Mùa đại hội cổ đông năm nay, chuyện tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài không còn xuất hiện nhiều trong các tờ trình, nghị quyết mà ngân hàng muốn xin ý kiến cổ đông.
Ba năm trước, đặc biệt năm 2007-2008, các ngân hàng cổ phần đua nhau lên kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và coi đây như một yếu tố làm nên thành công trong hoạt động kinh doanh cũng như quảng bá thương hiệu. Nhưng thực tế, những cuộc tìm kiếm có hậu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cuối năm 2008 đầu 2009, khủng hoảng tài chính bùng nổ, Ngân hàng An Bình (ABBank) hoàn tất thương vụ bán cổ phần cho Maybank (Malaysia). Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank khi đó tự hào coi là điểm sáng của hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng. Đến 2010, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) lên kế hoạch nắm 10% cổ phần ABBank, “room” vốn ngoại tại đây dự kiến được lấp đầy.
Tháng 9/2010, Commonwealth Bank (Australia) hoàn tất kế hoạch đầu tư vào Ngân hàng Quốc tế (VIB) và trở thành cổ đông chiến lược ngoại. Chủ tịch HĐQT Hàn Ngọc Vũ đánh giá đây là một nhân tố cho sự phát triển mới của VIB. Thị trường thì xôn xao vì giá VIB bán cho đối tác này cao hơn rất nhiều so với thị giá cổ phiếu của các nhà băng Việt Nam đang niêm yết.
Đầu năm nay, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo hoàn tất việc chào bán cổ phần cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC). Con số 1.854 tỷ đồng thặng dư VietinBank thu về được giới đầu tư bình luận như một yếu tố để đong đếm sự thành công…
Những ngày gần đây, sự chú ý của giới đầu tư dồn về Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) với thông tin hoàn tất kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược ngoại ngay năm nay. Kế hoạch không mới, bởi tính hiện thực của nó được chờ đợi suốt ba năm qua. Một phần kế hoạch của Vietcombank nằm trong cơn sốt cổ đông chiến lược nước ngoài từng bùng nổ trước năm 2008, một phần gắn với đề án thí điểm cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh với tiêu chí có cổ đông chiến lược ngoại. Hiện chưa rõ khả năng của lần này như thế nào.
Không chỉ riêng Vietcombank, nhiều nhà băng khác vẫn chưa thể thành công trong kế hoạch tìm kiếm người đồng hành có yếu tố nước ngoài, dù đã liên tiếp đặt ra trong các kỳ đại hội cổ đông trước; thậm chí một số trường hợp lập hẳn ban chuyên trách, giao trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân. Nhưng mùa đại hội cổ đông năm nay, yêu cầu đó đã lắng xuống trong các tờ trình, nghị quyết.
Ngân hàng Quân đội (MB) một thời cũng rất sốt sắng với kế hoạch tìm kiếm đối tác ngoại. Nhưng giờ đây, lãnh đạo nhà băng này nhận định cổ đông chiến lược nước ngoài hiện nay không còn quá “hot” bởi có nhiều câu hỏi được đặt ra.
“Có cổ đông chiến lược nước ngoài thì mình được những gì? Nếu không có thì mình có thua kém những ngân hàng đã có hay không? Và tại sao đến giờ mình vẫn chưa có? Theo tôi, không cứ phải là có cổ đông chiến lược nước ngoài”, vị lãnh đạo này đặt vấn đề.
Theo ông, cái được khi có đối tác ngoại đó là sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành. Nhưng, thực tế thời gian qua nhiều ngân hàng thuần Việt vẫn tăng vốn suôn sẻ, hiệu quả hoạt động vẫn ngang ngửa, thậm chí vượt trội so với ngân hàng có yếu tố ngoại.
“Trước hàng loạt vấn đề đặt ra trong ba năm sóng gió vừa qua, chúng tôi vẫn quản trị được, vẫn vững vàng, các chỉ tiêu tăng trưởng và các chỉ số cơ bản tốt hơn qua các năm. Điều đó có nghĩa tôi không cần thiết để ông ở ngoài vào ngồi quản trị”, vị lãnh đạo MB nói.
Điều mà MB lo lắng khi chọn đối tác ngoại đó là nguy cơ xung đột lợi ích, nếu đối tác đó đã hoặc sẽ là ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. "Họ nắm được lõi của mình thì cạnh tranh trong tương lai sẽ ra sao, dù có thể chưa trực diện? Và có đảm bảo được rằng mình sẽ mất khách hàng từ chính mối quan hệ này trong sự cạnh tranh đó”, ông nói.
Ông cho biết MB đang đứng trước hai lựa chọn, hoặc để nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia quản trị, hoặc bản thân mình phải tự học, tự lớn lên để tự quản trị được. Và MB có thể hướng tới lựa chọn thứ hai, tận dụng nguồn lực sẵn có của mình và thuê chuyên gia, cố vấn nước ngoài khi cần thiết.
(Vnmedia)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com