Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khơi dòng đầu tư từ doanh nghiệp bảo hiểm

 Dưới áp lực cạnh tranh ngày càng cao, phí bảo hiểm giảm, trong khi chi phí bồi thường có xu hướng tăng, rất ít doanh nghiệp có lời từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hoạt động đầu tư trở thành nguồn thu chính cho hầu hết doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia ngành tài chính, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay còn hạn chế, chỉ tập trung vào một vài sản phẩm tài chính nhất định.

Theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vốn vào các lĩnh vực: mua trái phiếu chính phủ, mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, góp vốn vào các doanh nghiệp khác, cho vay theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tại, khoảng 60% tổng giá trị danh mục được các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu, 22% dưới dạng tiền gửi, phần còn lại đầu tư vào thị trường vốn, bất động sản và một số lĩnh vực khác.

Lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, tại công ty ông, gần 90% số tiền đầu tư từ phí bảo hiểm là nhằm mua trái phiếu chính phủ và gửi tại các tổ chức tín dụng. Vị này cho rằng, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tính an toàn và thanh khoản phải được đặt lên hàng đầu nhằm đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết quý III/2009, trong số 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ có Bảo Việt và Manulife Việt Nam, ngoài việc đầu tư vào trái phiếu hay gửi tiền tại ngân hàng như những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác, là có hoạt động đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác hoặc kinh doanh bất động sản.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nhìn vào danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm thì có thể dễ dàng nhận thấy đây là những danh mục đầu tư luôn đem lại thu nhập ổn định, an toàn trong giai đoạn nền kinh tế bất ổn. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi, thị trường tài chính được cải thiện, nếu cơ cấu đầu tư như vậy vẫn được duy trì sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn do tỷ suất lợi nhuận đem lại tương đối thấp.

Thực tế, quá trình mở cửa thị trường bảo hiểm đã kích thích các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước mở rộng kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó đầu tư trở lại cho nền kinh tế nhiều hơn. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2008, ngành bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 57.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2007. Năm 2009, thị trường bảo hiểm tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định và dự tính đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế với tỷ trọng doanh thu/GDP khoảng 2,3%. Ngành bảo hiểm cũng đã huy động đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 69.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 12.000 tỷ đồng so với năm 2008. Nguồn vốn đầu tư này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp nguồn bảo tức của khách hàng mua bảo hiểm được cao hơn. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm dù tăng nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Năm 2009, doanh thu hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 6.016 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2008; trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 1.350 tỷ đồng, của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 4.666 tỷ đồng .

Được biết, để khơi thông dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhiều hơn nữa, Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển và sắp xếp các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, từng bước mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường quốc tế; khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước góp vốn tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần; thành lập tổ chức bảo hiểm tương hỗ trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản... Trong năm 2010, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn.

Bộ Tài chính dự tính, năm 2010, mức tăng trưởng của thị trường bảo hiểm khoảng 12 - 13%/năm; doanh thu phí bảo hiểm đạt 28.000 tỷ đồng, doanh thu hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 7.000 tỷ đồng.

Trên thế giới, ở nhiều tập đoàn bảo hiểm lớn, lợi nhuận chủ yếu đến từ đầu tư, chứ không phải từ kinh doanh bảo hiểm đơn thuần. Chính vì thế, trong tương lai gần, một số doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhận thọ, đã xác định sẽ mở rộng đầu tư sang một số lĩnh vực khác nhằm đem lại hiệu quả hoạt động cao hơn.

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Ngân hàng “chi lớn” cho dịch vụ bán lẻ
  • Hai mảng sáng-tối trong ngành ngân hàng Mỹ
  • Năm 2009: Năm thuận lợi của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam
  • Trò “mèo vờn chuột” giữa Nhật Bản và nhà đầu cơ quốc tế
  • “Sốt” cao trên thị trường liên ngân hàng
  • Dùng vân tay để giao dịch ngân hàng
  • Ngân hàng nhỏ chạy đua lên sàn
  • Mỹ: Các ngân hàng dễ vay vốn hơn nếu có chính trị gia hậu thuẫn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!