Giao dịch bằng đôla sẽ dễ dàng hơn, cả doanh nghiệp và ngân hàng sẽ không còn cảnh mua bán chui như trước là nhận định của nhiều chuyên gia tiền tệ về quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên ông Trương Văn Phước – Tổng giám đốc Eximbank nói: “Đây là một quyết định đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước, đáp ứng đúng mong đợi của thị trường, đưa tỷ giá chính thức sát với thị trường”.
Nguyên là Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, ông Phước nhận xét khi tỷ giá được công khai, ngân hàng thương mại với doanh nghiệp hội tụ thì sẽ tạo ra niềm tin cho những thành viên thị trường. “Doanh nghiệp, cá nhân sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng nhiều hơn và thị trường chắc chắn có những chuyển biến tích cực”, ông Phước dự báo.
Chuyên gia về ngoại hối này còn cho rằng, động thái thu hẹp biên độ tỷ giá từ 3% xuống 1% là phù hợp với cơ chế điều hành trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Trước khi Ngân hàng Trung ương công bố quyết định điều chỉnh tỷ giá, trên thị trường luôn tồn tại mức giao dịch danh nghĩa 19.500 đồng đổi một đôla và mức thực tế quanh 21.000 đồng. Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần tại Hà Nội gọi đó là tỷ giá “chui” – ai cũng phải làm nhưng không nói công khai.
Loại tỷ giá “chui” này gây ra nhiều hệ quả như tạo sự hoài nghi, băn khoăn của các thành viên có giao dịch đôla trên thị trường về xu hướng của tỷ giá, doanh nghiệp không muốn bán vì chênh lệch giữa mức chính thức và “chui” quá lớn (khoảng 1.500 đồng mỗi đôla). Bên cạnh đó, nhà băng rất khó mua, bán với khách hàng vì phải thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm giấu chênh lệch giữa giá thực tế và danh nghĩa.
Ông Vũ Tú, Tổng giám đốc Tienphong Bank nhận xét, việc đưa tỷ giá từ 18.932 đồng đổi một đôla lên 20.693 đồng, đồng thời thu hẹp biên độ tỷ giá từ 3% xuống 1%, sẽ giúp cho thị trưởng minh bạch hơn. Vị lãnh đạo này cho biết, hiện tại còn quá sớm để khẳng định về xu hướng biến động nhưng “về cơ bản, đây là một động thái tích cực từ cơ quan quản lý và giá chính thức sẽ sát với thị trường hơn”.
Một chuyên gia tiền tệ có nhiều năm kinh nghiệm về ngoại hối phân tích, sức ép phải điều chỉnh tỷ giá chính thức cho sát với thị trường đã tăng mạnh từ trước Tết. Khi dự báo về điều chỉnh thành hiện thực, thị trường sẽ rõ ràng hơn, giảm việc khách hàng chạy quanh giữa các nhà băng để tìm tỷ giá tốt nhất. “Điều quan trọng nhất là tỷ giá ‘chui’ sẽ ít đi bởi mức chính thức đã tiệm cận với thị trường”, ông này bình luận.
Tuy nhiên, sau những hồ hởi ban đầu của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp xuất khẩu về việc tỷ giá chính thức sát hơn với thị trường thì sẽ có những tiếng kêu than. Các nhà nhập khẩu, nợ quốc gia… là những đối tượng chịu tác động tiêu cực từ việc tăng tỷ giá. “Đây là tính 2 mặt của việc điều chỉnh”, ông này nói.
(VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com