Mệnh giá 500.000 đồng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong các máy rút tiền tự động ở Hà Nội và TP HCM, gây không ít bất tiện cho những người có nhu cầu chi tiêu nhỏ lẻ.
Đến kỳ lĩnh lương 15/4, chị Thanh Lan, công nhân may Khu công nghiệp Tân Tạo (TP HCM) ra buồng ATM của Vietcombank gần công ty để rút một triệu đồng. Máy nhả ra cho chị vỏn vẹn 2 tờ 500.000 đồng, cầm những tờ mệnh giá quá lớn trên tay để đi chợ, chị cảm thấy rất bất tiện.
"Lúc tôi ghé lại chợ mua con cá chỉ có 10.000 đồng, đưa ra tờ tiền 500.000 đồng nên thấy rất ngại. Cũng may chị bán cá có tiền thối, chứ lần trước tôi cầm tờ này mua rau người bán không có tiền thối nên đành trả rau lại để qua quầy khác", chị Lan nói.
Chị Thu Mai, nhà ở quận Bình Tân bộc bạch, trước kia rút tiền ở máy ATM chị nhận chủ yếu là tờ 50.000 đồng và 100.000 đồng, còn tờ 500.000 đồng rất hiếm. Thế nhưng, khoảng một tháng nay máy toàn cho ra tờ 500.000 đồng, rút ở buồng ATM nào cũng vậy, khiến chị không khỏi thắc mắc: “Tại sao gần đây số lượng tiền 500.000 đồng lại được ATM nhả ra nhiều thế?”
Tương tự, khách rút tiền tại Hà Nội cũng gặp tình cảnh này. Rút 500.000 đồng tại máy ATM của một ngân hàng trước ngã tư Trôi (Hoài Đức, Hà Nội), chị Loan, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long giật mình, vì máy chỉ nhả duy nhất một tờ polymer 500.000 đồng.
Chị kể, đây là lần thứ hai rơi vào tình cảnh này. Lần trước, hết sạch tiền đi xe ôm về nhà, chị cũng rút được một tờ 500.000 đồng từ máy ATM. Khi trả tiền xe, chị này bị người tỏ vẻ khó chịu như thể mình đang chơi khó anh ta.
Chị Hạnh (Hà Nội) cũng kể, hôm 12/4, cần 300.000 đồng để mừng đám cưới. Chị rút tiền tại máy ATM của một ngân hàng trên phố Hoàng Sâm. Khi máy nhả ra tờ 500.000 đồng, chị phải đi đổi lấy các tiền mệnh giá 100.000 đồng để bỏ vào phong bì mừng cưới.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, trong thời gian gần đây, không chỉ các thành phố lớn mà ngay cả một số huyện ngoại thành, việc máy ATM nhả ra tiền chẵn mệnh giá lớn cũng xảy ra tương đối phổ biến. Với những người thu nhập cao, chi tiêu nhiều, rút được tờ 500.000 đồng sẽ cảm thấy thoải mái hơn, đỡ nặng ví. Nhưng những người lao động lương 3-4 triệu đồng mỗi tháng, chi tiền ăn hàng ngày vài chục cho đến hơn trăm nghìn đồng, tờ tiền mệnh giá lớn thực sự là nỗi bất tiện.
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết phải tăng tỷ lệ 500.000 đồng trong ATM vì khách muốn tiết kiệm thời gian khi rút và dễ kiểm đếm. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận nạp tiền mệnh giá lớn giúp ngân hàng giảm thiểu việc tiếp quỹ cho máy.
Ông Lê Huỳnh Hà - Trưởng phòng Dịch vụ thẻ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh TP HCM cho hay, thông thường một máy ATM có 4 hộc để đựng 4 loại mệnh giá. Mỗi ngân hàng có một sự lựa chọn phân bổ mệnh giá tiền khác nhau, có nơi hai loại, có nơi 3 loại và có nơi đủ cả 4 mệnh giá, thậm chí trong mỗi chi nhánh khác nhau của một ngân hàng cũng có sự khá biệt...
