Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hướng phát triển chính của thị trường bảo hiểm

Từ chỗ chỉ là bộ phận hỗ trợ văn phòng, công nghệ thông tin được nhận định sẽ trở thành bộ phận cốt lõi và tiếp tục phát triển mạnh trong hệ thống các doanh nghiệp bảo hiểm.

Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm khuyến nghị: năm 2011, các công ty bảo hiểm cần thiết kế thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, đồng thời sử dụng các kênh phân phối đa dạng để tăng doanh thu và đem tới khách hành nhiều kênh đầu tư thông qua công nghệ thông tin.

Với quyết tâm gia tăng thị phần, ngay từ đầu năm 2011, một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã tuyên bố tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin nhằm phát triển mô hình bán hàng trực tuyến và gia tăng tiện ích cho khách hàng. Không chỉ những doanh nghiệp đã tham gia thị trường bảo hiểm từ rất sớm như Bảo Minh, mà những doanh nghiệp mới như Liberty hay BIC đều nhận thấy, khi "con át chủ bài" của các doanh nghiệp bảo hiểm đang dần chuyển sang chất lượng dịch vụ khách hàng, thì đầu tư cho công nghệ hiện đại là điều không thể thiếu, bởi các doanh nghiệp này đều muốn khẳng định vị trí dẫn đầu trong việc phát triển kênh bán hàng hiện đại.

Năm 2011, bên cạnh mở rộng mạng lưới, phát triển các chi nhánh, thì thách thức lớn nhất và cũng là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm là cách thức tiếp cận khách hàng. Để tiếp cận khách hàng bán bảo hiểm, ngoài các mô hình bán bảo hiểm truyền thống như bán trực tiếp cho khách hàng, qua hệ thống đại lý, sử dụng mạng lưới phân phối qua ngân hàng (bancassurance) hoặc cung cấp sản phẩm qua môi giới bảo hiểm, thì hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm đều đã phát triển thêm nhiều mô hình khác để tiếp cận khách hàng như mô hình văn phòng tổng đại lý, tiếp cận khách hàng qua điện thoại (telemarketing).

Dù đã phát triển thêm nhiều hình thức bán hàng mới với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, nhưng trao đổi với ĐTCK, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nước ngoài nhận định, kênh bán hàng truyền thống qua hệ thống đội ngũ đại lý/tư vấn bảo hiểm vẫn có tầm quan trọng nhất định trong các hình thức bán hàng của DN bảo hiểm.

Thực tế, những mô hình bán hàng truyền thống này buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, thuê văn phòng… khá tốn kém. Nhưng trong lĩnh vực bảo hiểm, niềm tin là yếu tố quyết định. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, niềm tin đối với người tư vấn và doanh nghiệp bảo hiểm đưa khách hàng đi đến quyết định tham gia bảo hiểm, cũng như duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài. Để tạo dựng niềm tin nơi khách hàng thì trước hết người tư vấn bảo hiểm phải thật sự quan tâm đến quyền lợi khách hàng, hiểu biết sâu sắc về sản phẩm bảo hiểm, xác định đúng nhu cầu khách hàng để giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Nếu người tư vấn bảo hiểm xác định mục tiêu của mình là hỗ trợ khách hàng tham gia bảo hiểm đúng với nhu cầu và điều kiện tài chính của họ thì khách hàng đó mới an tâm duy trì hợp đồng bảo hiểm lâu dài, có như vậy ngành bảo hiểm nhân thọ mới phát triển bền vững.

Chính vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, giữ chân đại lý là một trong những chính sách trọng tâm trong năm 2011. Các doanh nghiệp sẽ có những chính sách tốt hơn nữa để giữ chân người lao động. Sự đầu tư ban đầu để đào tạo và thu hút nhân viên ngày càng trở nên quan trọng.

Prudential Việt Nam vừa tổ chức Ngày hội tư vấn thông tin (Career Day) trong chương trình Quản trị viên tập sự (Management Trainee Program) năm 2011 của Công ty. Đây là chương trình tuyển dụng các sinh viên tài năng đang học năm cuối hoặc mới tốt nghiệp từ các trường đại học lớn tại TP. HCM và Hà Nội để đào tạo thành những nhà quản trị trong tương lai. Để trở thành các quản trị viên tập sự, thí sinh sẽ trải qua các vòng thi tuyển khắt khe, sau đó được giao nhiệm vụ theo các dự án ở nhiều phòng ban khác nhau trong công ty… Ngày hội thông tin tương tự tại Hà Nội dự kiến được tổ chức vào ngày 27/2 tại Khách sạn Fortuna.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ tập trung vào cắt giảm chi phí. Ông Phạm Xuân Phong, Phó tổng giám đốc Bảo Minh cho biết, năm 2011, Công ty phấn đấu không lỗ trong nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm. Công ty sẽ tiếp tục cắt giảm tối đa các chi phí, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tập trung quản lý và thu hồi công nợ để tái đầu tư.

Ông Takashi Fujii, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam cho hay, dù đặt ra kế hoạch doanh thu 600 tỷ đồng phí bảo hiểm mới, nhưng mục tiêu quan trọng nhất của Công ty trong năm 2011 vẫn là tăng trưởng bền vững. "Chúng tôi cố gắng đảm bảo mục tiêu doanh thu, nhưng cũng không quên chú trọng đến chất lượng kinh doanh, phát triển đội ngũ đại lý", ông Takashi Fujii nói.  

(Đầu tư chứng khoán điện tử)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!