“Chúng tôi gần như hụt hơi vì đã hơn 11 tháng kể từ ngày yêu cầu Công ty Cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) bồi thường bảo hiểm tài sản giá trị trên 10 tỉ đồng. Do VASS chỉ tạm ứng bồi thường 2 tỉ đồng nên chúng tôi không đủ tiền để sớm khôi phục nhà xưởng khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn…”. Đó là nội dung phản ánh của Công ty Vĩnh Phát với Báo Người Lao Động.
Hiện trạng nhà xưởng Công ty Vĩnh Phát sau vụ cháy ngày 24-5-2010
Kéo dài thời gian
Bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Giám đốc Công ty Vĩnh Phát, cho biết đã mua bảo hiểm rủi ro tài sản của VASS cho nhà xưởng, máy móc, thiết bị và hàng hóa giá trị 10,9 tỉ đồng. Ngày 24-5-2010, Công ty Vĩnh Phát xảy ra hỏa hoạn tại phân xưởng sơn, thiêu rụi 3.000 m2 nhà xưởng, máy móc thiết bị, hàng hóa; nguyên nhân không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Vì thế, VASS phải có nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm.
Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hạn trả tiền bồi thường trong vòng 15 ngày, kể từ ngày công ty bảo hiểm nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường. Điều 48, khoản 1 của Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng cho phép doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho một đơn vị độc lập giám định và xác định mức độ tổn thất. Tuy nhiên, đến đầu tháng 5-2011, VASS vẫn chưa đưa ra cơ sở tính toán để Công ty Crawford (đơn vị giám định độc lập do VASS chỉ định có sự đồng ý của Công ty Vĩnh Phát) tiến hành xác định giá trị tổn thất vụ cháy phân xưởng Công ty Vĩnh Phát…
Thực tế, Công ty Vĩnh Phát, VASS và Công ty Crawford đã bàn bạc kế hoạch bồi thường. Theo đó, Công ty Vĩnh Phát đề nghị VASS bồi thường tạm ứng 5 tỉ đồng song Công ty Crawford đề xuất VASS tạm ứng đợt một 1,5 tỉ đồng. Ngày 11-10-2010 (hơn 4 tháng sau vụ cháy phân xưởng Công ty Vĩnh Phát), VASS tạm ứng cho Công ty Vĩnh Phát 500 triệu đồng, rồi 18 ngày sau tạm ứng tiếp 500 triệu đồng, đến ngày 8-11-2010 tạm ứng thêm 500 triệu đồng. Tiếp đó, Công ty Crawford đề xuất tạm ứng đợt hai là 2 tỉ đồng. VASS chấp nhận nhưng chỉ tạm ứng 500 triệu đồng vào ngày 17-1-2011, rồi “im hơi lặng tiếng” cho đến nay…
Viện dẫn nhiều lý do
Điểm thất thế của Công ty Vĩnh Phát là hợp đồng bảo hiểm không có điều khoản nào quy định số tiền, thời hạn bồi thường tạm ứng nên việc chi trả tạm ứng hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của VASS. Trước tình hình đó, Công ty Vĩnh Phát đã gửi gần 10 công văn yêu cầu VASS tiếp tục tạm ứng, tiến hành giám định tài sản nhưng VASS không phúc đáp. Ngày 15-4-2011, Công ty Crawford cũng có văn bản đề nghị VASS đưa ra cơ sở tính toán để xác định giá trị tổn thất nhà xưởng, thiết bị máy móc, hàng hóa song VASS vẫn im lặng. “Như thế, tôi phải chờ đến bao giờ mới được VASS bồi thường bảo hiểm” - bà Bình than thở.
Ngày 26-4, liên hệ với ông Nguyễn Minh An, Tổng Giám đốc VASS, ông An cho biết do bận công tác ở Hà Nội nên ông cử Trưởng Phòng Bồi thường của VASS là ông Trần Thủ Thắng trả lời về việc bồi thường bảo hiểm cho Công ty Vĩnh Phát. Tiếp xúc với báo chí, ông Thắng khẳng định: VASS không muốn kéo dài thời gian và không chối bỏ trách nhiệm. Tuy nhiên, do Công ty Vĩnh Phát chậm hoặc chưa bổ sung đầy đủ chứng từ nên việc tiến hành bồi thường rất chậm. Riêng số tiền tạm ứng đợt hai, VASS đã ngưng chi trả vì cần xem xét lại giá trị tổn thất thực tế...
Trả lời câu hỏi khi nào VASS sẽ bồi thường dứt điểm cho Công ty Vĩnh Phát, ông Thắng nói: “Trong ngày 27-4, VASS sẽ có văn bản gửi Công ty Vĩnh Phát và đơn vị giám định độc lập, trong đó đưa ra cách thức tính toán giá trị tổn thất theo hướng tài sản nào không rõ ràng sẽ loại bỏ. Trên cơ sở đó, đơn vị giám định độc lập sẽ xác định tổng số tiền bồi thường và VASS sẽ cố gắng chi trả trọn gói…”. Thế nhưng, mãi đến ngày 9-5-2011, Công ty Vĩnh Phát mới nhận được công văn qua email của VASS. Tuy nhiên, theo Công ty Vĩnh Phát, cách thức tính toán bồi thường của VASS có nhiều điểm chưa thỏa đáng.
Kiện ra tòa hoặc đề nghị thanh tra Theo luật sư Trần Văn Hựu, Văn phòng Luật sư Sao Vàng, trường hợp không chấp nhận số tiền bồi thường, bên mua bảo hiểm có quyền khiếu kiện doanh nghiệp bảo hiểm ra tòa án. Khi đó, bên mua bảo hiểm cần phải thuê công ty giám định tài sản riêng biệt để phản bác kết quả giám định của doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong khi đó, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho rằng nếu tiến trình bồi thường bảo hiểm cứ kéo dài thì bên mua bảo hiểm nên cung cấp đầy đủ hồ sơ, đề nghị Cục Giám sát Quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra.
|