Trong thời điểm thị trường đang gặp khó khăn, các ngân hàng phải thể hiện vai trò của mình, bởi những lúc ngân hàng gặp khó thì luôn có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
Trái với kỳ vọng khắc phục tình trạng hai tỷ giá, chênh lệch tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá niêm yết của ngân hàng, tuần đầu sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, dù tỷ giá bình quân liên ngân hàng có giảm, nhưng giá USD trên thị trường tự do lại tiếp tục leo thang; khoảng cách giữa hai tỷ giá đã có lúc đã lên tới hơn 1.000 VND.
Tình trạng “loạn” giá USD vẫn diễn ra trên thị trường tự do, lúc 9h ngày thứ sáu, có nơi báo giá USD ở mức 22.100- 22.250 đồng, có nơi từ chối báo giá. Tình trạng USD hai giá vẫn tồn tại. Các doanh nghiệp phản ánh họ vẫn rất khó mua USD từ ngân hàng nếu không phải trả thêm khoản phí từ 350- 450 đồng cho mỗi USD.
Giải thích cho điều này, một số ý kiến cho rằng do thâm hụt thương mại lớn đã gây áp lực lên cầu ngoại tệ, trong khi đó cung nội tệ cũng ở mức cao, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế thấp khiến cho VND suy yếu. Kỳ vọng VND tiếp tục bị mất giá vẫn đang là tâm lý đè nặng lên người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh tỷ giá lần này là khá mạnh và trước khi điều chỉnh, giao dịch USD trên thị trường tự do cũng chỉ ở mức xung quanh 21.150 đồng. Hơn nữa, thời điểm này trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng dương khá lớn, nguồn ngoại hối dồi dào. Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mức điều chỉnh như vừa qua là hợp lý và sau khi điều chỉnh tỷ giá, VND đang phản ánh đúng giá trị thực của nó. Việc tỷ giá VND/USD chợ đen tăng cao là biểu hiện của những nguyên nhân phi kinh tế.
Nhiều ý kiến đều thống nhất rằng, Việt Nam hiện nay không thiếu USD nhưng lại bị người dân và một số doanh nghiệp, ngân hàng găm giữ. Theo phó tổng giám đốc một nhà băng, các ngân hàng đang găm giữ ít nhất vài tỉ USD. Vì được phép giữ trạng thái ngoại tệ lên đến 30% vốn điều lệ, không ít ngân hàng đã giữ trạng thái ngoại tệ dương khá lớn đồng thời hạn chế bán ra.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, giải pháp trước mắt nhằm can thiệp thị trường, ổn định tỷ giá, Nhà nước có thể sử dụng một phần của khoản ngoại hối đang gửi ở nước ngoài lãi suất thấp, dùng cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ đối ứng trong tương lai nhằm giúp thị trường có thêm một nguồn cung ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước cũng có thể giảm trạng thái ngoại hối ở ngân hàng thương mại hiện đang ở mức 30% vốn điều lệ xuống thấp hơn thông qua một quyết định hành chính. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các ngân hàng lớn, có trạng thái ngoại tệ dương cần bán USD ra để hỗ trợ thị trường. Đây là lúc các ngân hàng phải thể hiện vai trò của mình, bởi những lúc ngân hàng khó khăn thì đã có sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước.
(Nhà báo và Công luận)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com