Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Áp số dư tối thiểu để miễn phí ATM?

Áp số dư tối thiểu để miễn phí ATM?
Theo ý kiến một số chuyên gia, cơ chế áp điều kiện số dư tối thiểu và miễn phí giao dịch ATM như VIB có thể tham khảo để mở rộng.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) vừa thông báo tiếp tục miễn phí rút tiền qua thẻ ATM nội mạng và liên ngân hàng tại hơn 14.000 ATM của tất cả các ngân hàng nội địa trong các liên minh Smartlink, Banknet, VNBC, … trên toàn quốc.

Khi khách hàng sử dụng tài khoản sẽ được miễn phí rút tiền ATM cả nội mạng và ngoại mạng trong 6 tháng đầu. Từ tháng thứ 7 sau khi mở tài khoản, nếu chủ thẻ duy trì số dư 500 nghìn đồng sẽ được miễn phí rút tiền nội và ngoại mạng.

Cụ thể, với giao dịch rút tiền tại ATM nội mạng, VIB tiếp tục áp dụng chính sách miễn phí. Đặc biệt, hạn mức một lần rút được nâng lên tới 10 triệu đồng tại ATM của ngân hàng này là một tiện ích cho các chủ thẻ.

Với giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng, VIB áp dụng chính sách miễn phí trong 6 tháng đầu kể từ ngày khách hàng đăng ký mở mới tài khoản thanh toán, từ tháng thứ 7, nếu duy trì số dư trung bình tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên, sẽ tiếp tục được miễn phí. Với khách hàng hiện hữu, chính sách miễn phí cũng được áp dụng với điều kiện duy trì số dư trung bình tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên.

Theo đại diện VIB, trong giai đoạn này, ngân hàng chú trọng phát triển khách hàng cá nhân và sản phẩm dịch vụ liên quan, thay vì quan tâm vào lệ phí thu được. Bên cạnh đó, mới đây VIB đã chính thức giới thiệu dịch vụ mobile banking và internet banking phiên bản mới. Đây là những kênh giao dịch ngân hàng qua Internet đơn giản, an toàn và tin cậy, giúp khách hàng giảm bớt nhu cầu về tiền mặt.

Điều kiện mà VIB đưa ra, mức 500 nghìn đồng số dư tối thiểu được giải thích là phù hợp với phần lớn khách hàng hiện nay và không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tài chính thường xuyên của chủ thẻ.

Theo ý kiến một số chuyên gia, cơ chế áp điều kiện số dư tối thiểu và miễn phí giao dịch ATM như VIB có thể tham khảo để mở rộng. Cơ chế này vừa tạo lợi ích cho người dùng thẻ, gắn kết họ với tài khoản, vừa tạo điều kiện để ngân hàng có thêm nguồn vốn nhất định cho kinh doanh hoặc đầu tư ngược trở lại cho chất lượng dịch vụ.

Trao đổi với báo chí mới đây, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam nên tham khảo và thực hiện cơ chế trên. Như tại Mỹ, các ngân hàng miễn phí cho các chủ thẻ, kèm với điều kiện phải duy trì số dư tối thiểu từ 100 - 200 USD (dù thực tế đa số chủ thẻ ở Mỹ thường có số dư bình quân từ 5.000 - 10.000 USD).

TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải, việc áp điều kiện duy trì số dư tối thiểu đó là để tạo một nguồn vốn mà ngân hàng sử dụng để kinh doanh hoặc cho vay, góp phần bù đắp cho chi phí đầu tư và vận hành hệ thống ATM. Bởi đây là dịch vụ mà các ngân hàng phải bỏ vốn đầu tư khá lớn, từ thiết bị, thuê mặt bằng, nhân sự, phí chuyển mạng…

Ngoài ra, như hiện nay, số dư của các chủ thẻ vẫn được hưởng lãi suất không kỳ hạn, trong khi các ngân hàng phải “đọng” vốn tồn quỹ đáng kể tại mỗi máy ATM để phục vụ giao dịch.

Nếu áp dụng, mức số dư tối thiểu quy định cần được tính toán phù hợp tương đối với thu nhập, hay một tỷ lệ theo số dư bình quân. Khi hài hòa lợi ích, và đặc biệt là khi có thêm nguồn để đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ, hẳn các ngân hàng sẽ dễ tìm được sự đồng thuận và hợp tác hơn từ phía khách hàng.

Ở một quan điểm khác, khi trao đổi quan điểm về việc thực hiện Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước về thu phí giao dịch ATM, chuyên gia tài chính Lê Thẩm Dương cho rằng, các ngân hàng nên thực hiện miễn phí. Họ có thể lỗ ở dịch vụ này, song về tổng thể được bù đắp ở các nguồn thu khác, trong đó có đối tượng khách hàng là các chủ thẻ.

Như tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), kế hoạch đầu tư và mở rộng thêm mạng lưới ATM đang được tính toán, do chi phí và lỗ trực tiếp là đáng kể. Tuy nhiên, Eximbank vẫn thực hiện miễn phí rút tiền nội mạng.

Và một tuần sau khi Thông tư 35 có hiệu lực, cơ chế thu phí giao dịch ATM đã được ấn định, những ý kiến trái chiều sẽ được thể hiện cụ thể ở lựa chọn của khách hàng, đặc biệt là với các nhu cầu mở tài khoản mới. Những ngân hàng miễn phí như trên có thể sẽ tạo nên những vùng trũng, dịch vụ thẻ theo đó cũng có thêm những yếu tố cạnh tranh mới để phát triển tốt hơn.

(Theo Vneconomy)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!