Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ngân hàng chọn cổ đông chiến lược nước ngoài không còn dễ

Những năm trước, điều kiện thị trường cho phép làn sóng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của các NHTM diễn ra khá rầm rộ, còn hiện nay, mọi chuyện đã khác. Một phần, do diễn biến kinh tế không mấy thuận lợi, ảnh hưởng đến các tập đoàn tài chính nước ngoài. Mặt khác, do giá cổ phiếu được trả ở mức thấp khiến ngân hàng trong nước không mấy mặn mà khi đối tác đặt mua.

DongA Bank là một điển hình, dù thương vụ hợp tác bất thành với Citibank đã qua đi khá lâu, nhưng đến nay, Ngân hàng vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược (cả trong và ngoài nước) phù hợp để đi đến hợp tác lâu dài. Điều này cũng được cổ đông thắc mắc tại ĐHCĐ thường niên DongA Bank năm 2011 vừa mới diễn ra.

Các cổ đông đặt câu hỏi vì sao DongA Bank không sớm dứt điểm việc chọn đối tác chiến lược nước ngoài và phải chăng, nếu quyết bán cổ phần cho đối tác ngoại lúc này thì phải chấp nhận giá bán không cao. Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, trong quá trình điều hành, HĐQT cũng như Ban điều hành đã nhận được nhiều đề nghị hợp tác từ một số tổ chức tài chính.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hai bên cần có thời gian để tìm hiểu lẫn nhau. Một số sau khi tiếp xúc chưa thực sự tìm được điểm trung để hợp tác. "HĐQT và ban điều hành DongA Bank luôn là sẵn sàng chào đón các đối tác nước ngoài. Song điều đó không có nghĩa là sẽ sớm tìm được đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp trong một sớm một chiều", ông Bình nhấn mạnh.

Còn về giá cổ phiếu, theo các ngân hàng, đây được xem là một vấn đề đau đầu trong tìm kiếm các đối tác chiến lược hiện nay, do tình hình TTCK và nền kinh tế Việt Nam không mấy thuận lợi. Tại DongA Bank, ông Bình cho biết, trong quá trình tiếp xúc, các nhà đầu tư nước ngoài luôn so sánh giữa giá bán của DongA Bank với giá niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp cùng ngành nghề trên TTCK chính thức.

Chính điều này làm cho một số ngân hàng chưa đi đến quyết định cuối cùng về giá, dù đã nhắm được đối tác chiến lược phù hợp. Chủ tịch HĐQT Trust Bank, ông Hoàng Văn Toàn cho rằng, Ngân hàng sẽ phải tính toán kỹ để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho cổ đông hiện hữu, thay vì bán bất cứ giá nào cho đối tác chiến lược. Theo ông Toàn, dù thanh khoản cổ phiếu ngân hàng hiện không cao, nhưng cổ đông trong nước vẫn mua bán với giá phù hợp. "Hiện có một số tập đoàn đặt vấn đề mua sỉ, nhưng chúng tôi sẽ tìm thời điểm thuận lợi nhất mới quyết định. Cổ đông nào gặp khó khăn về thanh khoản của cổ phiếu của Ngân hàng, nhất là từ đợt Ngân hàng phát hành tăng vốn trong thời gian tới, có thể báo lại cho chúng tôi, chúng tôi sẽ mua với giá bằng giá thị trường", ông Toàn nói và cho biết, TrustBank sẽ niêm yết cổ phiếu khi thị trường thuận lợi.

Giá cổ phần hoá cho đối tác chiến lược nước ngoài của DongA Bank đang là chủ đề được quan tâm, ông Bình cho biết, hiện Ngân hàng chưa xác định giá bán nhưng DongA Bank luôn quan tâm tới giá có lợi nhất cho các cổ đông hiện hữu. Với số vốn điều lệ của DongA Bank hiện nay là 4.500 tỷ đồng, nếu cổ đông nước ngoài muốn mua 10% từ các cổ đông hiện hữu, tương ứng số vốn 450 tỷ đồng thì không dễ. Đợt phát hành tăng vốn của Ngân hàng lên 6.000 tỷ đồng vào quý IV/2011 là một cơ hội đối với những tổ chức muốn trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng. "Giá cả không phải là vấn đề lớn, quan trọng là cơ hội để có thể sở hữu một tỷ lệ vốn lớn trong một ngân hàng", ông Bình nói.

Tân Tổng giám đốc WesternBank, ông Đặng Đức Toàn cho biết, việc chọn đối tác chiến lược nước ngoài cũng được Ngân hàng nghĩ đến, nhưng đây chưa phải là giai đoạn thích hợp. WesternBank sẽ có quyết định về việc bán cổ phần cho đối tác ngoại khi tìm được cổ đông phù hợp trong điều kiện thị trường thuận lợi.

Thực tế, với diễn biến nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng còn nhiều bất ổn, các tập đoàn tài chính nước ngoài vẫn phải chống chọi với không ít khó khăn. Vì thế, để chọn được đối tác chiến lược phù hợp trong lúc này, theo các NHTM là không dễ. Nếu chọn đối tác không tốt, có thể dẫn tới sự tan vỡ sau này. Trường hợp mối "tương duyên" giữa Sacombank là ANZ là một ví dụ. Sau khi nắm giữ 10% vốn của Sacombank và qua nhiều năm hợp tác, đến nay, ANZ có ý định thoái vốn khỏi Sacombank. Điều này đã khiến không ít cổ đông của Ngân hàng quan tâm. "Chúng tôi gặp nhau rồi tôn trọng nhau về chiến lược phát triển của hai bên. Tuy nhiên, hiện ANZ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và có thể sẽ thoái vốn vào thời điểm thích hợp khi tìm được đối tác bán lại cổ phần", ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết.

(Đầu tư chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!