Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Áp lực lợi nhuận với đồng vốn tăng thêm

Tăng vốn là điều kiện cần thiết để các ngân hàng Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khi tăng trưởng tín dụng năm 2011 phải siết chặt dưới ngưỡng 20%, tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất dần bị thu hẹp và nhiều áp lực vĩ mô khác, nhiều ngân hàng đang chịu áp lực phải tăng lợi nhuận sao cho tương ứng với đồng vốn tăng thêm.

Mùa ĐHCĐ năm 2011 đang khép lại với không ít nỗi lo cho HĐQT và ban điều hành của các nhà băng, khi áp lực lợi nhuận và cổ tức gia tăng. Bởi vốn điều lệ càng tăng thì ngân hàng phải đảm bảo được lợi nhuận và quyền lợi của cổ đông ở mức tương đối phù hợp. Trong khi đó, tình hình thị trường năm 2011 dự báo sẽ có nhiều thách thức đối với hoạt động của ngành, nhất là khi tín dụng không thể vượt qua mục tiêu kiểm soát 20% của NHNN đưa ra. Đồng thời, một số hoạt động khác phải co lại, chẳng hạn như tín dụng bất động sản, chứng khoán, cũng như huy động và cho vay vàng…

Trên thực tế, nếu không tăng vốn điều lệ, các ngân hàng cũng khó nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như quy mô hoạt động, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ và đặc biệt hơn nữa là để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN lên mức 9%. Mặt khác, tăng vốn sẽ tạo thêm điều kiện để các nhà băng đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn, đặc biệt là vốn trung dài hạn của khách hàng là dân cư và tổ chức kinh tế, trước tình hình huy động vốn ngày càng trở nên khó khăn. Vì thế, tất cả các nhà băng đều xây dựng kế hoạch tăng vốn trong năm nay.

Trong đó, các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ như HDBank sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.450 tỷ đồng trong năm 2011; TrustBank tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng hay OceaBank tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng; Saigonbank tăng lên 3.500 tỷ đồng, SouthernBank tăng từ 3.000 lên 4.000 tỷ đồng… Đáng chú ý là khối ngân hàng cổ phần quy mô vốn lớn như: VCB, Eximbank, Techcombank, ACB, Sacombank, MB… cũng không đứng ngoài cuộc đua tăng vốn. Theo đó, Eximbank tăng vốn từ 10.560 tỷ đồng lên trên 12.355 tỷ đồng. Vốn điều lệ của VCB sẽ tăng từ trên 17.587 tỷ đồng lên hơn 24.622 tỷ đồng. Với kế hoạch đã thông qua ĐHCĐ năm nay, Sacombank tăng thêm trên 1.560 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ của Ngân hàng từ 9.179 tỷ đồng hiện nay lên 10.739 tỷ đồng, dự kiến thực hiện vào cuối năm. Ngày 26/4, vừa qua, ACB đã thông qua ĐHCĐ phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 9.376 tỷ đồng lên trên 11.252 tỷ đồng, còn chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đặt ra cho năm nay là 4.100 tỷ đồng. MB đặt mục tiêu kế hoạch năm 2011, với mức vốn điều lệ tăng lên 10.000 tỷ đồng từ con số 7.300 tỷ đồng hiện nay và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 2.900 tỷ đồng. Techcombank cũng tăng vốn điều lệ lên 8.788 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng đặt ra năm nay là 4.000 tỷ đồng.

Vì thế, cung cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng mạnh vào cuối năm. Trong khi đó, cầu về cổ phiếu ngân hàng hiện không những khó tăng mà còn có dấu hiệu sụt giảm trước áp lực giảm giá của TTCK cũng như việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2011.

Mặc dù cổ phiếu ngân hàng phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên trong năm nay đều được ấn định một mức duy nhất bằng mệnh giá, nhưng theo nhận định của các chuyên gia ngành chứng khoán, nằm trong xu hướng chung của TTCK năm 2011, cổ phiếu ngân hàng cũng đòi hỏi phải có thời gian mới có thể phục hồi khi kinh tế ổn định trở lại. Vì thế, dù giá cổ phiếu "vua" hiện đã giảm xuống mức thấp, nhưng vẫn khó thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn đối với các nhà băng trong kế hoạch phát hành cổ phiếu năm nay là khả năng sinh lời của đồng vốn tăng thêm. Theo phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng đang có kế hoạch tăng vốn, với chính sách thắt chặt tiền tệ và kiểm soát tăng trưởng tín dụng hiện nay thì việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động về cũng đã khó khăn. Và điều này đòi hỏi ban lãnh đạo ngân hàng phải tính toán khá kỹ lưỡng mới có thể đảm bảo được lợi nhuận.

