Dường như những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế từ những ngày đầu tháng 2 không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng (NH), khi giới này vẫn tiếp tục đưa ra mục tiêu đầy tham vọng lợi nhuận trong năm 2011 này.
Phải thừa nhận dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động kinh doanh của các NH không mấy bị ảnh hưởng. Điều này giải thích vì sao trong thời gian vừa qua, khi hoạt động tín dụng gặp khó khăn, nhiều NH vẫn đạt được lợi nhuận cao. Bằng chứng là trong năm 2010, đa số các NH lớn nhỏ đều đạt được lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra.
Chẳng hạn, ACB thu được 3.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 2.380 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước đó; Techcombank đạt lợi nhuận 2.750 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2009; Quân Đội (MB) mặc dù đặt kế hoạch 1.700 tỷ đồng nhưng lại đạt lợi nhuận trước thuế là 2.100 tỷ đồng; Maritime Bank đạt 1.700 tỷ đồng, tăng tới 151% so với năm trước; An Bình đạt 638 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 55%; lợi nhuận trước thuế của VPBank đã tăng gấp đôi so với năm 2009 là 637 tỷ đồng.
Đáng chú ý hơn cả vẫn là hai ngân hàng nhà nước đã cổ phần hóa là Vietcombank thu được 5.430 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 21% so với năm trước; trong khi VietinBank đạt 4.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lên đến 26%...
Bước sang năm 2011, các NH tiếp tục thừa thắng xông lên khi đưa ra những dự kiến lợi nhuận cũng không kém phần sôi động. Không chỉ các NH lớn mới đặt ra mục tiêu khó với, mà ngay cả những NH có quy mô nhỏ và vừa cũng không ngần ngại đưa ra con số lợi nhuận tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Làm sao có thể đạt được lợi nhuận cao khi mà hoạt động tín dụng huy động và cho vay của hệ thống NH gần như bị tê liệt trong một thời gian dài? Đa số các NH đều trả lời chung một đáp án: lợi nhuận từ tín dụng không còn là thành phần đóng góp chính cho NH.
Cụ thể lợi nhuận thu được từ tín dụng tại các NH chỉ chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng thu nhập, lợi nhuận thu được từ phi tín dụng được các NH điều chỉnh lên khoảng 40 - 60%, còn lại là lợi nhuận thu được từ các hoạt động khác. Từ đó, các NH tự tin đưa ra mức lợi nhuận khả quan trong năm 2011.
Thực vậy, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ngân hàng sẽ tập trung đầu tư phát triển và các sản phẩm tiết kiệm mới cho vay trong năm 2010 và kế hoạch tăng tỷ suất lợi nhuận phi tín dụng đến 50 - 60% của tổng lợi nhuận năm nay. Như vậy, NH sẽ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế và các chỉ tiêu trong năm nay là 1.200 tỷ đồng.
Ông Phạm Duy Hưng, Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Việt Á cho biết, năm nay, NH đã đạt được lợi nhuận ít nhất là gấp đôi. Tương tự, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc của Eximbank, nói rằng, ít nhất các NH phải đạt được khoảng 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, mức tăng khoảng 26%...
Mặc dù các NH đều tỏ ra khá lạc quan về mức lợi nhuận, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng 2011 sẽ là một năm khó khăn trong hoạt động. Bởi vì, các nghiệp vụ kinh doanh đặc trưng của NH phần nào bị thu hẹp, khả năng tăng trưởng mạng lưới hoạt động bị giới hạn trong khi các loại rủi ro đều gia tăng (thanh khoản, tỷ giá, pháp lý, vận hành).
Trên thực tế, có thể nhận thấy những lường định đó đã thể hiện rõ ở nguồn thu từ kinh doanh vàng và ngoại hối, từ hoạt động dịch vụ, từ đầu tư chứng khoán, hay ngay cả từ nguồn thu nhập cổ tức ở các khoản góp vốn mua cổ phần...
Ngoài ra, một giải pháp trọng tâm mà các NH đưa ra là nâng cao cả chất lượng và số lượng tăng trưởng tín dụng để tăng thu từ lãi. Nhưng, bên cạnh tỷ lệ lãi biên chật hẹp, tăng trưởng tín dụng cũng gặp khó khăn khi diễn biến chung chậm chạp kéo dài từ đầu năm, thay vì mạnh như năm 2010.
Như vậy, qua năm 2010 và thực tế 2011 đang dần định hình, dù chỉ tiêu kế hoạch của năm có thể hoàn thành như đã định thì các NH vẫn phải đứng trước một áp lực là lợi ích của các cổ đông, thay vì một con số nặng về tính khả thi và an toàn.
(Doanh nhân Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com