Riêng Vietcombank, ông Hà cho biết trước đây phổ biến là 50.000 đồng và 100.000 đồng, còn tiền 500.000 đồng rất ít. Nhưng từ nửa cuối năm 2010, loại 500.000 đồng này đang chiếm số nhiều. Nếu một máy được lắp đầy thì số tiền đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong đó tiền mệnh giá 500.000 đồng chiếm khoảng 1 tỷ, tiền 100.000 đồng (hoặc 200.000 đồng) chiếm khoảng 4 trăm triệu và tiền 50.000 đồng là khoảng 100 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước từng có nhiều công văn yêu cầu các ngân hàng đa dạng hóa mệnh giá tiền trong ATM, đặc biệt phải bổ sung loại 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng để dân dễ chi tiêu. “Nhưng điều này rất khó thực hiện bởi sẽ rất mất công trong việc tiếp quỹ của ngân hàng cũng như bất tiện trong việc rút tiền của khách hàng", ông Hà nói.
Ông Hà cho rằng, thực tế số tiền cung ứng ra thị trường từ máy ATM chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng tiền mặt trong lưu thông, vì vậy không thể tác động lớn đến mức làm mất cân đối cơ cấu tiền. Tuy nhiên, ngân hàng nghiên cứu kỹ nếu cách nhả tiền hiện nay của ATM chưa hợp lý, sẽ điều chỉnh lại. Hiện nay, phần lớn các máy ATM của Vietcombank nhả tiền theo cơ chế mệnh giá lớn trước rồi mệnh giá nhỏ xong. Tức là với những giao dịch đầu tiên, khi máy còn đầy tiền, khách sẽ rút toàn mệnh giá lớn 500.000 đồng (trừ những giao dịch dưới 500.000 đồng). Khi nào hết mệnh giá lớn mới tới mệnh giá nhỏ.
Thời gian tới để thuận tiện hơn cho khách, nhà băng sẽ căn cứ vào giao dịch trong cùng ngày của khách hàng. Với lần đầu tiên khách rút trong ngày, được ngầm hiểu là rút ra để tiêu nhỏ lẻ, ATM sẽ nhả đủ mệnh giá. Nhưng cũng chính khách này rút lần thứ hai trở đi trong ngày, sẽ được hiểu là muốn rút số tiền lớn làm công chuyện, máy sẽ nhả toàn tiền mệnh giá 500.000 đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho rằng, chưa cần biết việc một số máy rút tiền tự động của một số đơn vị phân bổ cơ cấu mệnh giá tiền kém đa dạng có vi phạm hay không, nhưng rõ ràng đang khiến cho khách kém hài lòng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng các máy ATM nhả toàn tiền chẵn mệnh giá lớn gặp phải vấn đề trong cơ cấu phần mềm cài đặt hoặc hết tiền lẻ tại một thời điểm nào đó.
Còn ông Lê Đức Thọ- Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) nói, việc phân bổ cơ cấu mệnh giá tiền tại máy ATM tại phần lớn các ngân hàng đều được dựa trên khảo sát thực tế nhu cầu của người dân về các mệnh giá tiền.
Theo ông Thọ, việc những người rút phải tiền chẵn tại máy ATM của Vietinbank thường không quá phổ biến. Nếu có chỉ là do vào một thời điểm nào đó trong ngày, máy chưa kịp tiếp quỹ nên chưa đa dạng các mệnh giá tiền. Tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra thường xuyên với tần suất nhiều hơn tại máy rút tiền tự động của Vietinbank, đơn vị này sẽ tiến hành khảo sát và điều chỉnh cơ cấu tiền hợp lý.
Vị Tổng giám đốc của một nhà băng tại TP HCM cho biết thêm, cách đây hơn 5 năm, ngân hàng đề phòng khách hàng bị mất thẻ, mất tiền nên hạn chế số tiền rút của khách hàng là 2 triệu đồng một lần. Mức này hiện nay là bất tiện vì thu nhập của người dân ngày càng tăng lên, đặc biệt có tiền lương thưởng tết, thu nhập tăng đột biến so với thu nhập các tháng trong năm.
Do đó thời gian rút tiền tại máy ATM ngày càng lâu với quy định rút một lần 2 triệu - 3 triệu đồng. Hơn nữa, thao tác rút tiền ở một số máy ATM quá rườm rà, chủ thẻ phải lấy tiền xong, chờ lấy thẻ ra rồi bỏ thẻ vào để tiếp tục rút thêm lượng tiền khác. Về nghiệp vụ, các nhà băng hoàn toàn có thể giải quyết nhanh tình trạng quá tải tại các máy ATM hiện nay như tăng số tiền mỗi lần rút lên 5-10 triệu đồng một lần, 40 triệu đồng một ngày.
(Vnexpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com