biết làm ăn ra sao.

Vì sao lại bát nháo ngân hàng?

Nhìn lại thực tế ta thấy nền kinh tế nước ta mấy năm qua liên tục tăng trưởng cao, các thị trường CK, BĐS, Du lịch, Lao động…đều phát triển nhanh. Lĩnh vực ngân hàng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng lớn đối với một nền kinh tế thị trường chưa phát triển như VN và có một thực tế là trong 3 năm qua tốc độ tăng trưởng kinh doanh của các ngân hàng đều trên 30%. Đó là chưa kể tới việc VN gia nhập WTO và phải đáp ứng các đòi hỏi của WTO sau một thời gian nhất định, tạo điều kiện cho thị trường VN hội nhập vào thị trường thế giới. Đó là những cơ hội thuận lợi cho việc thành lập các ngân hàng TMCP.

Tuy nhiên ở đây người ta mới chỉ nhìn thấy một mặt thuận của vấn đề và những mưu đồ vụ lợi núp sau đó như với một ngân hàng “riêng” của mình thì các đại gia có thể thao túng việc huy động cũng như rút vốn với những điều kiện dễ dàng, dùng vốn huy động trong dân để cho vay lại các đơn vị trong tập đoàn lấy lãi và bằng con đường “lòng vòng” họ tìm cách rút vốn ra đầu tư vào các lĩnh vực khác kiếm lợi… Những rủi ro quản trị ngân hàng rình rập đằng sau thì họ không hề đếm xỉa đến. Rất khó có thể hình dung một ngân hàng có thể hoạt động lành mạnh khi một doanh nghiệp vừa là cổ đông lại cũng vừa là khách hàng, điều mà thế giới xưa nay cấm kỵ.

Nhận định về điều này ông Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực NHNN cho rằng, theo thông lệ quốc tế thì các tập đoàn kinh tế không nên thành lập các ngân hàng riêng. Theo ông thì các nước nói chung đều hạn chế hoặc cấm việc các tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng riêng của mình. Ông cho rằng, kinh doanh chỉ có thể phát huy hiệu quả ở những lĩnh vực gần nhau, trong khi công nghiệp và thương mại lại là hai lĩnh vực xa lạ với tài chính-ngân hàng. Đặc biệt theo ông ngân hàng là lĩnh vực đòi hỏi khả năng quản trị rủi ro rất cao.

Kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy các tập đoàn lớn như Honda, Toyota, Hyundai, Samsung, Sony… họ đều không có ngân hàng riêng của mình. Tuy nhiên họ có thể có cổ phần tại ngân hàng nào đó nhưng họ không có ngân hàng là thành viên của tập đoàn.

Ở đây có thể thấy rõ một điều là các tập đoàn kinh tế nhà nước hay các Tổng công ty NN đã không tìm cách nâng cao khả năng chuyên môn và xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực mà họ được Nhà nước giao cho để có thể ngang tầm khu vực và tiến lên tầm thế giới mà ngược lại họ đã dùng vốn của Nhà nước ưu đãi để đi vào thành lập ngân hàng, một lĩnh vực ai cũng biết là có độ quản trị rủi ro cao, lại thiếu hiểu biết chuyên môn cũng như đội ngũ nhân lực…Họ tìm cách lôi kéo những cán bộ có chuyên môn giỏi đang làm trong các cơ quan NN về với họ với những hứa hẹn thù lao xứng đáng. Điều này lý giải phần nào thời gian qua có nhiều cán bộ CNVC xin nghỉ việc nhà nước như vậy. Theo thống kê của Bộ Nội vụ thì từ 2003-2007 cả nước có 16.000 CNVC xin nghỉ việc tại các cơ quan Nhà nước ra làm bên ngoài, trong đó cao nhất là Bộ Tài chính có tới 1012 người xin ra bên ngoài. Họ là những người có chuyên môn cao, thạo công việc sẵn sàng gia nhập lực lượng của các DNNN với mức lương cao hơn nhiều so với cơ quan NN.

FPT – một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã và đang vươn tay ra khá nhiều lĩnh vực như thành lập công ty CK FPT, Đại học FPT, Ngân hàng FPT… liệu họ có còn đủ nhân tài vật lực để xây dựng thương hiệu FPT để có sức cạnh tranh trong khu vực hay không khi mà họ đầu tư tràn dải như vậy? Những tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Microsoft, IBM, Apple, Toshiba… họ có kinh doanh ngân hàng như FPT hay không?