Trong khi đó, phần vốn điều lệ tăng thêm của ngân hàng trên vào cuối năm trước vừa mới được đưa vào sử dụng trong năm nay. Như vậy, phần vốn điều lệ tăng thêm của năm rồi cũng như kế hoạch tăng tiếp trong năm nay trước mắt sẽ được HĐQT ngân hàng lên kế hoạch đưa vào sử dụng cho việc đầu tư. Tuy nhiên, rủi ro trong đầu tư ở bối cảnh thị trường năm 2011 là khá cao. Vì thế, đòi hỏi HĐQT ngân hàng phải tính toán kỹ và hết sức thận trọng để có thể đảm bảo được đồng vốn cũng như khả năng sinh lãi và quyền lợi cho các cổ đông.

Theo đánh giá của ông Tô Huy Lâm, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, để đạt được hiệu quả sinh lời cho đồng vốn tăng thêm trong bối cảnh thị trường năm nay là khá khó khăn. Trong đó, áp lực lớn thuộc về những nhà băng quy mô vừa và nhỏ.

Theo một nguồn tin từ lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. HCM, đã có kiến nghị từ các ngân hàng nhỏ và NHNN đang nghiên cứu theo hướng, nếu được sẽ không tính phần vốn điều lệ tăng thêm của các nhà băng nhỏ cuối năm qua vào phần tăng trưởng tín dụng 20% trong năm nay. Có nghĩa, để tạo điều kiện cho ngân hàng nhỏ, NHNN sẽ không tính phần vốn điều lệ tăng thêm của các đơn vị này đưa vào kinh doanh trong tổng tăng trưởng tín dụng 20% theo quy định của NHNN áp dụng cho toàn hệ thống.

Bởi thực tế, nếu tính luôn cả phần vốn điều lệ tăng thêm ở cuối năm rồi mà các ngân hàng nhỏ đưa vào kinh doanh thì tăng trưởng tín dụng 20% năm nay sẽ rất nhỏ. Trong khi đó, theo nhận định của ông Lâm, hoạt động ngân hàng năm nay rất khó khăn và có thể nói là khó khăn hơn cả năm 2008. Vì với tình hình hiện nay, không chỉ khách hàng mà các ngân hàng cũng gặp khó trước áp lực lãi suất còn ở mức cao.

Nếu NHNN tiếp tục siết tín dụng và tình hình thị trường chưa khả quan trong nửa cuối năm 2011 thì khách hàng, nhất là khối DN sẽ gặp khó trong việc trả nợ vay cho nhà băng. Khi đó, nợ xấu của ngành có nguy cơ phát sinh và để hạn chế nợ xấu thì ngân hàng chỉ còn cách chọn lọc kỹ khách hàng trước khi trao vốn.

Khối ngân hàng lớn cũng không hẳn đã "dễ thở" với áp lực lợi nhuận trong năm nay. Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho rằng, lợi nhuận của các ngân hàng, nếu nghe con số tuyệt đối thì lớn, nhưng vốn chủ sở hữu cũng rất lớn. Tại ACB, vốn chủ sở hữu hiện là 10.000 tỷ đồng và với mức lợi nhuận trên vốn nằm ở mức 25 - 27% là hoàn toàn không cao trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam.

"Nếu nhìn lại danh mục các ngân hàng, 500 ngân hàng châu Á, trong đỉnh điểm của khủng hoảng, vẫn có gần 100 ngân hàng đạt lợi nhuận trên vốn cổ đông của họ là 30% và có 30 ngân hàng đạt lợi nhuận trên vốn cổ đông là 50%", ông Hải nói.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Cho vay tiêu dùng giảm mạnh
  • Một số ngân hàng phá rào lãi suất
  • Ngân hàng hết sốt cổ đông chiến lược ngoại
  • Khi khách VIP “sính ngoại”
  • Ngân hàng vẫn 'đi đêm' lãi suất với khách quen
  • Ngân hàng “chê” ngoại tệ
  • Chính thức ngừng phát hành tiền xu
  • MDBank: Tiến công ra Bắc
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!