Nhu cầu tiền lẻ vào dịp Tết Nguyên đán nói lên điều gì?
Bất chấp những cảnh báo từ phía ngân hàng, nhu cầu tiền lẻ tại Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán năm nào cũng gia tăng rất lớn và gây không ít áp lực về việc phân bổ, điều phối, dẫn đến những khó khăn trong việc điều hòa cơ cấu mệnh giá các loại tiền của hệ thống ngân hàng trong một khoảng thời gian ngắn.
Nhiều người lầm tưởng đánh đồng tiền lẻ với tiền mới cho nhu cầu mừng tuổi năm mới, nhưng theo điều tra xã hội học mới nhất của ngành Ngân hàng, thực chất tiền lẻ dùng vào nhu cầu này rất ít, mà chủ yếu lại phục vụ cho nhu cầu đi lễ chùa…
Nơi đến của những đồng tiền lẻ
Ngày nay, việc mừng tuổi bằng tiền vào dịp Tết đang có xu hướng gia tăng, nhưng điều đáng nói là nó không dừng lại ở những đồng tiền lẻ mà còn nằm trong tất cả các mệnh giá khác nhau của hệ thống tiền Việt Nam. Việc mừng tuổi đối với những loại tiền mới như 50.000, 100.000, 200.000, thậm chí cả 500.000 đồng và hơn nữa, đã không phải là hiếm. Vì vậy, tiền lẻ mới hầu như chỉ còn phục vụ một nhu cầu chủ yếu là đi lễ chùa.
Địa bàn khảo sát của ngân hàng về vấn đề này tại tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhiều đền, chùa và là địa bàn khá tập trung các điểm đến cúng, lễ vào dịp Tết cho thấy, một trăm phần trăm các đền chùa đều có hiện tượng dùng tiền lẻ mới cùng với đồ vàng mã khác làm đồ tế lễ. Tại các chùa có đông người đến lễ, nhà chùa đã phải lập ra cả một nhóm sư, sãi chuyên lo việc thu gom, phân loại, kiểm đếm tiền, phổ biến là tờ 200, 500, 1.000, 2.000 đồng… Năm nay, lượng tiền lẻ mà các chùa thu được vẫn gia tăng gấp hai, thậm chí ba lần năm ngoái. Đáng chú ý là, số lượng tờ tiền 5.000 và 10.000 đồng tuy còn ít, nhưng cũng bắt đầu có mặt như những đồng tiền lẻ khác.
So sánh tỷ lệ trung bình của tiền lẻ được một người dùng vào dịp Tết Nguyên đán thông thường như sau: Đặt lễ ở đền, chùa chiếm gần 75%, dùng vào việc mừng tuổi, làm từ thiện chiếm 20%, chi trả ở siêu thị và chợ chỉ chiếm trên 5%. Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán, một lượng tiền lẻ rất lớn đã không thực sự tham gia trong cơ cấu lưu thông tiêu dùng thông thường như các tháng khác trong năm.
Những hệ lụy của sự gia tăng lượng tiền lẻ trong dịp Tết
Có cầu sẽ có cung. Vào mỗi đầu năm mới, mặc dù ngành Ngân hàng đã phải lo dàn trải một lượng tiền lẻ không nhỏ phục vụ nhu cầu chi tiêu ngày Tết, nhưng không thể không tính đến việc cân đối các mệnh giá tiền khác nhau trong cơ cấu lưu hành. Chính vì lẽ đó, một lượng tiền lẻ mới trước Tết đã được một số kẻ lợi dụng thu gom và đầu cơ, mua bán ở “chợ đen” một cách công khai. Tuy hậu quả chưa đến mức làm hỗn loạn, mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu mệnh giá tiền tệ, nhưng ít nhất nó cũng tạo nên một tâm lý coi thường những đồng tiền lẻ, coi chúng như một thứ vàng mã dùng tế lễ, thậm chí đốt chung trong lễ hóa vàng. Đây là hành động tiêu hủy tiền, vi phạm pháp luật Việt Nam, cần phải lên án.
Khác với Việt Nam, ở các nước trong khu vực và trên thế giới, lượng tiền lẻ được điều tiết luôn cân đối với các đồng tiền mệnh giá khác và giữ được ổn định trong suốt cả năm. Sự gia tăng những đồng tiền mệnh giá nhỏ không những làm tốn kém về khối lượng vật tư in ấn cho ngành Ngân hàng, mà còn làm dư thừa, mất cân đối nghiêm trọng theo vùng và nhịp độ thời gian lưu thông tiền lẻ trong năm.
Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần cân nhắc và thay đổi thói quen lãng phí của cải tiền bạc của chính mình, trả lại vị trí của tiền lẻ trong nhu cầu tiêu dùng thông thường vốn có của nó, đây chính là việc làm góp phần giúp cơ quan quản lý tiền tệ điều hòa lưu thông tốt hơn các loạt tiền qua mỗi lần phát hành. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải thay đổi thói quen thanh toán dùng tiền mặt, tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ không dùng tiền mặt để giảm chi phí xã hội ở một mức độ cao hơn nữa.
(Ngân hàng Nhà nước)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com