Nếu cứ để họ đi sâu vào những lĩnh vực như vậy thì sẽ có lúc dẫn đến sụp đổ hệ thống ngân hàng khi mà các khoản vay nợ lớn không có khả năng thanh toán.

Vấn đề quản lý Nhà nước và hậu quả

Về nguy cơ rủi ro lớn của việc các tập đoàn kinh tế tham gia thành lập ngân hàng TMCP đã được các chuyên gia nước ngoài cảnh báo từ trước. Theo ông Noritaka Akamatsu, chuyên gia về chứng khoán của WB tại Việt Nam thì “…đối với các ngành khác , nếu một công ty hoạt động không hiệu quả thì phải phá sản, nhưng với ngành ngân hàng thì việc phá sản là điều khó có thể chấp nhận được vì nó tạo ra hiệu ứng hệ thống, gây ra những tác động khó lường. Đối với bản thân các tập đoàn, hiện nay lợi nhuận của các ngân hàng là khá cao nhưng trong tương lai thì chưa chắc. Còn nếu các tập đoàn nghĩ khi thành lập ngân hàng sẽ được tiếp cận dễ dàng với những nguồn tín dụng và rẻ hơn thì sẽ vi phạm qui định về sự an toàn trong cung cấp tín dụng. Ở các nước, đây là điều không được phép”.

Mặc dù NHNN quy định một DN chỉ được tham gia góp cổ phần vào một ngân hàng và không được góp vốn quá 20% vốn điều lệ, song trên thực tế vẫn có những vi phạm không hề được cảnh báo. Đó là việc Tập đoàn Bảo Việt tham gia đóng góp tới 40% (600 tỷ VND) vốn điều lệ vào thành lập NHTMCP Bảo Việt và đã được NHNN cấp phép về nguyên tắc cho thành lập vào đầu tháng 12/2007. Trường hợp thứ hai là PVN đã là cổ đông của ngân hàng dầu khi toàn cầu (GP Bank) với số vốn 9,5% vốn điều lệ (9,5 tỷ VND) nay lại đệ đơn xin thành lập ngân hàng Hồng Việt với vốn góp 20% (1000 tỷ VND) và cũng đã được NHNN đồng ý về nguyên tắc. (?)

Vấn đề đặt ra là tại sao NHNN đề ra quy định mà vẫn để các DN vi phạm qui định như vậy? Trường hợp ngân hàng Hồng Việt vừa qua với sự rút lui của PVN đang để lại hậu quả cho các cổ đông phải giải quyết. Các cổ đông sáp lập NH Hồng Việt còn có: VIP với vốn góp 450 tỷ VND (9%), TCT Hàng Không – 150 tỷ (3%), Tập đoàn Hòa Phát – 400 tỷ (8%), Cty TNHH ĐTTC IPA – 250 tỷ (5%), TCT nước giải khát-rượu bia HN – 250 tỷ (5%). Đáng tiếc thay các cổ đông nhỏ lẻ là những nhân viên của PVN đã được quyền tham gia mua cổ phần của Hồng Việt Bank mà không hề lường trước được rủi ro đang rình ập đến. Với cách quản lý Nhà nước như hiện nay thì sẽ còn những nạn nhân tương tự như Hồng Việt là điều khó tránh khỏi.

Ngày 8/8/2008 Thống đốc NHNN đã có văn bản số 717/NHNN-CNH thông báo tạm dừng cấp giấy phép thành lập ngân hàng mới là một việc làm cần thiết để rà soát lại toàn bộ hệ thống và quy trình thành lập NHTMCP, để từ đó có những biện pháp quản trị rủi ro an toàn cho toàn hệ thống. Một lần nữa vấn đề quản lý sao cho hiệu quả các DNNN lại là đề tài nóng hổi được đặt ra trong chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách kinh tế ở nước ta.

(Theo Báo điện tử Tổ Quốc)

  • IMF dự báo lạm phát Việt Nam vượt 8%
  • UBGSTCQG: Lạm phát và tiền tệ tiếp tục là áp lực trong những tháng cuối năm
  • Cuộc khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra vào tháng 9?
  • Cựu Thống đốc kể chuyện giảm lạm phát từ 700% về 5%
  • Lạm phát, đừng nói không đáng lo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!